Thị trường viễn thông di động vẫn đang có “sóng ngầm” với các gói cước nội mạng để thu hút thị phần thuê bao.

Không biết do “vô tình” hay đã lên kế hoạch từ trước, nhưng ngay sau khi gói cước tỉ phú của Beeline hết hạn đăng kí hôm 31/11, VinaPhone cũng tung ngay gói cước nội mạng “gọi 10 phút” (từ 1/11- 30/11/2011) áp dụng với cả các thuê bao VinaPhone, MobiFone, điện thoại cố định VNPT.

Một đại diện của VinaPhone tiết lộ, việc tung ra gói cước này là nhằm để giữ chân thuê bao.

Khi Beeline thành hiệu ứng

Gói cước tỉ phủ và điện thoại siêu rẻ của Beeline tung ra trong thời gian từ tháng 9 đến cuối tháng 10 có lẽ là “con sóng” duy nhất trên thị trường viễn thông di động từ đầu năm tới nay.

"Đợt sóng" của Beeline đã tạo ra hiệu ứng trên thị trường viễn thông và dịch vụ của mạng này bỗng nhiên trở thành phương tiện đàm thoại chung của không ít gia đình, công sở.

Chị Hoàng Hải Yến, nhân viên kinh doanh của một đơn vị truyền thông tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đã đặt mua 120 điện thoại và sim Beeline cho toàn bộ công ty và người nhà. Thay vì trước đây, mọi người vẫn dùng số của nhiều nhà mạng khác nhau để liên lạc thì nay nhân viên trong công ty chỉ dùng một dịch vụ của Beeline.

Do tính chất công việc là làm truyền thông và tổ chức sự kiện nên nhu cầu liên lạc giữa các nhân viên trong công ty rất lớn, mỗi tháng thường chị Yến sử dụng trên 300.000 đồng phí điện thoại. “Giờ, dùng Beeline, mỗi tháng chỉ mất 20.000 đồng, nếu so với gói cước cả nội mạng và ngoại mạng của các mạng khác thì gói cước tỉ phú của Beeline rẻ hơn nhiều lần”, chị Yến phân tích.

Không chỉ thế, chị Yến cũng mua luôn 5 chiếc “bộ đàm Beeline” cho gia đình dùng. Số điện thoại mạng Viettel và MobiFone mà mọi người trong gia đình chị dùng bấy lâu, tự nhiên trở thành thứ yếu.

Thông thường, khi các nhà mạng tung những gói cước với chính sách giá rẻ, khuyến mại thường tập trung vào đối tượng khách hàng là giới học sinh, sinh viên và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn nhất định. Vì thế khi hết thời hạn khuyến mại của gói cước, người dùng thường đi tìm sim khác hay chuyển đổi sang các gói cước khác hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, Beeline lại thực hiện chính sách áp dụng cho dải số sim mới (0993 và 0995), giá siêu rẻ, với thời hạn tới 10 năm, để không chỉ thu hút thêm được một lượng người mới dùng dịch vụ mà còn hướng tới giữ chân khách hàng tới 10 năm. Gói cước này đã làm thay đổi thói quen sử dụng điện thoại để giao tiếp của người dùng, bởi tần suất gọi nhiều hơn, và đã tạo ra những “văn phòng, công sở Beeline”.

Rất có thể, số khách hàng sử dụng gói cước “tỉ phú” này sẽ trở thành thuê bao trung thành của Beeline, nếu chất lượng dịch vụ của nhà mạng này đảm bảo.

“Cuộc chiến” bằng gói cước nội mạng

Cũng như Beeline, thành công lớn nhất của mạng di động “tiểu gia” Vietnamobile đến lúc này có lẽ là việc cung cấp gói cước Maxi Talk ra thị trường và thu hút được một lượng thuê bao tương đối lớn.

Maxi Talk cho phép thuê bao của Vietnamobile chỉ mất 5.000 đồng nhưng được gọi cả ngày. Gói cước này được coi là “xương sống” của Vietnamobile. Maxi Talk cũng đã dành được danh hiệu “gói cước xuất sắc nhất” năm 2010 do Bộ Thông tin và Truyền thông trao thưởng hồi tháng 4/2011.

Theo bà Elizabete Fong, Tổng điều hành của Vietnamobile, nhờ gói cước Maxi Talk, sau hơn một năm triển khai, nhà mạng đã thu hút được hàng triệu thuê bao là học sinh, sinh viên và giới văn phòng. Tới tháng 1/2011, mạng này đã có khoảng 10 triệu thuê bao.

Trong khi đó, với Beeline, theo số liệu mới nhất mà VnEconomy có được, sau một tháng rưỡi kể từ khi mạng này tung ra chương trình gói cước tỉ phú và điện thoại siêu rẻ cho tới khi hết hạn đăng kí (từ giữa tháng 9/2011 đến hết 31/10), lượng thuê bao của Beeline đã tăng gần 400%. Tương đương, mỗi ngày Beeline thu về được hơn 15.000 thuê bao hoạt động thực, có phát sinh cước trong ngày.

Từ đầu năm đến nay, thị trường viễn thông dù không xuống dốc nhưng cũng không có một đợt “sóng trào” nào, hơn nữa, giữa lúc thị phần thuê bao di dộng đang được phủ đầy và khó có thể đẩy mạnh gia tăng thị phần nhanh chóng, thì việc trung bình mỗi ngày Beeline gặt hát cho mình thêm 15.000 thuê bao thì đúng một cú kích cầu hiếm có.

Đấy là xét ở góc độ hiệu quả của chiến lược kinh doanh bằng con số thực. Còn ở khía cạnh marketing và quảng bá thương hiệu, thì cũng từ đầu năm đến nay, hiếm có nhà mạng nào có gói cước tạo ra hiệu ứng nhận diện thương hiệu rõ nét và lên “cơn sốt” như Beeline.

Đại diện một nhà mạng lớn từng cho rằng, dù tăng hơn 10.000 thuê bao trong một ngày cũng không phải quá lớn với thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, mới đây tại một chương trình giao lưu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết, trong viễn thông số lượng là một yếu tố quan trọng.

Chính vì thế, việc thu hút được một khối lượng lớn thuê bao trong thời gian ngắn của một mạng nhỏ như Beeline có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Từ hai ví dụ điển hình trên có thể cho thấy, cửa và cơ hội cạnh tranh của các mạng nhỏ, mới gia nhập thị trường so với các "đại gia" là ở gói cước nội mạng. Các nhà mạng nhỏ sẽ không thể cạnh tranh bằng gói cước ngoại mạng, vì còn phụ thuộc vào chính sách và quy định giá cước kết nối giữa các mạng.

Một số chuyên gia trong ngành viễn thông đã nghĩ đến có thể sẽ có một “cuộc chiến gói cước nội mạng” nếu sẽ có thêm nhiều “con sóng” như gói cước tỉ phú của Beeline.

Theo VnEconomy



Bình luận

  • TTCN (0)