Mục tiêu đưa 40% laptop cho người dùng hiện tại chuyển sang định dạng mới với thiết kế siêu mỏng, khởi động tức thì và thời lượng pin dài của Intel đang vấp phải "tảng đá lớn": giá bán quá cao.
Đây là ý tưởng của Intel nhằm biến mọi notebook Windows trở nên giống máy tính bảng và smartphone hơn – hay ít nhất là tiến gần với mẫu laptop bán chạy nhất của Apple: MacBook Air.
Chip Intel không thường được dùng trong hầu hết điện thoại và máy tính bảng, vì thế dự án ultrabook được xem là nỗ lực tận dụng kỉ nguyên thống trị của máy tính cá nhân (PC) khi mà thiết bị di động ngày càng khẳng định vai trò “đường dẫn” truy cập Internet. Thách thức đặt ra là hầu hết mọi ultrabook đều có giá thấp nhất 1.000 USD (gần 21 triệu đồng), và Intel tuyên bố mục tiêu 40% cuối năm sau không thể đạt được trừ phi giá bán giảm. Suju De Silva, chuyên gia phân tích của Công ty nghiên cứu ThinkEquity LLC (Mỹ) nhận xét, “nếu mẫu ultrabook rẻ nhất là 1.000 USD, sự kế vị sẽ không xảy ra. Intel đặt ra mục tiêu quá tham vọng”.
Intel không tự mình sản xuất ultrabook mà chỉ tạo ra các thông số và cung cấp cho đối tác như Acer và Lenovo. Acer Aspire S3, Lenovo IdeaPad U300 và Asustek Zenbook – những người chơi mới của thị trường – đều dày chưa tới 2,6mm và nhẹ hơn 1,4 kg tương tự MacBook Air.
Quá đắt tiền?
Mẫu máy rẻ nhất trong bộ 3 sản phẩm nói trên có giá khởi điểm từ 900 USD (18,7 triệu đồng). Theo Công ty nghiên cứu thị trường IDC, với linh kiện cao cấp, giá bán có thể leo lên tới 1.500 USD (31,2 triệu đồng), gấp đôi máy tính trung bình. Trong khi đó, khách hàng đã hình thành thói quen mua sắm laptop trung bình thấp hơn 500 USD (10,4 triệu đồng). HP – nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới – đưa ra nhiều mẫu giá xuất phát từ 349 USD (7,2 triệu đồng). MacBook Air ra mắt lần đầu năm 2008 với giá từ 999 USD (gần 21 triệu đồng). Điều này đồng nghĩa ultrabook sẽ phải đối đầu với MacBook Air mà không có lợi thế từ hệ điều hành và danh tiếng của Apple. Vì thế, rất khó để cho rằng ultrabook sẽ chiến thắng trong cuộc đua này. Theo Stacey Rasgon, chuyên gia của Công ty đầu tư Sanford C. Bernstein & Co. (Mỹ), bánh lái thành công lớn nhất của ultrabook phải là giá bán. Với tầm giá như trên, ông chỉ cân nhắc mua MacBook Air.
Sẽ có tới 70 mẫu ultrabook
Trong khi MacBook Air cũng sử dụng chip Intel, công ty cần giúp các đối tác Windows cạnh tranh hơn, bởi nền tảng vẫn chiếm phần lớn doanh số bán hàng của Intel. Cho tới nay, Intel vẫn chưa thuyết phục người dùng laptop và máy tính bàn truyền thống mua ultrabook. Tuy nhiên, Intel tuyên bố không hề lo lắng: Có tới 70 mẫu ultrabook đã được “lên khuôn”, và mức giá sẽ giảm xuống 699 USD (14,5 triệu đồng). Stacy Smith, Giám đốc tài chính của Intel trong một phỏng vấn cho biết trong quý 4 năm nay, trên thị trường sẽ chứng kiến sự ra đời của một loạt notebook “sexy” và danh mục sản phẩm tiếp tục được mở rộng theo kế hoạch đã vạch sẵn trong năm 2012. Dù vậy, theo chuyên gia Chris Caso của Tập đoàn thương mại quốc tế Susquehanna, Intel vẫn dậm chân tại chỗ trên thị trường máy tính bảng, do đó sẽ khó có thể chinh phục khách hàng thêm một lần nữa. Caso nhận định: “Notebook không có đổi mới đáng kể nào trong vài năm trở lại đây. Nếu bạn đã mua laptop trong 2 hoặc 3 năm trước, không có lí do gì để mua một chiếc mới, trừ khi bạn đã lỡ tay đánh rơi xuống cầu thang.”
Mối đe dọa từ máy tính bảng
Trong khi đó, hãng nghiên cứu thị trường Gartner lại dự đoán thị trường máy tính bảng sẽ tăng trưởng 63% vào năm sau, bằng 1/4 quy mô ngành PC, tăng từ con số 0 năm 2008. Jonney Shih, Chủ tịch hãng máy tính Asustek – nhà sản xuất PC lớn thứ 5 thế giới cho rằng “thị trường laptop đang chuyển mình, phản ứng lại xu thế máy tính bảng”, và nhiều người mong dùng máy tính bảng Windows. Hãng nghiên cứu thị trường IHS hi vọng doanh số ultrabook sẽ chiếm 13% tổng số notebook năm 2012, gồm cả dòng doanh nhân và phổ thông. Tới năm 2015, con số này có thể tăng lên 40%, và tiếp tục “phát triển siêu tốc”. Ngay cả khi ước tính của IHS trở thành sự thực, Intel vẫn phải đối mặt với ngày càng nhiều cạnh tranh ngay trong nội bộ thị trường laptop. Qualcomm và một số nhà sản xuất chip điện thoại di động đang có ý định cung cấp cả bộ xử lí cho máy tính. Họ cũng nhận được hỗ trợ từ gã khổng lồ Microsoft khi hãng này quyết định cũng sẽ sử dụng chip ARM trong phiên bản Windows 8. Thiết kế của ARM đang thống trị ngành công nghiệp điện thoại.
Công nghệ mới giảm thiểu chi phí
Một lí do khiến ultrabook đắt hơn laptop truyền thống là ổ lưu trữ thể rắn SSD. Những mẫu máy tính này dựa vào chip nhớ flash thay vì ổ đĩa phân mảnh như ổ cứng truyền thống. Lưu trữ flash đắt hơn từ 10-20 lần. Ultrabook cũng phải mua nhiều vật liệu hiện đại để giữ vẻ ngoài mỏng và hấp dẫn. Bên cạnh đó, ultrabook còn cần tới bộ xử lí tiêu tốn ít điện năng hơn nhưng vẫn cho hiệu suất hoạt động tương tự. Về vấn đề này, các kĩ sư của Intel đang làm việc với nhà sản xuất PC để giảm thiểu chi phí.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp, Intel đã mở quỹ đầu tư 300 triệu USD, tài trợ các doanh nghiệp mới tập trung cải thiện thiết kế và biến chúng rẻ hơn. Intel cũng giới thiệu công nghệ tạm thời được thiết kế nhằm giúp máy tính khởi động nhanh hơn ổ cứng truyền thống. Phương pháp tiếp cận sử dụng chip nhớ để lưu trữ tệp tin quan trọng. Intel sẽ nhanh chóng tháo gỡ mọi nút thắt, dù mục tiêu năm 2012 vô cùng gấp gáp. Eric Reid, Giám đốc tiếp thị Intel tin tưởng: “Công việc vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi biết phải làm thế nào.”
Theo ICTnews
Bình luận