Khó biết ai là người chiến thắng cuối cùng trong những vụ kiện tụng liên miên giữa các "ông lớn" như Microsoft, Google, Apple, Samsung, HTC..., nhưng có thể xác định "bên" thiệt hại nhiều nhất chính là người dùng.
Những ngày gần đây, các vụ việc liên quan tới bản quyền phát minh sáng chế trong lĩnh vực công nghệ di động không lúc nào lắng xuống. Trước đây, mục đích chính của việc nắm giữ bản quyền sáng chế chỉ là bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Còn hiện giờ, từ các "đại gia" như Apple, Microsoft và HTC cho đến các công ty nhỏ hơn đều đang sử dụng các bản quyền phát minh sáng chế như một vũ khí chiến lược, một đòn bẩy vững chắc trong việc kiện cáo các đối thủ cạnh tranh với mục đích không gì khác ngoài việc chiếm ưu thế trên thị trường. Đối với khuynh hướng xung đột pháp lí ngày càng trở nên dữ dội và có chiều hướng vượt ra ngoài tầm kiểm soát này, các chuyên gia cho rằng người chịu thiệt cuối cùng sẽ là khách hàng, khi mà kết quả cuộc chiến sẽ làm ảnh hưởng tới giá sản phẩm di động.
Theo công ty chuyên về lĩnh vực giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ Lex Machina, số lượng các vụ kiện tụng liên quan tới ngành điện thoại di động tăng với tốc độ 25% mỗi năm kể từ năm 2006 tới nay. Một luật sư khác trong lĩnh vực này, David Mixon của công ty Bradley Arant Boult Cummings cho rằng số vụ việc kiện cáo tăng vọt bởi vì các danh nghiệp trong mảng di động ngày càng nóng lòng chiếm lấy những phần béo bở trị giá hàng tỉ đô la Mỹ của thị trường di động vốn đang có mức độ tăng trưởng cao. Ông nói:”Bởi vì thị trường luôn luôn thay đổi và tính cạnh tranh ngày càng cao, mọi công ty đều có xu hướng phải bảo vệ lợi thế của mình bằng mọi cách. Đây không chỉ đơn thuần là việc sử dụng bằng sáng chế để bảo vệ tài sản trí tuệ như trước nữa, rõ ràng nó đã trở thành một chiêu thức cạnh tranh mới trong kinh doanh của các đại gia công nghệ”.
Microsoft đã và đang hưởng lợi lớn từ Android do hệ điều hành này sử dụng (chính xác hơn là vi phạm) một số bản quyền sáng chế quan trọng của Microsoft. Đại gia phần mềm này còn đang tiếp tục kí kết thêm 10 thỏa thuận cấp phép sử dụng bằng sáng chế cho các công ty như Acer, HTC, Samsung và các nhà sản xuất thiết bị di động cài đặt hệ điều hành Android khác (mới nhất trong số đó là nhà sản xuất điện thoại di động Compal Electronic).
Với các thỏa thuận này, Microsoft sẽ thu được những khoản tiền không nhỏ phí sử dụng bản quyền sáng chế trên mỗi thiết bị di động mà các nhà sản xuất này cung cấp ra thị trường. Có thể nói đây là một món rất hời vì ngay cả khi Microsoft đang dùng Windows Phone 7 cạnh tranh khốc liệt với gã khổng lồ Apple và đội quân Android hùng hậu, Microsoft vẫn vũ trang cho phe Android bằng việc cấp phép sử dụng các bằng sáng chế của mình. Đổi lại, Microsoft dự kiến sẽ thu về một khoản phí lên tới 444 triệu USD. Goldman Sachs ước tính con số này tương đương với khoảng từ 3-6 USD trên mỗi thiết bị di động Android.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như "phe" Android không trả tiền cho Microsoft hoặc những chủ sở hữu phát minh sáng chế khác? Không cần phải suy đoán chúng ta cũng biết rằng các luật sư sẽ vào cuộc. Điện thoại thông minh là một thiết bị tinh vi mang trong mình hàng trăm chi tiết và phương thức vận hành liên quan tới các bằng sáng chế công nghệ khác nhau. Không chỉ có những thứ dễ hình dung như máy ảnh tích hợp, bộ vi xử lí cùng cấu kiện mà những tính năng đặc thù phục vụ cho thiết bị hoạt động cũng đều được đăng kí bản quyền sáng chế. Ví dụ như cơ chế trượt để mở khóa (swipe to unlock) của Motorola, phương thức nhận e-mail của iPhone hoặc các bước phục vụ cho quá trình mua bán trực tiếp ngay trong ứng dụng.
Các tính năng tưởng như đơn giản như vậy đang là trung tâm của cuộc chiến pháp lí liên quan tới bản quyền phát minh sáng chế mà ít nhiều đều ảnh hưởng tới các công ty trong ngành di động. Một trường hợp điển hình là vụ việc công ty Lodsys khẳng định mình là người sở hữu sáng chế công nghệ “thanh toán ngay trong ứng dụng” và công ty này đã lôi hàng chục nhà phát triển ứng dụng iPhone ra tòa đòi bồi thường.
Một chuyên gia và nhà phân tích về phát minh sáng chế, đồng thời là cây viết chủ lực của blog Foss Patents, Florian Mueller cho rằng những gì Lodsys đệ trình trước tòa không thuộc về vấn đề bản quyền sáng chế. Ông cho rằng Lodsys đã cố tình “chơi bẩn” các nhà phát triển ứng dụng, đặc biệt là những người “thấp cổ bé họng” bằng cách lợi dụng các vấn đề pháp lí liên quan tới sáng chế để moi tiền.
Thường thì các nhà phát triển ứng dụng nhỏ lẻ ít có khả năng tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn như vậy, họ thường chấp nhận việc trả phí hoặc đóng tiền phạt thay vì tranh tụng trước tòa. Muller cho biết chi phí cơ bản để thẩm định việc có vi phạm bản quyền sáng chế hay không đã thường xuyên vượt quá khả năng chi trả của những đối tượng này.
Hành vi của Lodsys bị coi là phi đạo đức song công ty này đã lên tiếng phản bác trong một bài đăng tải trên blog. Lodsys cho rằng họ chỉ đơn giản bảo vệ công nghệ thuộc về mình và tiến hành đòi những khoản bồi thường không được tiết lộ từ những nhà phát triển kiếm tiền dựa trên công nghệ mà Lodsys phát minh.
Tuy nhiên, vụ việc Lodsys cho thấy đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Sự khốc liệt của cuộc chiến này thực sự mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Như chúng ta đã biết, Oracle đã kiện Google về việc sử dụng Java trong hệ điều hành Android. Apple đã và đang theo kiện HTC và Samsung, cáo buộc sản phẩm của các hãng này có nhiều chi tiết “nhái” iPhone. Microsoft đang kiện Barnes & Noble về sản phẩm thiết bị đọc sách điện tử Nook và cách thức người dùng tương tác trên các màn hình của thiết bị này.
Cuộc chiến gay go chưa biết hồi kết này rõ ràng sẽ tiêu tốn hàng tỉ đô la của các "đại gia" ngành di động, số tiền này chắc chắn rồi sẽ lại gián tiếp do người dùng nai lưng ra gánh chịu. Số lượng các bằng sáng chế nằm trong diện tranh chấp hiện là bao nhiêu vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Muller chỉ ra rằng các sáng chế mà các gã khổng lồ như Apple và Google đã sử dụng để kiện cáo nhau trước tòa mới chỉ là một con số rất nhỏ trong “gia tài” của họ.
Chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ của HTC, ông Martin Fichter lại không đồng ý với quan điểm này. Mới đây, tại hội thảo Mobile Future Forward tổ chức ở Seattle, Fichter phàn nàn rằng các phiền toái của cuộc chiến pháp lí này sẽ làm các công ty di động mất tập trung, họ sẽ tập trung vào việc củng cố quyền sở hữu thay vì tập trung phát triển các công nghệ mới hoặc nâng cao các trải nghiệm người dùng. Ông cho rằng ngành công nghệ di động cần “chấm dứt lãng phí tài nguyên và năng lượng, thay vào đó là sử dụng chúng để đưa những công nghệ tốt đẹp hơn tới tay người tiêu dùng”. Hay nói cách khác, người chịu thiệt cuối cùng sẽ là người tiêu dùng, một khi các công ty quá mải gầm ghè nhau trong cuộc chiến chưa biết ai là người chiến thắng.
Các phát biểu của Fichter đều xuất phát trên kinh nghiệm của mình. Hồi tháng 9 vừa rồi, sau khi có được một vài phát minh sáng chế từ Google, HTC đã tiến hành kiện ngược lại Apple, cáo buộc các sản phẩm Mac, iPhone, iPod, iPad, dịch vụ đám mây mới iCloud và iTunes của Apple đã vi phạm sáng chế trong việc đồng bộ không dây. Rất nhiều quan sát viên trong ngành công nghiệp này đều cho rằng cuộc quyết đấu giữa HTC và Apple sẽ khơi mào cho cuộc chiến với quy mô lớn hơn nhiều giữa Apple và Google. Steve Jobs quá cố đã từng đưa ra một phát ngôn nổi tiếng khi gọi hệ điều hành Android là “nhái” iPhone một cách trắng trợn. Apple thực ra cũng đã chĩa mũi dùi trực tiếp vào Google khi quyết định theo đuổi các vụ kiện tụng về hệ điều hành Android.
Hồi tháng 8 vừa qua, Apple đã ngăn cản Samsung bán các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android do hãng này sản xuất là máy tính bảng Galaxy Tab 10.1 và điện thoại thông minh Galaxy S tại một số vùng lãnh thổ châu Âu. Để làm được điều này, Apple đã thuyết phục được cả hai tòa án của Hà Lan và Đức rằng Samsung đã vi phạm các bản quyền sáng chế của mình.
Nhanh chóng nhận ra nhược điểm của mình trong cuộc chiến này, Google đã ngay lập tức thúc đẩy và hoàn thành vụ sáp nhập Motorola Mobility với trị giá lên tới 12 tỉ USD. Qua đó Google đã nắm toàn quyền 17.000 sáng chế mà Motorola sở hữu bao gồm cả những sáng chế cơ bản nhất của điện thoại di động. Tại thời điểm chính thức thâu tóm Motorola Mobility, Google cho biết các bằng sáng chế của Motorola đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến pháp lí liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ mà hãng đang gặp phải.
Các chuyên gia nhận định rằng cuộc chiến bản quyền sáng chế hiện tại sẽ tuân theo quy luật của những gì sẽ xảy đến đối với những công nghệ mới. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với lĩnh vực máy tính cá nhân, thời kì đầu, các hãng công nghệ cũng thường xuyên lôi nhau ra tòa, kiện tụng nhau về các vấn đề liên quan tới bản quyền phát minh sáng chế. Ngành công nghiệp di động cũng sẽ trải qua những giai đoạn như vậy, suy cho cùng, đây vẫn là cuộc chiến mệt mỏi và không có người chiến thắng.
Theo PCWorld VN
Bình luận