Nóng bỏng cuộc chiến soán ngôi
“Khi Viettel bước chân vào thị trường viễn thông Việt Nam, chưa một ngày nào, Viettel dám nghĩ có thể đứng đầu một dịch vụ nào đó, có chăng chỉ là mon men ở vị trí thứ 2. Nhưng hôm nay, chúng tôi công bố công khai phải dẫn đầu thị trường di động trong năm 2007”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel nói. Ngày 15/4/2007, Viettel Mobile tuyên bố sẽ cán đích 10 triệu thuê bao. Một lãnh đạo của Viettel Mobile cho rằng, với số thuê bao 10 triệu sắp đạt được, Viettel Mobile sẽ đứng ở vị trí số 1 trên thị trường thông tin di động về số thuê bao ở thời điểm đó. Chỉ sau gần 4 năm có mặt trên thị trường thông tin di động, Viettel Mobile đã vươn lên giữ vị trí số 1 về số lượng thuê bao và vùng phủ sóng. Những “cơn lốc” kỷ lục phát triển của viễn thông Việt Nam liên tục được lập nên bởi Viettel Mobile. Thế nhưng, vị trí số 1 về thuê bao của Viettel lại bị phía MobiFone tuyên bố đã “tái chiếm” được vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa được các mạng di động và cơ quan quản lý nhà nước xác nhận.
Giới phân tích nhận định khoảng 6 tháng cuối năm 2007, MobiFone đã có sự bứt phá mạnh mẽ và cố gắng “vùng vẫy” bứt qua “chiếc áo chật” để khẳng định và giữ vị trí số 1 trên thị trường di động. Hàng loạt các động thái liên tiếp được MobiFone tung ra để kéo khách hàng như tung ra các chương trình khuyến mãi, tung ra gói cước có thời hạn “Thạch Sanh” MobiQ để hút lớp khách hàng có nhu cầu nhưng thu nhập thấp. MobiFone cũng tuyên bố sẽ tiến mạnh vào thị trường nông thôn nơi có những khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, mạng di động này đã đầu tư mạnh vào công nghệ để có chất lượng tốt nhất, đây chính là điểm mạnh của MobiFone khi xu hướng của một bộ phận khách hàng chuyển sang lựa chọn mạng có chất lượng tốt hơn là có cước rẻ.
Cho đến thời điểm này, thực chất trên thị trường thông tin di động MobiFone và Viettel đang là người dẫn dắt cuộc chơi. Giới phân tích cho rằng, thị trường di động hiện nay đang ở ô hình 2,5 đó là 1 Viettel, 1 MobiFone và 0,5 còn lại là cho các đối thủ khác trong đó có cả Vinaphone. Nhận định này có thể hơi quá khắt khe đối với mạng di động được ví như “quân vương mất ngai vàng” là Vinaphone. Nhưng có một thực tế rằng, năm 2007 là năm mà Vinaphone liên tục “tụt dốc”. Đấy là một hệ quả tất yếu bởi mạng di động này đang sở hữu một cơ chế kinh doanh bất cập vì chỉ nắm các thuê bao trả trước, không nắm thuê bao trả sau và là mạng duy nhất không có cơ sở dữ liệu khách hàng tập trung. Chỉ sau hơn 1 năm, Vinaphone đã để mất ngôi vị số 1 và tụt xuống vị trí thứ 3. Thậm chí nhiều ý kiến còn tỏ ra lo ngại Vinaphone có thể vẫn cứ sẽ trượt xuống mức chiếm dưới 20% thị phần dịch vụ thông tin di động trong thời gian tới.
CDMA - Bức tranh ảm đạm
Ngày 15/1/2007, HT Mobile chính thức nhập cuộc. Sự kiện này không làm cho 3 mạng di động sử dụng công nghệ GSM “xúc động”. Tại lễ khai trương, HT Mobile đã đặt ra mục tiêu đạt 1 triệu thuê bao trong năm 2007. Trong đó, HT Mobile cũng đặt ra mục tiêu phải thu hút được 20% khách hàng mới gia nhập thị trường di động. Đối tượng khách hàng mà HT Mobile nhắm đến là những khách hàng trẻ. Thế nhưng mạng di động được xem là “ẩn số” trước đó đã không tạo được sức hút trên thị trường và hiện đang chiếm thị phần thấp nhất. Rất nhiều nỗ lực được phía HT Mobile đưa ra để thu hút các thuê bao mới, thậm chí đến mức miễn phí cuộc gọi nội mạng và có mức cước cuộc gọi rẻ nhất cũng không mấy khách hàng mặn mà. Ngay từ năm đầu tiên cung cấp dịch vụ, mục tiêu để có 1 triệu thuê bao của HT Mobile xem ra đã bị phá sản. Cho đến thời điểm này chưa ai có thể lý giải một cách thuyết phục tại sao HT Mobile chưa thể thành công tại thị trường Việt Nam bởi tất cả đều khẳng định CDMA là công nghệ tiên tiến và đối tác góp vốn cho dự án này không hề thiếu tiền.
Đứng đầu bảng về thị phần thuê bao trong các mạng CDMA, song S-Fone cũng chẳng tạo ra sự bứt phá nào trong năm 2007. Câu chuyện tăng vốn tới hơn 543 triệu USD của đối tác SK Telecom cho mạng S-Fone vẫn chỉ là lời hứa suông. Nhỏ giọt về đầu tư đã làm cho những nỗ lực mở rộng các trung tâm giao dịch tại các thành phố lớn của mạng di động này trở thành “dã tràng xe cát”. Giới phân tích cho rằng, đã đến lúc S-Fone cần có sự thay đổi mạnh nếu không sẽ khó tồn tại được trên thị trường di động Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, mặc dù EVN Telecom tuyên bố đã có tới hơn 2 triệu thuê bao, nhưng trong số đó chủ yếu là thuê bao vô tuyến cố định chứ không phải là thuê bao di động. Hiện EVN Telecom có số thuê bao đứng trên HT Mobile, nhưng nhiều khách hàng của mạng di động này vẫn chủ yếu là “tiêu dùng nội bộ”. Giới truyền thông nhận thấy EVN Telecom ít có sự thay đổi và sáng tạo trong kinh doanh. Trong khi đó, EVN Telecom đang bị khó khăn rất lớn do băng tần 450 MHz bị can nhiễu nặng. Như vậy, viễn cảnh của EVN Telecom chưa mấy sáng sủa khi mạng di động này mang trên mình nhiều khó khăn nội tại.
Một số mạng GSM khẳng định, cho đến thời điểm này, số thuê bao của cả 3 mạng CDMA mà họ đo được chỉ khoảng 1,2 triệu thuê bao. Nếu đây là con số chính xác, thì đã đến thời điểm các mạng CDMA phải phát tín hiệu SOS bởi con số đó quá mong manh cho việc giữ chỗ trên thị trường di động Việt Nam trong thời gian tới.
Thị trường chờ “người mới”
Ngày 2/11/2007, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (GTEL). Trước đó 2 tháng, tại Liên bang Nga, Bộ Công an và Hãng di động lớn thứ nhì Nga: Vimpelcom ký kết một thoả thuận nguyên tắc trong dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến công du nước Nga hồi tháng 9/2007. Theo thông cáo báo chí từ Vimpelcom, thoả thuận hợp tác trên sẽ thiết lập một liên doanh viễn thông di động GSM tại Việt Nam mang tên GTEL Mobile. Vimpelcom còn tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam trong vài năm tới, cung cấp kỹ thuật nhằm phát triển mạng lưới di động GSM Việt Nam. Vào thời điểm này, còn quá sớm để trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thêm mạng di động thứ 7 hay không. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu một mạng di động mới ra đời, thuận lợi thì quá xa vời, còn khó khăn đang chồng chất trước mắt bởi thị trường đang cạnh tranh rất quyết liệt, mặt khác tài nguyên về tần số cũng là vấn đề cần phải xem xét.
Theo con số dự báo đến năm 2010, mật độ ĐTDĐ của Việt Nam sẽ đạt ở mức 50% - 60% và như vậy thị trường bắt đầu ở ngưỡng bão hòa. Nếu mọi thủ tục xong xuôi, nhanh nhất cũng phải mất 2 năm nữa thì mạng di động mới này mới có thể cung cấp dịch vụ được. Giới phân tích cho rằng, không thể có mạng di động nào có cơ chế và sức bứt phá như Viettel để trong hơn 3 năm vươn lên vị trí số 1. Cho dù có mạng di động mới được thành lập, thì cơ hội nhập cuộc thành công trên thị trường thông tin di động là rất mong manh.
(Theo Thái Khang/ICTnews)
Bình luận