Tin tức giờ đây liên tục được cập nhật và tương tác với độc giả dưới nhiều hình thức khác nhau nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của Internet. Vậy báo chí phải thích nghi với xu thế này ra sao?

Quy trình làm tin trên báo cho tới gần đây vẫn tương đối đơn giản. Phóng viên viết bài và gửi cho biên tập viên. Sau đó biên tập viên chỉnh sửa và gửi cho cấp cao hơn để xét duyệt, rồi xuất bản trên báo in. Nhưng giờ đây, trên Internet, mỗi bản tin là một quá trình tiếp nối liên tục về nội dung chứ không còn là một sản phẩm hoàn thành như trước nữa, và việc thể hiện nó bao gồm nhiều thành phần khác nhau như blog, video trực tuyến, mạng xã hội v. v…

Trong một bài blog khá dài mới đây, Lauren Rabaino của tờ Seatles Times mô tả khá tường tận những khúc mắc mà báo in và các thực thể truyền thông khác đang gặp phải. Tựu trung, bài viết khiến chúng ta một lần nữa phải suy nghĩ lại về cách làm tin cũng như cách phân phối tin tức trong thời đại mới.

Trong bài viết của mình, Raibano cho rằng tin tức giờ đây - cho dù đó là những tin được toàn thế giới quan tâm như phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall" hay động đất tại Nhật Bản, hay thậm chí là những tin tức mang tính địa phương cụ thể - cũng có thể bắt nguồn từ những dòng tweet (thông điệp ngắn trên mạng xã hội Twitter), một đoạn video được đăng tải trên YouTube, một bức ảnh hay bài viết từ một blog nào đó.

Giờ đây các nhà báo theo dõi rất chặt chẽ các blog/facebook của những người nổi tiếng để có thể có những tin tức nóng hổi phục vụ cộng đồng. Một chuyên gia về blog đã nhận định "các nguồn tin giờ đây trở nên trực tiếp hơn nhiều”. Ông này nhấn mạnh hầu như bất kì ai ở trung tâm sự kiện ngày nay đều sở hữu một “công cụ xuất bản" nào đó cho phép họ có thể tường thuật và đăng tải ngay suy nghĩ cũng như diễn biến vụ việc lên mạng. Với sự trợ giúp của mạng xã hội như Twitter và các phương thức tương tự khác, nền "báo chí công dân" này đã thực sự làm thay đổi sự vận hành của tin tức truyền thống.

Tin tức không còn cố định như trước

Giáo sư ngành xuất bản và báo chí Jeff Jarvis cũng đồng ý với quan điểm tin tức giờ đây là một dòng nội dung tiếp nối liên tục. Một bản tin có thể bắt nguồn chỉ từ một tweet và các ý kiến phản hồi về sự kiện mà tweet đó đề cập, sau đó nó có thể sẽ tiến hóa thành một phóng sự chính thống được cơ quan thông tấn xuất bản. Hoặc nó khởi đi từ một tweet rồi phát triển thành một bài blog mà không bao giờ trở thành một bài viết trên ấn phẩm in.

Trong nhiều trường hợp, khi phóng viên đăng tin tức trên blog, bản chất của tin tức đó sẽ thay đổi so với kiểu truyền thống. Độc giả sẽ ngay lập tức phản hồi và đóng góp ý kiến của họ thông qua công cụ bình luận sẵn có và tạo ra những góc nhìn nhiều chiều hơn cho tin tức so với những gì nó được đăng tải ban đầu. Brian Stelter, nhà báo đồng thời cũng là một cựu blogger của New York Times là một trong số những người tận dụng rất tốt xu hướng này khi tương tác chặt chẽ với độc giả qua kênh Twitter về mọi tin bài của mình.

Nhưng Rabaino cũng chỉ ra rằng việc này có thể gây lúng túng cho báo in vốn luôn phải lập trước kế hoạch xuất bản chặt chẽ, và một quy trình xử lí tin tức được xây dựng từ lâu trước khi có web. Những câu hỏi đặt ra với rất nhiều tòa soạn gồm:

  • Có đăng tải thông tin trên Twitter khi mà chưa có đường dẫn tới tin chính thức hay không?
  • Khi nào thì tin, bài sẽ được viết dưới dạng blog thay vì xuất bản với phiên bản báo trên web?
  • Khi nào thì cập nhật cho tin thay vì viết một tin mới?
  • Khi nào thì dừng cập nhật các bài blog và chuyển sang đăng trên ấn phẩm in?
  • Làm thế nào để tất cả những điều trên có ý nghĩa với độc giả?

Những câu hỏi trên cho chúng ta thấy phần nào sự bối rối của mọi tòa báo nói chung khi phải đối mặt với vấn đề duy trì và phát triển cả ấn phẩm in và số, không chỉ là về lí thuyết mà cả trong thực tế hàng ngày. Rabaino cho rằng các tòa soạn nên nhạy bén với việc khi nào cần đưa tin theo kiểu blog khi có sự kiện quan trọng mà điển hình là phong cách blog-trực-tiếp (live-blogging) mà BBC đang áp dụng đối với mục tin nóng khi diễn ra sự kiện xả súng thảm khốc tại Na Uy (nhưng lưu ý là BBC không có ấn phẩm in). Tờ New York Times cũng đã thực hiện theo cách tương tự với các tin thời sự nóng hổi khi cố gắng đưa tin, các liên kết và ý kiến phản hồi vào blog tin tức của nhà báo Lede.

Ưu tiên báo điện tử: cần thay đổi cách suy nghĩ từ gốc rễ

Nhưng liệu kiểu cập nhật dành cho phong cách blog này có thể áp dụng cho ấn phẩm in? Điều ấy còn tùy thuộc vào mỗi tòa báo. Với ấn phẩm số thì việc cập nhật này rất đơn giản cho dù đó là cập nhật qua web hay qua ứng dụng độc lập như ứng dụng New York Times dành cho iPad. Nội dung được cập nhật ngay khi có các thay đổi quan trọng đối với tin chính và bao gồm các mốc thời gian liên quan. Một số site như SB Nation còn đi xa hơn khi đưa ra phương thức "dòng chảy thông tin” (story stream), cho phép độc giả có thể xem hết các câu chuyện diễn biến liên quan đến chủ đề chính theo trình tự thời gian mà sự việc xảy ra. Một số blog lại đưa theo kiểu phiên bản, độc giả có thể nhấn chuột để xem các phiên bản trước đó của tin tức/phóng sự mỗi khi có sự thay đổi.

John Paton, phụ trách mới của hệ thống báo chí thuộc Media News Group và là một người đi đầu trong việc cổ xúy cho việc “ưu tiên web” trong xuất bản cho biết, ông thực sự tin rằng báo chí cần có những thay đổi nghiêm túc mang tính đột phá trong phương thức kinh doanh nếu muốn tồn tại. Tất nhiên trong đó có việc ưu tiên hàng đầu cho web thay vì việc coi phiên bản web chỉ là một ấn phẩm phụ như trước đây. Rất nhiều báo hiện nay vẫn tập trung nguồn lực vào các ấn phẩm in rồi sau đó mới đưa thông tin lên trang mạng của mình. Khi ấy tin bài đó chỉ là những câu chuyện cố định, thiếu các đường dẫn bài liên quan, không có sự tiến hóa và cập nhật các thay đổi của sự kiện một cách “nóng hổi”.

Trong thông báo gửi nhân viên về việc tái cấu trúc tờ báo, tổng biên tập Carole Tarrant của tờ Roanoke Times đã nói rõ việc cơ cấu lại cách thức vận hành của bộ phận tin tức (bao gồm cả quản trị nội dung và hệ thống xuất bản) nhắm vào việc cho phép các phóng viên được hoạt động như những blogger nhằm tận dụng sự linh hoạt và nhanh nhạy của quá trình phản hồi và xử lí thông tin. Carole nói:”Việc đẩy mạnh ưu tiên web sẽ giúp chúng ta tận dụng được tối đa sức mạnh của xuất bản trực tuyến và cung cấp những giải pháp tốt hơn cho nội dung mà chúng ta tạo ra”.

Hệ thống báo chí truyền thống vốn không được tạo ra để xử lí thông tin theo kiểu tiếp nối nội dung như nhu cầu xã hội ngày nay đang đòi hỏi. Việc in ra một tin, bài về sự kiện nào đó mà không kèm theo các đường dẫn tin tức liên quan cũng như cập nhật thường xuyên đã trở nên lỗi thời và thường không được quan tâm trong môi trường tin tức hiện tại. Xem xét tin tức từ góc độ của một blogger với các cập nhật “ngay-và-luôn’ trên tài khoản Twitter hay bình luận trên các bức ảnh và video cùng các đường dẫn đa dạng sẽ làm độc giả thú vị hơn nhiều. Nhưng phong cách này vẫn chưa chuyển được vào văn hóa ở các tòa soạn đặt báo in làm trung tâm.

Đã đến lúc phải thay đổi điều này, đó là thông điệp của Paton.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)