Theo thống kê trên thế giới, trong năm 2007 vừa qua, đã có 2676 website bị chính phủ các nước đóng cửa hoặc cấm hoạt động tạm thời vì vi phạm các vấn đề kiểm duyệt nội dung.
Đó là con số điều tra của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF - Reporters Sans Frontières) của Pháp về vấn đề kiểm duyệt thông tin trên internet.
Với một số quốc gia, việc kiểm duyệt nội dung trên internet đã được coi trọng không kém vấn đề kiểm duyệt nội dung đối với các loại hình truyền thông chính thống. Nhiều biện pháp quản lý đã được đưa ra để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
Trung Quốc có lẽ là quốc gia đầu tiên thực hiện hết sức mạnh tay đối với việc kiểm duyệt nội dung. Chỉ trong khoảng thời gian trước và trong khi diễn ra đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 17, đã có 2 500 website, blogs, forums ở quốc gia này bị đóng cửa trong nhiều tuần. Tới đây, để chuẩn bị cho thế vận hội Olympic 2008, RSF cho rằng chắc chắn vấn đề kiểm duyệt sẽ được siết chặt hơn.
Ngoài việc đóng cửa hoặc cấm hoạt động tạm thời, chủ nhân các website, forum hoặc blog còn có thể bị thẩm vấn, bắt giam. Một ví dụ điển hình là vụ việc chính phủ Ả Rập Saudi tiến hành bắt giam blogger Ahmad Fouad al-Farhan, một blogger 32 tuổi, vào hôm 10/12/2007 vừa qua vì bị nghi ngờ có các hành vi kích động chính trị khi cho đăng các bài báo về các tù nhân chính trị ở đất nước này. Đây có lẽ là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các bloggers về vấn đề tự kiểm duyệt nội dung thông tin trước khi quyết định đăng tải nó trên internet.
Một số quốc gia khác có chính sách quản lý mềm mỏng hơn bằng cách phong tỏa truy cập tới các trang blog hoặc các trang chia sẻ hình ảnh, video nổi tiếng sao cho người dùng lầm tưởng đó là do vấn đề trục trặc kĩ thuật.
Cũng theo con số thống kê thì trong năm 2007, đã có 37 bloggers bị tiến hành thẩm vấn, 21 người bị tạm giam và 65 người khác hiện đang chịu án tù.
Thành Việt (theo JournalDuNet)
Bình luận