Chương trình “Nhân vật – Sự kiện TT&TT” với chủ đề “Chia tách và Sáp nhập: Bước tiến hay bước lùi của Viễn thông Việt Nam?” trên kênh VTC2, các chuyên gia cho rằng Viettel là ứng cử viên sáng giá nhất có khả năng tiếp nhận và sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có của EVN Telecom.

Thị trường viễn thông Việt Nam hiện có 3 “nhà mạng” đang nắm giữ vị trí thống lĩnh là Viettel, MobiFone, VinaPhone. Tuy nhiên, MobiFone và VinaPhone đều thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và bản thân VNPT cũng đang phải đau đầu “tính toán” để giải quyết “bài toán” thoái vốn, sáp nhập cho 2 doanh nghiệp này.

“Viettel với hơn 36% thị phần đang là ứng cử viên sáng giá duy nhất có khả năng “gánh vác” được trách nhiệm điều hành hiệu quả hạ tầng mạng và trả hết các khoản nợ của EVN Telecom”, ông Lê Hồng Hà, Tổng Thư kí Hội Tin học Viễn thông Hà Nội khẳng định.

Một phân tích khác có thể cho thấy sự “hợp tình, hợp lí” khi EVN Telecom sáp nhập với Viettel, đó là phản ứng vui mừng của những người dùng dịch vụ của mạng Viễn thông Điện lực vì tin tưởng vào chất lượng dịch vụ của Viettel. Trước đây, sim EVN Telecom phải lắp liền với máy điện thoại, sau khi sáp nhập EVN Telecom với Viettel thì việc dùng sim này sẽ có thể dễ dàng, thuận tiện với các loại máy khác. Một chủ cửa hàng bán sim thẻ còn cho biết khi có thông tin sáp nhập 2 nhà mạng thì thẻ sim của EVN Telecom đã được nhiều người quan tâm hơn trước.

Bàn về việc Hanoi Telecom “tố” Viettel vi phạm quy định cạnh tranh, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính khuyến nghị Hanoi Telecom cần lưu ý khi lập luận về “độc quyền thị trường”. Viettel hiện nay cũng giống như MobiFone hoặc VinaPhone trước kia đều không ‘độc quyền” mà chỉ “thống lĩnh thị trường”. Trong trường hợp tập trung kinh tế lên tới 50 - 60% mà doanh nghiệp buộc phải sáp nhập do có nguy cơ thua lỗ, giải thể thì cũng không có vấn đề gì vi phạm.

Hanoi Telecom cũng đã gần xa đề cập tới nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khởi kiện ra tòa quốc tế để đòi bồi thường với con số gấp nhiều lần so với 1 tỉ USD đã góp vốn vào Hanoi Telecom. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đề nghị: “Hanoi Telecom nên xem lại cách tiếp cận của mình. Đừng đem câu chuyện tòa án quốc tế ra làm áp lực. Việc này đối với dân làm kinh tế thì cực kì phản cảm. Ngoài việc sáp nhập theo thông lệ quốc tế thì trong “câu chuyện này”, các bên liên quan đều là các tập đoàn Nhà nước có phần vốn Nhà nước, cần phải hành xử theo luật lệ quy định của Việt Nam về việc sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước”.

Theo Báo Bưu Điện Việt Nam số 142



Bình luận

  • TTCN (0)