Ngày 4/1/2008, Tổng công ty viễn thông quân đội (VIETTEL) và Cục Công nghệ thông tin, thay mặt Bộ giáo dục đào tạo đã ký kết thoả thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục và đào tạo, cũng như thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng Công ty viễn thông Quân đội cam kết hợp tác toàn diện trong các hoạt động sau: Khai thác hạ tầng và nhu cầu bưu chính - viễn thông của Viettel để phục vụ nhu cầu của ngành giáo dục – đào tạo; Viettel sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông (Internet băng thông rộng, chuyển phát nhanh, điện thoại cố định và di động, hội thảo qua mạng…) với giá ưu đãi, đặc biệt hỗ trợ cho các vùng sâu, vùng xa, vùng núi và hải đảo để kết nối Internet băng thông rộng tới các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Thoả thuận này còn hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin như hỗ trợ sinh viên thực tập tại các cơ sở nghiên cứu, sản xuất của Viettel, cấp học bổng… Xây dựng các ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục và đào tạo như hỗ trợ xây dựng mạng giáo dục, server đáp ứng các dịch vụ chia sẻ dùng chung, dịch vụ email, đường truyền nghiệp vụ, hội thảo qua mạng…
“Hiện nay, Internet trở thành một công cụ thưc sự cần thiết đối với ngành giáo dục tại Việt Nam. Làm thế nào để đầu tư cả một cơ sở hạ tầng Internet băng thông rộng cho khắp tất cả các ngành học, từ thành thị cho đến nông thôn hay vùng sâu, vùng xa? Với khả năng sẵn có của một doanh nghiệp viễn thông lớn, với vùng phủ tới 95% dân số Việt Nam, với dung lượng mạng lưới lớn, với các công nghệ Internet băng thông rộng như ADSL, EDGE, 3G, Viettel có khả năng cung cấp Internet băng thông rộng tới hầu hết các trường học.”, ông Nguyễn Mạnh Hùng – phó tổng giám đốc công ty Viễn thông Quân đội – cho biết.
TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo - nhận định: “Từ ngày có Internet vào Việt Nam cách đây đã 10 năm, mọi người đã được hưởng nhiều lợi ích từ kho trí thức khổng lồ này, tri thức Việt Nam đã được hoà nhập cùng tri thức thế giới. Tuy nhiên đối với giáo dục, năm 2008 này, chúng ta cần bước sang một trang mới: Cần nối Internet băng thông rộng tới tất cả các cơ sở giáo dục, đặc biệt tới cả những nơi tưởng chừng không nối được do rải cáp rất khó khăn ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng lầy… Đó là nhờ công nghệ kết nối qua vệ tinh. Internet sẽ xoá đi sự lạc hậu thông tin số do khoảng cách đem lại”.
Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp viễn thông bắt tay hợp tác với một cơ quan hành chính sự nghiệp vì mục tiêu xã hội hóa internet trong ngành giáo dục. Hai bên đều tỏ thái độ tin tưởng rằng, lễ ký kết này sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện phổ cập Internet tới 100% người dân trên toàn quốc.
Được biết, Viettel sẽ đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể cho từng cam kết trên và sẵn safng miễn phí cung cấp dịch vụ tới các trường học trực thuộc Bộ Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, những tỉnh thành còn nghèo trên toàn quốc, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Hiện nay, tại Đại học Quốc gia (Hà Nội), trong chương trình thí điểm, Viettel đã triển khai một hệ thống Wimax (mạng Internet không dây), từ đó các sinh viên của trường có thể truy cập Internet ngoài giảng đường, phục vụ ôn tập, học ngoại khóa, bổ trợ, thậm chí sinh viên có thể download các nội dung trên giảng đường để trao đổi theo nhóm, đa dạng hóa các hình thức dạy và học.
Trao đổi với báo chí, đại diện của Viettel, Bộ giáo dục và đào tạo cho biết, Bộ GDĐT đã và sẽ bố trí kinh phí, trang bị cho các nhà trường trong thời gian gần nhất. Viettel đang nỗ lực kết nối với các trường học trên toàn quốc. Có mạng Internet tốc độ cao, không chỉ trong nhiệm vụ đào tạo, mà các công tác hành chính của ngành, cũng như các vệt, đợt tuyên truyền chung trong toàn ngành sẽ có rât nhiều thuận lợi. Từ đây số lượng biên chế và chi phí cho các cuộc hội họp, công văn đi đến sẽ giảm đi đáng kể. Đối với các trường học ở vùng sâu, vùng xa có mạng Internet, sẽ xích gần lại với các trung tâm văn hóa, kinh tế. Mỗi trường học sẽ lại là một điểm sáng văn hoá ở các địa bàn xa xôi này.
Đại diện Viettel cho biết, có thể ban đầu Viettel phải bỏ một lượng kinh phí lớn cho việc này, tuy nhiên Viettel sẽ bù lỗ bằng các dịch vụ hiện có. Nhưng về lâu dài, ngoài ý nghĩa xã hội, văn hoá, khi Internet đã trở thành nhu cầu không thể thiếu với số lượng rất đông học sinh trong toàn quốc, thì tự nó, thị trường viễn thông sẽ mở ra rất rộng, nhu cầu rất lớn, lúc đó không chỉ Viettel mà các hãng viễn thông khác cũng được hưởng lợi trong phát triển thị phần. Có nuôi dưỡng, tạo nhu cầu, ắt sẽ có nhiều cơ hội để cung cấp dịch vụ.
(Theo QĐND)
Bình luận