Giám đốc MobiFone Lê Ngọc Minh. (Nguồn VnMedia)

Một trong những sự kiện được các doanh nghiệp thông tin di động chờ đợi nhất ngay từ đầu năm 2008 này là Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thi tuyển để cấp giấy phép 3G. Được "đặt cược" khá cao cho khả năng giành được giấy phép, cho tới thời điểm này, mạng di động GSM MobiFone đã chuẩn bị được những gì. Giám đốc mạng di động MobiFone Lê Ngọc Minh trong cuộc trao đổi với phóng viên đã nhận định về tương lai phát triển của công nghệ 3G tại Việt Nam.

Thưa ông, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tổ chức thi tuyển 3G, vậy MobiFone đã có những chuẩn bị gì cho sự kiện này?

Về mặt đội ngũ, tài chính, dịch vụ và phương án kinh doanh của MobiFone cho tới thời điểm này chúng tôi đã chuẩn bị hoàn tất để tham gia thi tuyển 3G một cách hiệu quả nhất. Tôi tin là MobiFone là doanh nghiệp có tiềm lực để nhận được giấy phép 3G. Bởi vì khi cấp phép 3G, các cơ quan quản lý nhà nước luôn tính đến thực lực, khả năng, kinh nghiệm, bề dầy của doanh nghiệp để đánh giá khả năng phát triển, kinh doanh 3G có tốt không?

Kinh nghiệm theo tôi thấy trên thế giới chưa có một mạng 3G mới nào phát triển thành công mà trước đó không qua 2G, 2,5G mà thường những mạng 3G thành công là những mạng đã có 2G mạnh. MobiFone hiện nay là một mạng 2G mạnh có đội ngũ, tiềm năng về tài chính và kinh nghiệm khai thác thông tin di động. 3G cũng tương tự như 2G về kinh nghiệm và khả năng khai thác, với sự tâm huyết và nhiệt tình của mình, tôi tin rằng với đầu bài mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra để thi tuyển cấp giấy phép 3G, sẽ ủng hộ cho các mạng GSM mạnh có điều kiện lấy được giấy phép 3G.

Bên cạnh 3G còn có WiMAX, theo ông, hai công nghệ này trong năm tới sẽ cạnh tranh với nhau để phát triển như thế nào?

Tôi có thể khẳng định năm tới, sau năm tới và hơn thế nữa, có lẽ còn lâu, thống trị thị trường thông tin di động vẫn là công nghệ GSM và sau đó là WCDMA (Wideband Code Division Multiple Access - truy cập đa phân mã băng rộng). WCDMA là thế hệ 3G phát triển tiếp theo của GSM.

Tại sao lại là WCDMA mà không phải là CDMA?

Thứ nhất, thế hệ 2G và 2,5G đã được khẳng định là GSM. Thế giới cũng như Việt Nam GSM vẫn thống trị thị trường thông tin di động ở thế hệ 2G và 2,5G bằng công nghệ GSM. Sự phát triển tiếp theo của GSM về mặt nghiên cứu công nghệ cũng như các nhà cung cấp sản phẩm đó là WCDMA. WCDMA về mặt công nghệ và sản phẩm là sự tiếp theo phát triển của GSM. Trên một nền thành công rồi, quá trình triển khai tiếp theo đương nhiên sẽ rất thuận lợi.

Hiện nay Việt Nam có 6 mạng di động chia đều cho 3 GSM và 3 CDMA. Con số này theo ông có quá nhiều không đối với thị trường của Việt Nam?

Theo thông lệ thế giới, 6 mạng hiện nay đã là quá nhiều chứ chưa nói tới việc có thể cấp thêm một mạng mới nữa.

Giấy phép 3G chỉ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp tối đa là 4. Vậy sẽ khó khăn cho những mạng không nhận được giấy phép. Theo ông, cuộc thi này có phải là để thanh lọc dần các mạng hay không?

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xác định số lượng giấy phép 3G có thể cấp phép rồi. Do công nghệ quyết định nên trên một lãnh thổ chỉ được cấp phép tối đa là 4 giấy phép 3G. Ai sẽ được cấp giấy phép thì phải dựa trên một yếu tố rất quan trọng đó là làm sao phát triển được dịch vụ thông tin 3G mạnh, do đó phải có tiềm lực tài chính, bề dầy kinh nghiệm, phải có cơ sở của các dịch vụ 2G trong quá khứ và hiện tại. Theo tôi cho tới thời điểm này dù chưa cấp phép 3G nhưng cũng đã có những doanh nghiệp rất khó khăn chứ không phải đợi tới lúc không có giấy phép 3G.

Có nghĩa đây sẽ là cuộc thi "sinh, tử"?

Theo tôi không phải là sinh tử mà cuộc thi đó sẽ khẳng định những bước trưởng thành lớn của ngành thông tin di động Việt Nam kể cả trong quản lý và trong khai thác kinh doanh.

2007 được đánh giá là một năm cạnh tranh về dịch vụ giá trị gia tăng. Theo ông, 2008 sẽ là năm các doanh nghiệp quan tâm cạnh tranh về vấn đề gì?

Theo tôi với thị trường thông tin di động Việt Nam đang trưởng thành như thế này, trong một hai năm tới vẫn chủ yếu là cuộc cạnh tranh về thị phần, về lưu lượng, về doanh thu và số lượng khách hàng. Còn dịch vụ giá trị gia tăng vẫn mới chỉ là "gia giảm". Dịch vụ giá trị gia tăng sẽ đóng vai chính trong cạnh tranh từ năm 2010 trở đi. Khi ấy nó sẽ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Thuỷ Nguyên-VnMedia)



Bình luận

  • TTCN (0)