Ảnh minh họa.

Theo nguồn tin từ Báo SGGP, Bộ TT&TT vừa cho biết Văn phòng Chính phủ đã có thông báo gửi Lãnh đạo Bộ nói rõ, Viettel sẽ tiếp nhận toàn bộ EVN Telecom từ ngày 1/1/2012.

Từ nay đến thời điểm đó, Viettel và EVN Telecom cần thống nhất cụ thể các vấn đề liên quan như: phương án tiếp nhận tài sản; tiếp nhận nợ; tiếp nhận và sử dụng người của EVN Telecom; lên phương án trả nợ cho EVN và các đối tác; phương án khai thác hạ tầng của EVN Telecom...

Trước đó, vào trung tuần tháng 10/2011, Viettel cũng đã lên tiếng khẳng định việc tiếp nhận EVN Telecom là theo chỉ đạo của Chính phủ, và Tập đoàn này đã thành lập Ban chỉ đạo tiếp nhận chuyển giao EVN Telecom nhằm giám sát việc tiếp nhận toàn bộ tài sản, nguồn lực, đất đai, nhà trạm, đồng thời đánh giá các khoản tiền mà EVN Telecom đang nợ các đối tác khác.

Trước thông tin đối tác đang chia sẻ băng tần 3G với mình sẽ được giao cho một doanh nghiệp đối thủ khác, Hanoi Telecom đã khẩn cấp có công văn "kêu cứu" tới hầu khắp các cơ quan chức năng, từ Chính phủ tới Bộ TT&TT, Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công thương), Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, .. . với mong muốn được mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, đề xuất của Hanoi Telecom rất khó có khả năng được chấp thuận bởi công ty này chỉ muốn mua lại phần "béo bở" nhất là mạng lưới và băng tần 3G, trong khi điều mà Chính phủ cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang muốn giải quyết dứt điểm là các khoản nợ, bộ máy nhân sự của EVN Telecom thì không thấy đề cập.

Về sự việc này, một lãnh đạo cấp cao của Viettel cũng cương quyết: "Nếu mảng 3G chuyển giao cho Hanoi Telecom còn phần xương còn lại chuyển giao cho Viettel, chúng tôi sẽ không nhận".

Với thông tin mới nhất này từ Bộ TT&TT cũng như xác nhận mới đây của Lãnh đạo Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có thể khẳng định việc sáp nhập EVN Telecom đã an bài và cơ hội để Hanoi Telecom sở hữu trọn băng tần 3G đã không còn.

Nếu được tiếp nhận toàn bộ tài sản EVN Telecom đang quản lí, Viettel sẽ có thêm nhiều nguồn lực đáng giá, bao gồm hơn 40.000 km cáp quang tại 63 tỉnh thành; 5 cổng kết nối quốc tế tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tây Ninh, An Giang và Quảng Trị; băng tần của hai mạng CDMA 450 MHz và 3G cùng hệ thống đường trục Bắc - Nam với dung lượng thiết kế lên đến 400 Gb/s.

Song cho đến nay, các chuyên gia viễn thông cũng không rõ phần tài sản nào thực sự thuộc về EVN Telecom và tài sản nào là do Tập đoàn Điện lực giao EVN Telecom quản lí. Trong trường hợp chỉ nhận được băng tần 3G và băng tần CDMA 450 MHz thì sẽ không có nhiều ý nghĩa với Viettel và không làm gia tăng đáng kể sức mạnh của nhà mạng này.

Theo ICTPress




Bình luận

  • TTCN (1)
Ếch Pay  783

Trước h thấy 3G Viettel xài khá là ổn định, nay như hổ thêm cánh rồi.
VNPT mang tiếng là đi đầu trong lĩnh vực bưu chính viễn thông mà h sắp để Viettel bứt lên rồi, chán.