Năm 2011, các ISP lớn như VNPT, Viettel, FPT Telecom... đều đã có sự tích hợp những dịch vụ (lưu trữ dữ liệu, truyền hình theo yêu cầu) vào các gói cước Internet tốc độ cao để gắn kết, giữ chân khách hàng thay vì lao vào cuộc chiến giảm giá.
Giữ chân và tạo sự gắn kết với khách hàng
Giữa năm 2011, FPT Telecom đã cho ra mắt gói dịch vụ “Giải trí đa phương tiện” dựa trên công nghệ VDSL tích hợp dịch vụ Truyền hình OneTV, dịch vụ chia sẻ file Fshare trong gói cước iSee (15Mbps/1Mbps), iShare (15Mbps/3Mbps) và iSmart (18Mbps/3Mbps) giúp khách hàng sở hữu toàn bộ tính năng giải trí gia đình (xem phim HD và nghe nhạc khi lướt web. .. ) và lưu trữ, tải dữ liệu trên một kết nối.
Bên cạnh đó, năm 2011, FPT Telecom cũng nâng cấp, cải tiến các dịch vụ truyền hình, chia sẻ dữ liệu. Cụ thể, dịch vụ lưu trữ dữ liệu Mega 1280 đã được thay thế bằng dịch vụ Fshare và bổ sung những tính năng mới, tiện ích như điều khiển từ xa, các phương thức thanh toán trực tuyến mới; Dịch vụ Truyền hình theo yêu cầu iTV cũng đã được đổi thành OneTV kể từ ngày 15/9/2011 với hệ thống nhận diện thương hiệu hoàn toàn mới cùng hàng loạt những sự thay đổi về hệ thống, nội dung như tích hợp Youtube, Nhacso.net, iShopping. ..
Cũng giống như FPT Telecom, từ tháng 9, Viettel cũng đã tích hợp dịch vụ xem tivi theo yêu cầu NetTV vào gói dịch vụ cáp quang FTTH TV (băng thông 10Mbps) với giá cước tương đương khoảng 300.000 đồng và 100.000 đồng/TV. Trước đó, các thuê bao của CMC TI cũng có thể sử dụng dịch vụ MyTV trên đường truyền mạng cáp quang của nhà mạng này hay VNPT với gói cước FiberHomeTV và FiberBusiness với tốc độ từ 5Mbps-20Mbps.
Ngoài ra, thời gian qua, VDC (VNPT) cũng đã chính thức trình làng phiên bản thử nghiệm dịch vụ megaTV trên nền web (tv.vnn.vn) và tạm ngừng dịch vụ chia sẻ dữ liệu Megashare.vnn.vn của công ty VDC để chuyển sang địa chỉ Share.vnn.vn từ ngày 1/12 nhằm tránh lãng phí tài nguyên của hệ thống hay nhầm lẫn của khách hàng.
Tại buổi giao lưu "Ngày Internet Việt Nam" diễn ra chiều ngày 1/12, ông Nguyễn Công Toản, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng miền Bắc của FPT Telecom cho biết, mặc dù trong thời gian qua, Viettel liên tục đưa ra các gói cước FTTH mới với mức giá thấp như gói cước FTTH Eco với băng thông 12 Mbps không cam kết tốc độ quốc tế với giá 350.000 đồng/tháng và một loạt các chương trình khuyến mãi lên đến 50% - 75% phí sử dụng hàng tháng cho khách hàng đăng kí mới. Tuy nhiên, quan điểm của FPT Telecom không cạnh tranh về giá vì tiềm lực của FPT Telecom so với các đàn anh còn nhỏ, thị trường bé, vùng phủ chưa rộng khắp nên khó có thể cạnh tranh được về giá.
Do đó, chủ trương của FPT Telecom là giữ chân khách hàng bằng cách đưa thêm nhiều dịch vụ dịch vụ vào các gói cước hiện có để có thể giữ nguyên mức giá thay vì lao vào cuộc đua giảm giá. Để làm được điều này, FPT Telecom đã phát triển, nâng cấp một số dịch vụ liên quan đến nội dung và tạo ra được một số cộng đồng liên quan đến nội dung trên Internet như cộng đồng độc giả báo VnExpress, Ngoisao.net. ., cộng đồng game online, mạng xã hội Banbe.net…Bên cạnh đó, bản thân FPT cũng đang cố gắng kết nối các cộng đồng này với nhau và tạo sự gắn kết lâu dài với khách hàng. Chỉ có như vậy, FPT Telecom mới thu hút được khách hàng mà không phải cạnh tranh về giá.
Cùng quan điểm với FPT Telecom, đại diện của CMC TI cho biết, một doanh nghiệp mới tham gia thị trường Internet như CMC chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh về giá được với các đơn vị lớn hơn (Viettel, VNPT) nên việc phát triển dịch vụ là mục tiêu quan trọng nhất. Do đối tượng chủ yếu hiện nay là các doanh nghiệp nên CMC TI đã tăng cường phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ dành cho các thuê bao của đơn vị này như hội nghị trực tuyến, các giải pháp máy chủ. .. . "Sắp tới CMC TI sẽ tập trung hơn nữa cho đối tượng thuê bao cá nhân, gia đình và đã chuẩn bị nhiều loại hình dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của lớp khách hàng này", đại diện CMC TI cho biết thêm.
Nhà cung cấp nội dung sẽ thành "vua"
Theo ông Nguyễn Anh Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Dương Telecom, cạnh tranh về giá là câu chuyện đau đầu nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ mới ra thị trường. Xu thế phát triển trên thế giới là nội dung và đường truyền luôn gắn liền với nhau. Do đó, các tập đoàn lớn thường đi hai chân khi vừa là nhà cung cấp viễn thông và cũng là nhà cung cấp nội dung.
Nếu các ISP chỉ cung cấp duy nhất đường truyền Internet thì sẽ rất khó phát triển được nên các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải cung cấp đường truyền và nội dung thành một gói dịch vụ. Bởi vì, nếu chỉ có riêng đường truyền Internet thì có thể giảm giá nhưng dịch vụ nội dung thì không bao giờ giảm giá mà chỉ tăng thêm nội dung vào gói cước Internet có sẵn. "Nếu nhà cung cấp nào vẫn chỉ cung cấp dịch vụ Internet thì sớm muộn sau này cũng sẽ trở thành cửu vạn cho các nhà cung cấp nội dung", ông Chiến khẳng định.
Mặc dù có thể ở thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, dịch vụ nội dung chưa quá phong phú hay cách thức thanh toán chưa tốt nhưng sau này chắc chắn sẽ thay đổi theo xu thế của thế giới - khi “những nhà nhà cung cấp đường truyền thành cửu vạn và nhà cung cấp nội dung sẽ thành vua”.
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 146 ra ngày 7/12/2011.
Bình luận