Internet đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của rất nhiều teen nhà ta hiện nay. Và khi nó đã trở thành một thói quen bất di bất dịch thì dẫn tới những “hệ lụy” không nhỏ đâu nhé.
Khỏi phải nhớ, đã có Google rồi
Với teen mình, Google đã trở thành thứ quá quen thuộc để tra cứu tất tần tật mọi thứ trên đời. Việc sử dụng và phát huy hiệu quả của công cụ tìm kiếm ưu việt này sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như teen nhà mình không quá lạm dụng nó và vô tình đã hình thành nên tâm lí ngại suy nghĩ, ngại tìm hiểu mà chỉ ỷ lại vào công cụ tìm kiếm. Chả thế mà trong giới teen từ lâu đã lưu truyền câu nói "bất hủ": "Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google". Tệ hơn nữa, điều này khiến các bạn xa rời hơn với những kiến thức mà bạn chỉ có thể tìm thấy trong cuộc sống.
Hồng Trang (18 tuổi, sinh viên năm nhất trường ĐH KHXH và NV Hà Nội) nói: "Từ ngày học phổ thông mình đã biết tới tác dụng của Google, giờ lên đại học lại càng có cơ hội tận dụng triệt để. Bất cứ vấn đề gì mình không biết mình cũng chỉ cần vào Google và tìm kiếm. Có hôm học trên lớp, cô giáo hỏi vấn đề gì khó quá, mình với bọn bạn cũng nhanh tay lấy điện thoại và google tra. Công nhận tra cứu thế này cũng khiến mình lười tư duy, suy nghĩ thật nhưng mà tiện và thấy ai cũng làm thế nên mình cứ theo thôi".
Viết chữ xấu vô cùng tận
Không hiểu có teen thắc mắc về điều này không? Nhưng đó là sự thật 100% đấy! Nguyên nhân cũng chỉ vì teen nhà mình dùng máy tính gõ word và đặc biệt là chat chit quá nhiều khiến teen đánh máy đã thành quen tay. Khi cầm bút viết, tay tự nhiên cứng ra, những nét chữ cứ thi nhau nguệch ngoạc trên vở. Đó là còn chưa kể tình trạng nhiều khi viết trên giấy mà teen nhà ta lại cứ giữ những thói quen như đang... .đánh máy, khiến cả trang vở viết trông rất chi là buồn cười!
Quỳnh Linh (sinh viên ĐH Nội vụ) nói: "Mình có thói quen giải trí là chat từ ngày học cấp II nên chỉ gõ chữ là nhanh thôi chứ viết vở thì chữ xấu tệ, có khi viết mà mình cũng cứ nghĩ là đang đánh máy, thỉnh thoảng viết được vài chữ lại tiện tay chấm chấm xuống bên dưới dòng như khi ấn dấu cách ở bàn phím". Để tới tình trạng như Linh quả thực là trầm trọng bạn nhỉ? Còn đâu là nét chữ, nết người nữa.
Giảm khả năng tập trung nghiêm trọng
Bạn cứ thử nghĩ xem, trước giờ học bài, bạn lại chậc lưỡi: "Vào Facebook/Yahoo môt chút đã rồi học". Dám cá là không bao giờ bạn có thể vào chỉ "một chút" như tự nhủ. Nếu ý chí không cao, không ý thức được việc bài vở đang "kêu gào thảm thiết" mời bạn giải quyết thì có khi bạn sẽ online "chém gió" cả đêm đấy. Nếu bạn lại tự nhủ rằng: "Học xong mới được online", tớ cũng dám cá rằng nếu bạn không có quyết tâm tú chí học hành thực sự, cả buổi học bạn sẽ cứ thẫn thờ, mất tập trung với cái ý nghĩ đang "bay lảng vảng" trước mặt rằng: "Không biết người ấy có đang online không?" hay "Không biết cái status của mình bị bọn bạn mình chém tơi bời đến thế nào rồi?".
Không chỉ thế thôi đâu, sự mất tập trung của chúng mình còn được thể hiện ngay khi bạn phải học, làm bài tập trên máy tính, nhưng cái tay lại cứ bướng bỉnh bấm chuột vào Facebook cho dù trước đó năm lần bảy lượt teen đã tắt đi. Sự mất tập trung của teen khi học cũng xuất phát từ cái thói quen sử dụng mạng xã hội, sử dụng Yahoo. .. đã ngấm sâu vào máu teen rồi! Hoàng Hà (17 tuổi - THPT Minh Khai) ngậm ngùi chia sẻ: "Mình chỉ có làm một bài tập dễ ợt thôi nhưng nhiều khi mình cũng làm mất mấy tiếng đồng hồ, chỉ tại cứ viết được vài dòng mình lại nổi hứng vào Facebook, vào diễn đàn trường chém gió với hội bạn, đến khi giật mình nhớ ra là đang làm bài tập thì mới quay lại làm tiếp".
Internet là phương tiện khiến cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Nhưng bạn đừng quá phụ thuộc để rồi có những thói quen không tốt tẹo nào như thế bạn nhé.
Theo Giáo Dục Việt Nam
Bình luận
Chính xác
Mình cũng vậy nè, hết vào TTCN lại vào VNExpress.net, Dân Trí, Yahoo, YouTube, Facebook, Số hoá, nhiều lúc đọc hết cả những cái mình muốn đọc rồi mà vẫn cứ online mãi, có khi còn lang thang qua cả báo phụ nữ đọc nữa chứ, thích nhất là đọc báo và vì thế có khi 9, 10 tiếng đồng hồ online chỉ để chuyển qua chuyển lại các trang đó.
Gánh nợ vì thiếu kinh nghiệm
Câu chuyện hôm nay tôi kể có thể không ít người đã gặp phải và cũng không phải là quá xa vời so với thực tế.
Tôi có một người bạn tên S cùng tuổi, cùng quê nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy nên mãi đến cuối năm 2010 mới tốt nghiệp một trường trung cấp xây dựng. Với bản tính hay làm nên S nộp hồ sơ nhiều nơi và trong lúc đang chờ việc thì anh đi làm thêm cho một công ty xây dựng tư nhân. Trong quá trình làm việc và quen biết anh được giới thiệu cho thi công một hạng mục công trình xây dưng lớn. Do mới ra trường, thiếu kinh nghiệm, nhận thức thực tế, nhưng lại ham làm và không ngại khó nên S đã ký vào hợp đồng nhận thi công. Một, hai tuần đầu công việc diễn ra suôn sẽ. Số lượng nhân công vẫn làm việc đều cho anh. Nhưng sự việc bắt đầu đi vào bế tắc khi số tiền đặt cọc đã hết, lượng tiền tích góp được cũng đã cạn, tiền giải ngân thì chưa thấy đâu( đầu năm 2011 và trước đó ngành xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn)mà hàng ngày tiền ăn, tiên công cho công nhân cứ tăng lên. Bí quá S đã đi vay mượn hết mọi chỗ và rồi cái gì đến cũng phải đến. Đến một ngày, không còn chỗ để vay nhân công nghỉ hết nợ chồng chất. Hợp đồng bỏ dở không được thanh toán. Mọi hy vọng bổng chóc tan biến đã làm cho S suy sụp tinh thần và là gánh nặng nợ nần cho gia đình. còn công trình lại được chính người giới thiệu cho S đứng ra tiếp quản và hoàn thành không lâu sau đó.
Qua câu chuyện này tôi muốn nhắc nhở một số bạn trẻ mới ra trường hãy cân nhắc thật kỹ trước quyết định của mình. cần thiết hãy xin ý kiến và kinh nghiệm của gia đình hay của người đi trước. Đừng giẫm vào con đường cua S.