Ngày hôm qua tại CES 2008, NVIDIA đã có một buổi giới thiệu về công nghệ cũng như các sản phẩm mới nhất mà NVIDIA sẽ tung ra thị trường vào năm nay. Theo như NVIDIA cho biết thì tất cả các dòng sản phẩm chipset sắp tới sẽ ra mắt của hãng đều được tích hợp bộ xử lý đồ họa, tính từ dòng cao cấp nhất cho tới dòng phổ thông. Tại sao lại phải làm như vậy? Tất cả là vì Hybrid SLI.

Hybrid SLI

Nếu như bạn đã biết về công nghệ Hybrid Crossfire của AMD thì có lẽ bạn cũng đã biết một phần nào về công nghệ Hybrid SLI của NVIDIA.

Tất cả chúng ta đều biết rằng máy tính là thứ ngốn điện không phải ít, máy tính càng cao cấp thì mức độ tiêu thụ điện năng của nó càng lớn. Mức độ tiêu thụ điện năng này có một phần đóng góp đáng kể của card đồ họa (thiết bị giữ vai trò hiển thị hình ảnh) (hay nói khác đi chính là GPU trên card đồ họa). Khi card hoạt động thì chúng tiêu thụ điện năng điều này là hiển nhiên, nhưng khi máy tính của bạn ở chế độ rảnh rỗi (idle) hay có khi chỉ hiện thị đồ họa ở mức cơ bản (màn hình desktop) thì mức độ tiêu thụ điện năng của card đồ họa vẫn còn rất lớn. Ví dụ như một card đồ họa XFX 8800 GTX khi ở chế độ idle cũng tiêu thụ hết khoảng 200 W (210 W) so với khi nó hoạt động là xấp xỉ 300W ( 298W). Bạn thấy rõ ràng là mức độ hao phí điện năng quá nhiều đây chính là lý do mà NVIDIA tích hợp GPU cho tất cả các sản phẩm sắp tới - một bước đệm cho công nghệ Hybrid SLI.

Công nghệ Hybrid SLI theo như NVIDIA cho biết sẽ có 2 công nghệ chính là GeForce Boost và Hybrid Power :

1. GeForce Boost

Theo đó GeForce Boost có nghĩa là khả năng nâng cấp thêm hiệu năng trình diễn của hệ thống thông qua việc tận dụng cả 2 GPU, GPU tích hợp (do mainboard hỗ trợ ) và GPU rời (card đồ họa rời). Theo như cách kết hợp này, 2 GPU sẽ đồng thời được tận dụng cho quá trình render các khung hình khác nhau, kết quả sau khi render sẽ được dồn lại cho GPU tích hợp để thực hiện quá trình hiển thị hình ảnh (xem hình) ( một cách sử dụng công nghệ SLI 2 GPU thường thấy nhưng ở đây là một GPU tích hợp và GPU rời ).

GeForce Boost chủ yếu sẽ được sử dụng cho các dòng card đồ họa rời có trang bị GPU cấp thấp như 8400GS và 8500GT. Do giữa các dòng này (GPU 8400GS,8500GT và GPU tích hợp) có sự giống nhau vì vậy mà mức độ tương thích sẽ đạt được ở mức tốt nhất có thể. Bởi vì chế độ rendering là AFR ( Alternate Frame Rendering – kiến trúc render song song), nên nếu kết hợp GPU tích hợp cấp thấp với một GPU rời cấp cao thậm chí sẽ làm cho tốc độ xử lý bị chậm đi.

Thông tin từ phía NVIDIA cho biết thì khi sử dụng công nghệ này điểm 3D Mark 2006 có thể tăng lên tới 40% ( nhưng NVIDIA không cho biết là họ đã kết hợp GPU tích hợp và GPU rời loại nào để đạt tới kết quả này ).

2. Hybrid Power

Hybrid Power thì lại nhắm tới việc hạn chế tối đa mức độ tiêu thụ điện năng của card đồ họa khi hệ thống hoạt động ở mức độ thấp. Công nghệ này sẽ cần tới sự tương thích của cả 2 thiết bị bo mạch chủ (motherboard ) hỗ trợ Hybrid Power và video card có Hybrid Power. Sau khi đã đạt được yêu cầu về nền tảng phần cứng, một trình ứng dụng của NVIDIA sẽ có nhiệm vụ trực tiếp quản lý quá trình hoạt động Hybrid Power.

Khi máy tính họat động ở mức độ thấp (light load), GPU trên card đồ họa rời sẽ được tắt hoàn toàn thông qua SMbus (xem hình), và lúc này tất cả quá trình render sẽ được giao lại cho GPU tích hợp xử lý. Nếu hệ thống hoạt động với mức độ cao hơn, ngay lập tức dựa trên SMbus, GPU trên card đồ họa rời sẽ họat động trở lại và thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tất cả các kỹ thuật mà NVIDIA đưa ra giới thiệu tại thời điểm này đều chỉ có thể hoạt động trên hệ điều hành Windows Vista, NVIDIA cho biết thêm là các công nghệ này sẽ dựa trên những tính năng mới cập nhập của bản Vista SP1 sắp ra mắt tới đây và dung lượng bộ nhớ tối thiểu mà GPU tích hợp sẽ cần từ hệ thống khoảng 256 MB.

Các phiên bản chipset sắp tới

Phiên bản chipset sắp ra mắt tới đây NVIDIA 780a SLI có cấu trúc rất gần với phiên bản Intel 780i mà NVIDIA vừa mới đưa thị trường hồi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên vẫn có một vài điểm khác biệt giữa 2 phiên bản này. Bạn có thể tham khảo hình bên dưới để biết chi tiết.

Ảnh
Sơ đồ khối của 780i chipset
Ảnh
Sơ đồ khối của 780a chipset

Phiên bản 780a ra mắt lần này sẽ tốt và mạnh hơn so với 780i ở một số điểm. Ở phiên bản 780i SLI sử dụng 2 khe (slots) PCIe 2.0 thông qua chip nForce 200 và khe thứ 3 là PCIe 1.0 (một sự sắp xếp không được lý tưởng cho lắm nếu muốn hỗ trợ công nghệ Tri SLI).

780a thì ngược lại, 3 khe cắm PCIe đều sẽ được hỗ trợ trực tiếp từ chip nForce 200 và băng thông sẽ được chia theo tỷ lệ x16/x8/x8, lúc này chip nForce 200 sẽ hoàn toàn thích hợp cho quá trình ghi dữ liệu điểm điểm từ một GPU này tới một GPU khác mà không hề ảnh hưởng tới CPU. Mỗi khi CPU muốn cung cấp dữ liệu tới cho GPU, bộ xử lý nForce 200 sẽ nhận tất cả theo một đường dữ liệu duy nhất từ CPU và chia đều lượng dữ liệu này tới cho các GPU một cách đồng thời để xử lý. (tính năng này ở trên hệ thống 780i hiện chưa được NVIDIA khẳng định rõ ràng).

Tất nhiên ở cả 2 phiên bản 780a, 750a đều sẽ được tích hợp bộ xử lý đồ họa như đã đề cập tới ở trên.

GeForce 8200 MCP

Về chipset GeForce 8200, đây là một thế hệ IGP kế tiếp của NVIDIA khi hỗ trợ đầy đủ DirectX 10 cùng khả năng giải mã các bộ mã video độ phân giải cao H.264, VC-1 và MPEG-2 trực tiếp từ phần cứng. Có thể xem như GeForce 8200 là dòng thấp nhấp mà NVIDIA sẽ đưa ra thị trường có hỗ trợ DirectX 10.

Bảng sản phẩm mà NVIDIA sắp tới sẽ đưa ra thị trường :

Bùi Bình (theo [H]Enthusiast, Ars Technica, AnandTech)



Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Công nghệ này của Nvidia thật ra ko bằng stream processor của AMD/ATI (vừa hoạt động như CPU vừa như GPU), nhưng Nvidia lại có khả năng thương mại hóa tốt hơn AMD/ATI