Theo dự thảo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, ở mỗi dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng... phải đảm bảo thông qua các chính sách cấp phép, kết nối và quy hoạch tài nguyên phù hợp để có ít nhất 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động nhằm thúc đẩy cạnh tranh.
Mặt khác, các chính sách cấp phép, kết nối và quy hoạch tài nguyên phù hợp nêu trên cũng phải đảm bảo tránh được sự tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.
Ngoài ra, dự thảo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ TT&TT xây dựng cũng cho phép tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sát nhập các doanh nghiệp viễn thông nhằm hình thành các tập đoàn, tổng công ty mạnh trên cơ sở sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực, tài nguyên viễn thông; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc tập trung kinh tế và việc quản lí, phân bổ nguồn lực, tài nguyên viễn thông một cách bình đẳng để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.
Trên thực tế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức chỉ đạo chuyển giao EVN Telecom sang Viettel trong bối cảnh Công ty EVN Telecom do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư ngoài ngành đang trong tình trạng đứng trước nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ý kiến lo ngại việc VNPT cơ cấu lại hai mạng di động MobiFone và VinaPhone theo hướng đề nghị Chính phủ cho sáp nhập với nhau sẽ khiến thị trường di động bị giảm tính cạnh tranh. Khi đó, thị trường sẽ gần như chỉ còn 2 "ông lớn" là Viettel và VNPT, chiếm đến gần 95% thị phần (theo Sách trắng CNTT-TT 2011) và các doanh nghiệp viễn thông còn lại sẽ rất khó có thể phát triển.
Theo ICTNews
Bình luận