Với việc giới thiệu Android – hệ điều hành nguồn mở cho smartphone (sau này là tablet) và T-Mobile G1, Android được phổ biến trên thị trường smartphone hơn cả hệ điều hành iOS của Apple khi mới ra mắt.
Tuy nhiên, vẫn còn những rắc rối lớn phía sau thành công này và có thể biến Android thành “li rượu độc” cho Google.
Trái đắng nơi thiên đường
2011 là năm của Android với hơn 700.000 thiết bị Android được kích hoạt mỗi ngày và lượng tải ứng dụng gần đuổi kịp iOS. Tuy nhiên, Google đang gặp rắc rối ngay tại thiên đường. Năm 2005, Google mua lại Android Inc – công ty do Andry Rubin cùng 3 cộng sự thành lập năm 2003 – cùng với một loạt vụ sáp nhập khác. Trong năm này, Google đã làm giàu danh mục đầu tư công nghệ của hãng, tuy nhiên, Android được xem là ẩn số đối với công ty chuyên kiếm tìm vận may trong tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Tới năm 2007, Apple ra mắt iPhone, thế giới điện thoại và máy tính đã thay đổi mãi mãi. Điện thoại không còn chỉ dùng để nhắn tin, gọi điện mà trở thành máy tính di động. Google nhận thức rõ điều đó và không thể đứng sau. Đây là lí do tháng 11/2007, Google cùng liên minh Open Handset Alliance chính thức giới thiệu Android, hệ điều hành nguồn mở miễn phí dựa trên lõi của Linux. Bất cứ nhà phát triển nào cũng có thể viết ứng dụng cho Android, không bị ràng buộc nghiêm ngặt như Apple yêu cầu với App Store.
Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, đó có phải là chiến lược kinh doanh không hoàn thiện của Google khi phát hành nền tảng miễn phí và không thu một đồng nào từ ứng dụng trên Android Market? Tuy nhiên, Gmail, Google Maps, Google Earth, Google Docs, Google Calendar và YouTube đều là tài sản giá trị dài hạn, và với lợi nhuận thu được từ quảng cáo đủ để chống đỡ trong tương lai gần, Google không cần thành công vội vã. Android cũng “giữ chỗ” cho gã khổng lồ trên thị trường, và việc cung cấp miễn phí bao giờ cũng “quyến rũ” hơn những thứ phải trả tiền. Tất nhiên, mỗi dịch vụ đều hướng tới quảng cáo của Google, đồng nghĩa với khoản lợi nhuận có thể thu về.
Google đặt chân vào lĩnh vực mới đầy rủi ro là có mục đích. Google kiếm tiền từ quảng cáo, chính xác hơn là từ những người dùng máy tính (PC) hoặc laptop. Đó là cách Google tài trợ cho các dự án miễn phí. Trên PC, trình duyệt là cánh cổng dẫn tới web, vì thế Google, Apple và Microsoft tạo ra trình duyệt và cho không chúng. Từ năm 2007, với iPhone, sức mạnh được chuyển giao một phần sang ĐTDĐ. Nếu mọi người không còn dùng PC để vào web và thay vào đó dùng điện thoại, Google sẽ không thu được lợi nhuận quảng cáo. Android ra đời trong bối cảnh này. Ngoài ra, thiết bị di động còn mang tới nền tảng khách hàng khổng lồ cho thế giới web, bởi dịch vụ kết nối trên ĐTDĐ đang trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Google cần phải ở tuyến đầu của xu hướng đó. Với Google, kế hoạch dài hạn luôn được ưu tiên. Cũng như khi sáng tạo máy tìm kiếm, Google dường như không quan tâm tới lợi nhuận quảng cáo có thể, nhưng mười năm sau mọi chuyện đã rõ ràng. Di động cũng tương tự. Một khi Microsoft và Apple sản xuất điện thoại, Google càng ít cơ hội tạo ra tiền bạc.
Không giống như Apple kiếm tiền từ phần cứng, Google kiếm tiền từ quảng cáo. Không may cho Google, quảng cáo di động chưa trưởng thành và phải mất nhiều năm để lĩnh vực này bùng nổ. Mô hình của Google dường như giống với các nhà mạng hơn, khi chịu thiệt trên mỗi thiết bị nhưng lại thu hồi tiền từ dịch vụ. Tuy nhiên, Google tỏ ra thông minh khi “né” được khoản chi phí đáng kể bằng cách tung nền tảng miễn phí cho mọi công ty điện thoại mong muốn. Chi phí chế tạo sản phẩm, công bố và phân phối không bao giờ ảnh hưởng tới Google. Các hãng chỉ phải chịu phần chi phí như chu kì sản xuất thông thường. Google chỉ cung cấp Android. Và nếu điện thoại có thất bại, tài chính của Google cũng không bị tổn hại.
Android rơi vào vòng xoáy bản quyền
Đó là bước đi thông minh, nhưng đồng nghĩa với đó là phải giữ được các nhà sản xuất cùng chiến tuyến bằng các đề xuất hấp dẫn. Thực tế Google lại không làm được như vậy, và các đối thủ cạnh tranh nhanh chóng nhận ra bằng cách liên tục đánh phá những hãng ủng hộ Android. Điện thoại Android bị kiện vì vi phạm bằng sáng chế của Microsoft, Oracle, Apple. HTC, ViewSonic, Samsung, Acer đã phải trả tiền bản quyền cho Microsoft trên mỗi sản phẩm bán ra. Điều này tức là trong khi Google cho không Android, thì Android lại làm giàu cho Microsoft. Do vậy, nền tảng miễn phí đã không còn miễn phí khi phát sinh chi phí đi kèm. Luật sư trưởng của Google cho rằng: “Bằng sáng chế là để khuyến khích đổi mới, nhưng gần đây chúng được sử dụng như vũ khí chống lại đổi mới.” Ngoài trả phí, các thiết bị Android khác còn chịu hậu quả nặng hơn từ pháp lí. Tháng 8/2011, Apple giành lệnh cấm sơ bộ máy tính bảng Samsung Galaxy Tab 10.1 tại châu Âu, buộc mọi sản phẩm bị gỡ khỏi kệ. Cuộc chiến chưa ngã ngũ nhưng lệnh cấm rõ ràng đã phát huy tác dụng không thể bàn cãi khi Samsung vừa bị mất khoản lợi nhuận khổng lồ từ bán thiết bị, vừa đánh mất sự hiện diện trong mắt khách hàng. Mỗi lần nhà sản xuất chứng kiến chính mình bị rơi vào vòng kiện tụng là một lần cơ hội họ sử dụng Android trong tương lại ít đi. Phản ứng lại những vụ tranh chấp bản quyền và nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Android, Google đã mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỉ USD. Bằng cách này, hãng sẽ có được 17.000 bằng sáng chế và 7.500 đang chờ xét duyệt, giúp Google và đối tác ngăn chặn được những kẻ có ý định kiện vi phạm bản quyền.
Phân mảnh Android gây lo ngại
Trong trường hợp xấu nhất, Google đưa Android về mái nhà chung như Apple và iOS, điều này giúp kết thúc vấn đề khác của Android: phân mảnh. Rắc rối phân mảnh bắt nguồn từ chính sách phân phối của Google. Hệ điều hành nguồn mở đồng nghĩa với các nhà sản xuất có thể tân trang lại Android dưới các giao diện khác nhau để khác biệt hóa sản phẩm, dịch vụ so với đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa mỗi khi bản cập nhật Android xuất hiện, khách hàng lại phải chờ “dài cổ” để các hãng/nhà mạng phát triển phù hợp. Hiện tại, thị trường tràn ngập điện thoại và máy tính bảng Android phiên bản khác nhau, nhiều cấp bậc tính năng và không phải tất cả đều hỗ trợ mọi ứng dụng trên Android Market. Vấn đề phân mảnh có thể được giải quyết nhờ Android 4.0 “Ice Cream Sandwich” nhưng liệu có quá muộn? Có lẽ ưu điểm duy nhất của phân mảnh là việc các hãng có thể đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc khách hàng khác nhau. Về tác động tiêu cực nhất, có lẽ là trải nghiệm của khách hàng và các nhà phát triển gặp khó khăn khi phải viết ứng dụng có mẫu số chung thấp nhất, hoặc thiết kế cho từng thiết bị Android cụ thể.
Phân mảnh còn biến tướng theo cách mà Google không hề mong muốn: khi hai tổ chức bất đồng quan điểm phát triển phần mềm, sự khác biệt sẽ dẫn tới chia cắt thành hai con đường, hai sản phẩm mới có cùng gốc gác. Điều này đang xảy ra. Amazon và Baidu đang sử dụng Android thay thế ứng dụng Google bằng ứng dụng riêng và “giấu” mọi dấu vết của Android khỏi mắt người dùng. Máy tính bảng Kindle Fire không chỉ được tân trang lại với lớp bọc tính năng của Amazon, mà còn không cho bất cứ ứng dụng Google nào xuất hiện. Nếu ứng dụng và tính năng của Google bị thay thế, công ty mất kiểm soát mọi thứ đang diễn ra trên thị trường di động, đồng nghĩa mọi dự tính nắm quyền kiểm soát thị trường quảng cáo cũng không còn. Mọi chi phí phát triển, cơ hội thống trị thị trường tan thành mây khói.
Với tất cả bất lợi từ Android, các chuyên gia tin rằng Android không thể giết chết Google. Mọi chi phí khổng lồ đã ở phía sau, và chi phí tiến lên chắc chắn sẽ thấp hơn. Google lớn hơn nhiều Android. Google không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục với Android. Android không thể hạ gục Google ngay lúc này, nhưng nó chính là “con quái vật” quá khó để chế ngự và chỉ đạo. Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ và chiến lược trong quản lí và chính sách, liệu Google có đòi được không gian quảng cáo di động mà hãng cần tới hay không. Trong tương lai, nếu không có di động, Google sẽ không là gì cả.
Google không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục với Android. Android không thể hạ gục Google ngay lúc này, nhưng nó chính là “con quái vật” quá khó để chế ngự và chỉ đạo,...
Theo ICTnews/TechRadar
Bình luận