Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại năm 2008 tại Hà Nội ngày 8/1/2008. Ảnh: ICTNews.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ ưu tiên cao phát triển băng rộng, tạo điều kiện mọi người dân truy cập Internet để nâng cao năng suất lao động.

"Chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa xã hội Việt Nam là một xã hội thông tin. Chúng tôi ưu tiên hạ tầng cơ sở phát triển trên nền tảng băng thông rộng, mạng di động rộng khắp, tạo điều kiện mỗi người dân Việt Nam có thể truy cập Internet, tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế xã hội", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về Kinh tế đối ngoại 2008 tổ chức tại Hà Nội ngày 8/1/2008.

Qua quan sát danh sách đại biểu đến dự Hội nghị có chủ đề Việt Nam – Một ngôi sao đang lên của châu Á này, và đặc biệt sự có mặt của nhà cung cấp thiết bị viễn thông Nokia Siemens Networks với vai trò nhà tài trợ chính hội nghị, có thể thấy viễn thông Việt Nam là một trong những lĩnh vực thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài các đại gia viễn thông thế giới và khu vực đã hiện diện ở Việt Nam như Vodafone (Anh), Singtel (Singapore) còn có những doanh nghiệp chưa đặt chân đến Việt Nam như BT (Anh), Deutsche Telekom (Đức). Hầu hết các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam như VNPT, Vinaphone, Mobifone, Viettel, Hà Nội Telecom và cả "tân binh" từ Bộ Công an Global Telecommunications đều có mặt.

Nếu nhà đầu tư nước ngoài nào muốn biết thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm qua phát triển như thế nào thì có lẽ nên tham vấn ông Christian Fredrikson, Phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Nokia Siemens Networks. Ông Fredrikson đưa ra những con số thống kê mà bất kỳ thị trường nào cũng muốn: Năm 2007, thuê bao di động tăng trưởng gấp đôi, Internet tăng 80%, thuê bao băng rộng tăng gấp đôi so với năm trước đó. Về Internet, Việt Nam hiện có 18 triệu người sử dụng và mục tiêu tăng gấp đôi đến năm 2010. Ông Fredrikson tỏ ra am hiểu chính sách phát triển viễn thông Việt Nam với việc nêu ra chiến lược của Việt Nam đến năm 2015 đưa băng thông rộng đến mọi gia đình và đến năm 2050 Việt Nam cùng toàn thế giới kết nối mạng.

Lẽ dĩ nhiên, không phải đơn giản mà liên doanh thiết bị viễn thông này "thuộc" Việt Nam đến thế. Bởi với nhu cầu phát triển của lĩnh vực viễn thông, và cả nền kinh tế (theo con số ông Fredrikson đưa ra, cứ tăng 10% di động thì tăng 0,5% tổng sản phẩm trong nước GDP; băng rộng tăng 10%, ảnh hưởng đến GDP còn lớn hơn) tất yếu nhu cầu đầu tư hạ tầng viễn thông sẽ rất mạnh, đem đến cơ hội cho những công ty như Nokia Siemens Networks.

Vậy, Nokia Siemens Networks sẽ có vai trò như thế nào để hỗ trợ phát triển băng rộng tại Việt Nam? Ông Fredrikson đặt câu hỏi với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trước đông đảo các nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ, cũng rất thẳng thắn, nói ông tiếc là Nokia Siemens Networks mới chỉ tham gia bán thiết bị tại Việt Nam (sau đó Thủ tướng đã khen ngợi hãng GE (Mỹ) ban đầu chỉ "làm thương mại", tức bán thiết bị nay đã tiến tới đầu tư tại Hải Phòng). Thủ tướng nói ông rất hoan nghênh Nokia Siemens Networks cũng như các nhà đầu tư khác đầu tư vào hạ tầng Việt Nam. Hiện Việt Nam có 9 công ty viễn thông và Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiến hành cổ phần hóa tất cả 9 công ty.

Liệu Nokia Siemens Networks sẽ đầu tư vào Việt Nam? Ông Fredrikson không còn thêm câu hỏi nào nữa dành cho người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, mà chỉ nói "Chúng tôi rất mong muốn nhận thử thách này".

(Theo ICTnews)



Bình luận

  • TTCN (0)