Eastman Kodak, “đại gia” một thời trong lĩnh vực sản xuất phim chụp ảnh và máy ảnh của Mỹ với 131 năm tuổi, sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong vài tuần tới nếu hãng này không thể bán được các bằng sáng chế công nghệ của mình.
Thời báo phố Wall trích lời “một nguồn tin thân cận” cho biết, Kodak đang trong thời gian đàm phán để các chủ nợ tài trợ khoảng 1 tỉ USD để giúp công ty hoàn thành các thủ tục phá sản. Nguồn tin trên khẳng định cái tên Kodak lừng lẫy một thời sẽ được đặt dấu chấm hết vào cuối tháng 1 này hoặc đầu tháng 2.
Đại diện của Kodak không bình luận về thông tin trên.
Tuy nhiên, trước khi tuyên bố phá sản, Kodak sẽ bán 1.100 bản quyền công nghệ của mình.
Sự thất bại của Kodak là một bài học của việc “ngủ quên trên chiến thắng”. Kodak một thời huy hoàng, chiếm vị trí độc tôn trong ngành sản xuất phim nhựa. Mặc dù Kodak đã nhận định đúng về xu hướng tiêu dùng nhưng lại không thể kiểm soát thị trường máy ảnh kĩ thuật số và để các hãng camera nước ngoài gạt ra ngoài cuộc đua. Kodak là hãng sản xuất máy ảnh số đầu tiên năm 1975 nhưng lại mất nhiều năm để thương mại hóa bởi còn “nhùng nhằng” với lĩnh vực máy ảnh cơ vốn vẫn mang lại doanh thu lớn cho Kodak. Trong những năm 1980 và 1990, Kodak bắt đầu phải đối mặt các đối thủ trong lĩnh vực sản xuất phim và những hãng nước ngoài liên tiếp tung ra các dòng máy ảnh số, mở đầu cho trào lưu thay thế máy ảnh phim.
Đến năm 2000, Kodak trỗi dậy bằng những cam kết quyết dẫn đầu thị trường máy ảnh số. Năm 2005, Kodak dẫn đầu doanh số máy ảnh số tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, hãng này vẫn không thể nào có được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ camera số giống như thời hoàng kim của máy ảnh phim. CEO Antonio Perez của Kodak đã từng ví máy ảnh kĩ thuật số là “món ăn khó nhằn”.
Thị phần của Kodak ở thời đỉnh điểm lên tới 90% nhưng đã quá chậm chạp trong công cuộc chuyển dịch theo sự phát triển của thị trường máy ảnh kĩ thuật số. Thị phần của Kodak trong năm 2011 đã giảm đến 80%.
Theo Dân Trí
Bình luận
Thật đáng buồn cho 1 hãng công nghệ lớn.