CES 2012 sẽ được diễn ra từ ngày 10 đến 13/1

Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2012 là triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới sẽ khai mạc vào ngày mai 10/1 tại Las Vegas (Mỹ). Tuy nhiên, có vẻ như triển lãm này đang mất dần “độ nóng” khi các ông lớn đang dần tuyên bố rút lui khỏi “sân chơi” này.

CES 2012 dự kiến sẽ thu hút hơn 140.000 lượt khách ghé thăm. Đây được xem là sự kiện mà bất kì một người yêu công nghệ nào cũng đều mong muốn có một lần được ghé thăm.

Không ít hãng công nghệ chọn “sân chơi” CES để giới thiệu những sản phẩm mới nhất của mình, cũng như đưa ra định hướng phát triển cho năm mới, tuy nhiên, các “bom tấn” thực sự được trông đợi nhất của “làng công nghệ” lại được giới thiệu ở những sự kiện riêng biệt, do chính các hãng tổ chức, như iPad, iPhone của Apple, máy chơi game Kinect của Microsoft hay gần đây nhất là máy tính bảng Kindle Fire của Amazon…

Đây được xem là những dấu hiệu cho thấy CES đang mất dần độ hấp dẫn của mình, và các hãng công nghệ muốn được mọi người chú ý đến mình nhiều hơn bằng cách tự xây dựng những “sân chơi” riêng, để tại đó, họ là những nhân vật chính và sản phẩm của họ trở nên được chú ý hơn, thay vì phải cạnh tranh và đứng cùng các đối thủ khác.

Một trong những hãng tiên phong trong việc “tẩy chay” CES đó là Apple, với việc chưa bao giờ tham dự vào các triển lãm CES mà thay vào đó tự tổ chức sự kiện MacWorld của riêng mình để giới thiệu các sản phẩm mới.

Và mới đây, “độ nóng” của CES lại tiếp tục bị đặt một câu hỏi lớn khi Microsoft tuyên bố, CES 2012 sẽ là lần cuối cùng họ tham gia triển lãm này. Và CES 2012 cũng là năm cuối cùng CEO Steve Ballmer của Microsoft phát biểu diễn văn khai mạc cho triển lãm sau 14 năm, kể từ năm 1995, "dẫn dắt" sự kiện quan trọng này. Có vẻ như, Microsoft đang muốn tiếp bước Apple để tự tạo ra một sân khấu của riêng mình, nơi họ có thể tự do giới thiệu những sản phẩm mới nhất.

Gary Shapiro, chủ tịch của Hiệp hội điện tử tiêu dùng (CEA - Consumer Electronics Association), tổ chức đứng đằng sau triển lãm CES cho biết ông cảm thấy tiếc khi thấy Microsoft từ bỏ sân chơi nay, tuy nhiên Shapiro cũng khẳng định điều này không quá làm ảnh hưởng đến danh tiếng của CES.

Tổ chức này cũng dự kiến sẽ có hơn 2.700 nhà triển lãm tham gia sự kiện năm nay, so với con số 2.800 của năm trước. Theo CEA hiện tại vẫn có nhiều gian hàng trống chưa có người đặt mua. Năm ngoái có đến 149 ngàn khách ghé thăm sự kiện, trong khi năm nay vẫn còn quá sớm để nói liệu triển lãm năm nay có vượt qua được con số đó hay không.

Trong khi đó, CES vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với các hãng bán lẽ, là nơi được tận dụng để trình làng các sản phẩm mới cũng như nhận trước các đặt hàng trước khi chính thức được bán ra thị trường.

“Với những gã khổng lồ công nghệ, triển lãm này đang dần mất đi sự quan trọng của nó” - Phil McKinney, cựu Giám đốc công nghệ tại HP nhận xét - “Vấn đề của CES đó là dần mất đi ngày càng nhiều những thương hiệu lớn, cho đến khi đạt đến một giới hạn nào đó”.

Ảnh
Đây là lần góp mặt cuối cùng của Microsoft tại CES

Một trong những lí do chính khiến các hãng công nghệ lớn dần quay lưng lại với CES đó chính là thời điểm tổ chức của sự kiện này không hợp lí.

Được tổ chức vào tháng 1 được xem là thời điểm để các hãng giới thiệu sản phẩm cho năm mới, tuy nhiên, đây cũng được xem là thời điểm không hợp lí để giới thiệu sản phẩm mới, khi mà trước đó chưa đầy 1 tháng, các hãng công nghệ đã “đua nhau” giới thiệu sản phẩm mới để cung cấp cho người dùng vào dịp mua sắm cuối năm, thì đến tháng 1, không ít hãng sẽ không kịp ra mắt sản phẩm mới khác cho sự kiện CES được tổ chức.

John MacFarlane, Giám đốc điều hành của hãng công nghệ Sonos cho biết giới thiệu các sản phẩm mới vào tháng 1 sẽ khiến cho người dùng, những người đã mua hàng vào dịp mua sắm cuối năm, cảm thấy bị hụt hẫng vì họ đã bỏ lỡ các sản phẩm mới nhất. Do vậy, Sonos chỉ tham gia CES với vai trò không chính thức và chỉ tổ chức các sự kiện bên lề để giới thiệu về công ty, thay vì giới thiệu các sản phẩm mới.

Tuy nhiên, ông Shapiro vẫn cho rằng những cuộc khảo sát cho thấy tháng 1 hàng năm vẫn là thời điểm thích hợp nhất để triển lãm này diễn ra.

Ảnh
Liệu người dùng có cảm thấy vui khi sản phẩm mới đươc ra mắt chỉ 1 tháng sau khi họ vừa mua sắm vào dịp cuối năm?

Lí do kèm theo đó chính là chi phí của các hãng công nghệ khi góp mặt tại CES. Được biết, để có được một gian hàng tại CES, có những bài phát biểu giới thiệu sản phẩm… các hãng công nghệ sẽ phải bỏ ra cho đơn vị tổ chức một khoản tiền không hề nhỏ. Nhiều nguồn tin cho rằng, Microsoft đã tốn gần 1 triệu USD mỗi năm cho những lần góp mặt và có những bài diễn văn khai mạc tại CES. Đây là một số tiền không hề nhỏ, có thể là một trong những lí do khiến Microsoft quyết định rút lui khỏi CES vào năm sau.

Phải chăng, CES đang mất dần độ quan trọng của một triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới, nơi mà lợi nhuận của nhà tổ chức được đặt lên hàng đầu, cao hơn một “sân chơi” dành cho các hãng công nghệ có thể giới thiệu những công nghệ và sản phẩm mới nhất. Liệu CES những năm tiếp theo có còn là địa điểm được những ai yêu công nghệ mong muốn được đặt chân đến nếu các ông lớn lần lượt từ bỏ sân chơi này?

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (0)