Hôm nay, 11/1, ông Nguyễn Minh Đức - giám đốc bộ phận an ninh mạng Công ty BKAV, cảnh báo vi rút W32.Sality.PE đang là quả “bom nổ chậm”, có thể gây ảnh hưởng đến hàng triệu máy tính trong thời gian tới.
Vi rút Sality đã lây lan nhiều nhất năm 2011 với 4,2 triệu lượt máy tính tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vi rút này vẫn "đang nằm vùng" và chưa phát huy hết tính năng độc hại nhất. Khi kích hoạt, vi rút Sality có thể ăn cắp thông tin nhạy cảm và phá hủy dữ liệu.
Ông Đức cho biết lí do khiến W32.Sality.PE có thể lây lan tới như vậy là nhờ khả năng sử dụng các giải thuật di truyền để tự động lai tạo, sinh ra các thế hệ virus “con cháu” F1, F2…
Càng lây nhiễm lâu trên máy tính, vi rút càng sinh ra nhiều biến thể với độ phức tạp càng cao khiến cho khả năng nhận dạng và bóc lớp của các phần mềm diệt vi rút càng khó khăn. Chính vì thế W32.Sality.PE có thể qua mặt được hầu như tất cả các phần mềm diệt vi rút trên thế giới.
Vì tính chất nghiêm trọng, BKAV khuyến cáo người sử dụng máy tính trên toàn quốc cần kiểm tra máy tính bằng phần mềm diệt vi rút có trang bị công nghệ diệt vi rút siêu đa hình. Đối với người sử dụng phần mềm diệt vi rút BKAV, có thể dùng BKAV Pro để loại bỏ virus này.
10 virus lây lan nhiều nhất năm 2011 ở VN:
1. W32.Sality.PE
2. W32.AutoRunUSB.Worm
3. W32.Vetor.PE
4. W32.StuxnetQKY.Trojan
5. W32.StarterYY.Trojan
6. W32.Kawin.Trojan
7. W32.FakeUserinitIconF.Fam.Worm
8. X97M.XFSic
9. W32.SecretCNC.Heur
10. W32.SalDropFamA.Worm
Các chuyên gia bảo mật và an ninh mạng BKAV dự đoán năm 2012 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của vi rút trên điện thoại di động. Mặc dù năm 2011 lượng mã độc trên smartphone đã tăng gấp bốn lần so với năm 2010. Thậm chí mã độc còn xuất hiện ngay trên Google Android Market cho dù hệ thống này được kiểm duyệt trực tiếp bởi con người.
Với lượng tăng trưởng người sử dụng Smartphone tại Việt Nam lên gấp đôi trong năm tới theo dự báo của Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen.
Vi rút siêu đa hình sẽ tiếp tục lây lan rộng. Chưa có căn cứ để xác định thời điểm mạng lưới “nằm vùng” này sẽ kích hoạt module phá hoại, tuy nhiên cũng không thể khẳng định điều đó không thể xảy ra trong năm 2012.
Ông Đức cũng cảnh báo mạng xã hội và chat trực tuyến đang trở thành công cụ đắc lực của tin tặc. Người sử dụng cần cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin qua các kênh giao tiếp trên mạng. Đặc biệt, cần cảnh giác trước các đường link hoặc các file nhận được. Bạn thậm chí nên gọi điện hỏi lại người thân nếu thấy tài khoản chat của họ đang yêu cầu mình cung cấp tiền hoặc các thông tin nhạy cảm khác.
Theo NSS - Tuổi trẻ Online
Bình luận