Số ngày nghỉ Tết Nhâm Thìn của học sinh (HS) khá dài nên nhiều bậc phụ huynh “mất ăn mất ngủ” lo quản con em mình trước sức cám dỗ của game bạo lực, game sex.
Hội chứng “sợ Luyện”, sợ game xấu
Khoảng thời gian 3 tuần trước Tết Nhâm Thìn, cái tên Lê Văn Luyện trở thành đề tài sôi sục trên các phương tiện truyền thông. Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới con đường phạm tội của Luyện, một sát thủ tàn ác chưa tới tuổi thành niên là game online bạo lực. Qua khảo sát, nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng về vấn đề này và họ tìm mọi cách để giúp con em mình tránh xa các game có nội dung xấu.
Mặc dù Tết chưa đến nhưng thay vì để con cái tự do vui chơi, chị Nga (Yên Phụ, Hà Nội) đã quán triệt tư tưởng với cậu con trai 12 tuổi chỉ được chơi game khi có sự giám sát của nguời lớn. Ngay lập tức, chị đã đổi mật khẩu truy cập máy tính ở nhà.
“Tôi tận mắt chứng kiến con tôi dí mắt vào một trò chơi kính thích giới tính không phù hợp cùng một đứa bạn (người chơi đóng vai một nhân vật nam sẽ chộp lấy hãm hiếp cho đến chết bất cứ nhân vật nữ nào). Tra hỏi thì tôi được biết con và mấy đứa bạn thường chơi những game kiểu này. Từ đó tôi luôn cảnh giác và giám sát những trò chơi của con, nhất là trong dịp nghỉ dài ngày như thế này”, anh Nguyễn Văn Toàn tại Hà Đông chia sẻ.
Dù chưa có đánh giá đầy đủ về tác động tiêu cực của game bạo lực có liên quan thế nào tới các hành xử giang hồ của một bộ phận giới trẻ song những câu chuyện đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ việc mê game online vẫn luôn ám ảnh những bậc làm cha mẹ. “Các cháu HS cấp III vẫn đang trong giai đoạn hình thành nhân cách; thường có xu hướng học hỏi, bắt chước, làm theo bạn bè hay những gì xung quanh. Nếu các cháu tiếp xúc quá nhiều với các nội dung không lành mạnh thì rất dễ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc”, bà Lê Thị Thìn, một giáo viên về hưu nhận định.
Trong một cuộc trả lời trực tuyến mới đây về quản lí game online do Bộ TT&TT tổ chức, các nhà quản lí khẳng định những game online khi phát hành tại VN phải được thẩm định về nội dung để đảm bảo không có nội dung độc hại. Tuy nhiên, các nhà quản lí cũng thừa nhận có thể những game không phát hành tại VN mà phát hành trực tiếp trên mạng không qua kiểm duyệt sẽ có nội dung độc hại.
Đâu rồi game lành mạnh?
Ông Đào Mạnh Thắng, cán bộ một đơn vị thuộc Bộ KH&CN chia sẻ: “Tôi rất thích chơi cờ tướng, cờ vua trực tuyến và vui mừng khi hai con mình cũng thích trò này. Tuy nhiên, các game có nội dung lành mạnh như thế chiếm tỉ lệ quá ít trong khi những trò cờ bạc, đánh nhau ngày càng phát triển. Tôi tin rằng nếu các nhà phát triển chú ý đầu tư nhiều hơn những trò chơi có nội dung tốt và hấp dẫn thì người chơi sẽ không bỏ qua”,
“Chơi game không phải là xấu nếu game có nội dung lành mạnh. Bản thân tôi cũng hay chơi game nên không cấm đoán con cái. Vấn đề ở chỗ mình có thể định hướng cho con chơi game an toàn trong tầm kiểm soát”, ông Phạm Tiến Hùng, giảng viên Đại học Hà Nội chia sẻ. Hướng đi tích cực mà nhiều nước đã làm đó là phát triển các loại hình game có nội dung giáo dục vừa để giải trí vừa “nạp” kiến thức một cách nhẹ nhàng.
Theo một số chuyên gia phát triển game, thách thức lớn nhất của các game "sạch" vẫn là làm sao "thổi" được niềm đam mê vào người chơi vốn chỉ mê bắn nhau, chém, giết. Không có lượng người chơi đủ thì không thể thu hồi vốn. Đây chính là cái khó khiến nhiều DN chỉ phát hành game thị trường và đành bỏ quên game "sạch".
Theo ICTNews
Bình luận