Dường như do chịu sức ép từ tin đồn Apple sẽ tham gia thị trường TV với sản phẩm “đột phá”, các hãng sản xuất TV đang chú trọng hơn vào sự tiện lợi và những trải nghiệm mới trên sản phẩm của mình.

Năm nay, không biết có phải do chịu ảnh hưởng từ tin đồn Apple sẽ tham gia thị trường TV với phong cách sử dụng “đột phá” hay không, mà các hãng đã chú trọng hơn vào sự tiện lợi khi sử dụng TV. Các TV kết nối Internet và hỗ trợ các thiết bị đầu vào đa dạng đang xuất hiện nhan nhản. Các nhà sản xuất đang cố gắng phục vụ những trải nghiệm khi sử dụng tốt hơn cho người dùng khi thưởng thức nội dung trên TV.

Các màn hình lớn và rực rỡ luôn thu hút được sự quan tâm chú ý của người dùng. Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng thế giới (CES) ở Mỹ tuần trước, người ta thấy có TV màn hình OLED siêu mỏng, các mẫu TV thử nghiệm thu phát tín hiệu không dây, tránh cho người dùng khỏi vướng víu bởi mớ dây nhợ lằng nhằng và thường là lộn xộn nằm giữa cụm TV và các thiết bị ngoại vi kết nối với nó. Còn có cả công nghệ điều khiển TV ứng dụng giọng nói, trong tương lai sẽ khiến cho chiếc điều khiển từ xa - vốn có quá nhiều nút bấm và hay “nấp” trong những xó xỉnh khi cần tới - phải tuyệt chủng. Cuối cùng người ta có thể chiêm ngưỡng các màn hình có độ phân giải cao gấp nhiều lần độ phân giải siêu nét 1080p hiện tại.

OLED ấn tượng

Hai đại gia Hàn Quốc LG và Samsung đã trình làng màn hình OLED có kích cỡ được cho là lớn nhất hiện thời, lên tới 55 inch. Cả hai đều hiển thị màu sắc rực rỡ, màu đen sâu cùng khả năng điều chỉnh tương phản ấn tượng mang tới hình ảnh trong vắt. Quan trọng nhất, chúng đều rất mỏng. Một biên tập viên của PC World sau khi “mục sở thị” các sản phẩm mẫu này đã phải thốt lên rằng đây là chiếc TV tuyệt nhất mà anh ta từng được thấy. Nhưng giá bán quá cao vẫn là rào cản cho sự bùng nổ của TV loại này, liệu người tiêu dùng có sẵn sảng bỏ ra khoản phụ trội khá lớn để chi cho màn hình TV như vậy?

TV có độ phân giải siêu cao 4K và 8K

Nếu độ phân giải cao cấp full HD hiện thời vẫn chưa làm bạn thỏa mãn vì không cung cấp được những chi tiết nhỏ nhất trên khuôn mặt diễn viên mà bạn yêu thích, thì giờ đây, các TV độ nét siêu cao sẽ thay đổi điều đó. LG mới giới thiệu một công nghệ được hãng tạm gọi là 4K TV cho phép hiển thị 8 triệu điểm ảnh trên màn hình ở độ phân giải 3840 x 2160 (gấp 4 lần Full HD 1080p). Nếu như thế vẫn chưa đủ thì hãy đến với sản phẩm của Sharp. Chiếc TV 85 inch của hãng này hiển thị độ phân giải lớn gấp đôi lên tới 8K (khoảng 7680 x 4230).

Ảnh

Để dễ hình dung thì bạn có thể lấy một trận bóng đá làm ví dụ. Ở độ phân giải tiêu chuẩn hiện nay cho các TV đại chúng, thật khó để phân biệt được số áo các cầu thủ khi máy quay đặt ở chế độ bao quát. Với truyền hình full HD, người xem thấy rõ được các hình ảnh này. Còn với các TV 4K và 8K kể trên, người xem có thể thấy rõ đến “chân tơ kẽ tóc” các hình ảnh này, có thể thấy được cầu thủ này mặt có nốt ruồi hay không, mồ hôi toát ra từ chân tóc như thế nào,… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các nội dung ở độ phân giải này phục vụ cho người dùng đại chúng. Tất nhiên là như vậy, vì các hãng nói trên thậm chí còn chưa cung cấp được thời gian cụ thể họ sẽ bán ra dòng TV này.

Ảnh

Google TV sẽ cất cánh

Sau khi Intel tuyên bố không theo đuổi lĩnh vực kinh doanh TV kết nối Internet nữa, thị trường này có sự xuất hiện của "đại gia" trong lĩnh vực giải trí Marvell. Hãng này đã quyết định sử dụng con chip Armada 1500 cho thiết bị Google TV. Đây là một chíp lõi kép nền ARM có tốc độ 1,2 Ghz hứa hẹn sẽ mang tới khả năng xử lí đa nhiệm, điều mà người dùng rất chờ đợi ở Google TV. Thiết bị này cũng được hưởng lợi từ công nghệ xử lí hình ảnh Qdeo của Marvell cho hình nét và màu sắc tươi tắn hơn. Google TV cũng đã tìm được các đối tác mới cho sản phẩm của mình. Cả 3 công ty LG, Samsung và Vizio đều đã thông báo về việc sẽ sử dụng các phần mềm của Google trong sản phẩm phần cứng của họ.

Ảnh

Ra lệnh bằng giọng nói sẽ trở thành mốt

Với Siri đang gây được ấn tượng mạnh về công nghệ nhận diện giọng nói, rất có thể Apple sẽ mang tính năng này lên sản phẩm TV sắp tới của mình. Điều này buộc các nhà sản xuất khác cũng phải mau chóng thử nghiệm các phương thức tích hợp công nghệ nhận diện giọng nói vào sản phẩm.

Ảnh

Khi công nghệ này chính thức được phổ biến trên các sản phẩm TV thương mại cũng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ nói lời tạm biệt với những chiếc điều khiển từ xa nhiều nút bấm, nhiều tổ hợp phím rối rắm và dễ thất lạc. LG đã giới thiệu một sản phẩm mẫu tại CES với microphone nằm ngay bên trong điều khiển từ xa. Samsung cũng “tuyên chiến” khi công bố các dòng sản phẩm của hãng sẽ nhận diện các tín hiệu đầu vào một cách “hoàn toàn tự nhiên” qua cử chỉ, giọng nói và biểu cảm gương mặt. Mẫu máy LED được trưng bày ở CES là một trong những mẫu đầu tiên được Samsung tích hợp camera.

Ảnh

Mặc dù hiện tại các công nghệ điều khiển như trên sẽ chỉ hiện diện trên những dòng TV cao cấp và các thiết bị ngoại vi như Kinect, song công nghệ này chắc chắn sẽ sớm được phổ biến tới dòng sản phẩm tầm trung. Công ty chuyên cung cấp công nghệ nhận dạng cử chỉ này cho TV là SoftKinetic đang cho biết họ đang nỗ lực nghiên cứu các sản phẩm rẻ hơn phục vụ cho các dòng HDTV bình dân.

Chơi game "khủng" trực tiếp trên mạng sẽ phát triển

Các dịch vụ chơi game "khủng" (thường gọi là game-off do yêu cầu cấu hình máy cao, dung lượng lớn) như OnLive và Gaikai sẽ có nhiều đất để phát triển hơn khi hợp tác với các nhà sản xuất TV lớn để tích hợp thiết bị. Ở CES vừa qua, OnLive công bố ứng dụng của mình sẽ được tích hợp vào các thiết bị Google TV sắp ra mắt. Với ứng dụng này, người chơi sẽ tải và chơi các game "đỉnh" (thường có đồ họa đẹp và hiệu ứng bắt mắt) về thưởng thức trên TV ngay tại nhà mình thông qua các máy chủ mà không cần phải lưu trữ hoặc kết nối với PC cấu hình cao.

Ảnh

Công ty Gaikai cũng cho biết họ đã hợp tác với LG để tích hợp sản phẩm vào các TV của hãng này. Dịch vụ của hãng cho phép chơi các game “bom tấn” thông qua đường truyền Internet mà không cần phải sở hữu Xbox 360 hay Playstation 3.

Trung tâm lưu trữ nội dung số

Ảnh

Sau thành công vang dội của Apple với iTunes, các nhà sản xuất nhận ra rằng người dùng thích lưu trữ các nội dung số mà họ có từ nhiều nguồn tại một thư viện mà thôi. Ứng dụng bên trái trong hình minh họa là Plex lưu trữ toàn bộ các video mà người dùng đã mua và các nguồn video trên mạng khác nhau để tiện cho việc truy cập. Ứng dụng này có trên Roku, Google TV và Apple TV (nếu sản phẩm này bị jailbreak như các sản phẩm khác của Apple). Hình bên phải là minh họa cho ứng dụng M-Go có những tính năng tương tự nhưng nhấn mạnh vào việc hỗ trợ nguời dùng mua video từ nhiều nguồn. Cả hai ứng dụng nêu trên đều có trên điện thoại, máy tính bảng và cả trên nền web.

TV không dây và streaming

Ảnh

Cho tới khi CES 2012 diễn ra, các thiết bị được coi là cung cấp khả năng thu phát không dây cho TV, như U-verse TV Wireless Receiver của AT&T, mặc dù cho phép tải và xem video độ phân giải HD không qua cáp mạng nhưng vẫn chưa thực sự “không dây”, bởi TV vẫn còn phải cắm vào nguồn điện. Ở Las Vegas tuần rồi, Sharp đã giới thiệu loạt sản phẩm Aquos Freestyle rất ấn tượng. Các sản phẩm này của Sharp có tích hợp bộ thu phát tín hiệu Wi-Fi và pin sạc, rất tiện dụng và dễ dàng mang đi khắp nơi trong nhà. Đáng tiếc là thời lượng pin chỉ được khoảng 2 giờ. Nói gì thì nói đây đúng là một mẫu TV không dây thực sự. Sharp vẫn chưa chính thức công bố ngày xuất xưởng của dòng TV này.

Thiết bị Roku Streaming Stick nhắm tới việc cung cấp dịch vụ video trực tuyến cho khách hàng một cách gọn nhẹ. Kích cỡ của nó chỉ khoảng 2 ngón tay thay vì cả hộp giải mã (set-top box). Nó cắm được vào mọi TV và có khe cắm cho giắc HDMI giúp khách hàng có thể thưởng thức TV ở bất kì đâu.

Ảnh

Vào khoảng giữa năm 2012, liên minh Wi-Fi sẽ bắt đầu chuẩn hóa các thiết bị Wi-Fi Display cho phép truyền dẫn tín hiệu video không dây một cách độc lập với mạng Wi-Fi dùng để truy cập Internet. Nếu điều đó xảy ra (mà chắc chắn nó sẽ xảy ra, chỉ là sớm hay muộn) chúng ta có thể dễ dàng thưởng thức các video trong máy tính bảng hay điện thoại trên màn hình TV lớn một cách thoải mái hơn nhiều

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)