Hiện nay, với sự tiến bộ của CNTT, rất nhiều nội dung được xuất bản trực tuyến một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, cùng với việc chưa có các công cụ kiểm lỗi chính tả tiếng Việt, các nội dung đăng trên mạng mỗi người viết một kiểu, kể cả báo điện tử. Để “giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt”, TTCN có đặt ra các quy ước chính tả cho riêng mình.
Các quy ước này có thể tìm thấy trong phần Quy ước chính tả tại thongtincongnghe.com/ctv/quyuoc. Tại sao gọi là “quy ước” ? Bởi vì đa phần các quy định này chưa có trong chuẩn chính tả nào của Việt Nam. Nhưng không phải vì vậy mà các quy ước tại TTCN hoàn toàn dựa theo cảm tính của chúng tôi.
Hãy cũng điểm qua một số quy ước.
Viết “i” hay “y”
Để tránh phức tạp, TTCN quy ước rất đơn giản, sau phụ âm viết “i”, sau nguyên âm hay bán nguyên âm viết “y”. Cụ thể viết đúng sẽ là : tỉ phú, một tỉ, vật lí, nước Mĩ (viết "nước Mỹ" cũng được, đây là danh từ riêng, không khắt khe), quy ước, yêu quý...
Các bạn có thể tìm hiểu cụ thể hơn, chính thống hơn (và khó hiểu hơn !) tại http://www.dunglac.net/tranvinh/vietiy.htm và nhiều diễn đàn về ngôn ngữ khác. Những tình huống gây nhiều tranh cãi nhất đã được chúng tôi trích ra trong phần thí dụ ở trên.
Dấu câu, khoảng trắng, đơn vị
Một quy ước chung là trước các dấu câu không có khoảng trắng. Điều này đặc biệt áp dụng cho các dấu chấm (.) và dấu phẩy (,). Với các dấu chấm phẩy (;), hai chấm (:), chấm cảm (!), chấm hỏi (?) bạn có thể đặt một khoảng trắng phía trước.
Đây là quy ước đang được tuyệt đại đa số các tờ báo lớn áp dụng.
Ngày tháng và số
Ngày tháng được ghi theo dạng ngày/tháng/năm (thí dụ : 13/1/08 hoặc 13/01/08 hoặc 13/1/2008). Về cách ghi giờ thì không quan trọng lắm, có thể dùng quy ước 12:34:56 hoặc 12h34.
Đại đa số các tờ báo lớn dùng quy ước viết ngày như vậy, trừ tờ Nhân Dân.
Về quy ước viết số, các bạn có thể tìm thấy quy ước này trong sách giáo khoa tiểu học :-) Cụ thể là dùng khoảng trắng để phân cách phần nghìn, dùng dấu phẩy để phân cách phần thập phân. Một thí dụ viết đúng : “12 345 678,99”. Có nhiều báo đang dùng dấu chấm để phân cách phần nghìn, đây là cách viết kiểu cũ (cũ lắm rồi !).
Quy ước ở đây được đề cập trong sách giáo khoa tiểu học (mà tôi học gần 20 năm trước), nhưng theo tôi biết thì cho đến nay vẫn chưa có thay đổi gì. Chú ý là quy ước này chỉ áp dụng khi viết các số lượng mà thôi, không dùng để viết năm (2007) hay số điện thoại...
Thuật ngữ công nghệ
Tôn trọng cách viết chuẩn của các tổ chức đề ra thuật ngữ đó. Các từ viết đúng: Wi-Fi, WiMAX, Blu-ray, HD DVD... Có hai chú ý quan trọng nhất :
- Tuân thủ viết chữ hoa/thường cho từng kí tự (WiMAX chứ không phải WiMax)
- Dấu phân cách là “ ”, “-” hoặc không có phân cách. Chú ý từng trường hợp cụ thể.
Trên đây là vài bình luận, phân tích về quy ước chính tả của TTCN. Mong mọi người cùng góp ý.
Bình luận
Qui chuẩn là có lý, viết đúng cũng thể hiện trình độ văn hóa, văn minh. Có những cái đã là chuẩn thì tất nhiên phải viết rồi, không viết đúng là sai hẳn chứ không có nghĩa là sai chính tả. Tuy vậy theo tôi có một số cái cần phải bàn. Thứ nhất là chữ "y" hay "i" hoặc nhiều cái khác dạng thế, nếu nó chưa là chuẩn hoặc viết thế nào cũng đúng thì không nên ép. Vì mỗi người sẽ có một khái niệm đúng riêng của mình về "y" hay "i", ép như vậy thì tôi thà không viết bài nữa còn hơn là viết xong tìm chỗ sai (theo TTCN) để sửa.
Thứ hai là tên chuẩn WIFI hay Wi-Fi... hoặc nhiều thứ khác, bản thân ai trong chúng ta cũng xem khá nhiều báo chí, mỗi thằng viết một kiểu nên chúng ta cũng bị loạn. Mấy ai cầm tự điển tin học, điện tử lên thường xuyên để đọc rồi biết đâu là đúng. Bây giờ ai có thể chỉ cho tôi eMail, e-Mail, E-Mail cái nào là đúng? Tôi đã kiểm tra theo tự điển, theo trang của các tổ chức, mỗi ông một kiểu nên nó đã mất từ chuẩn. Đối với những từ mới gần đây thì có thể nhận ra, chứ còn lâu rồi thì chẳng thể nhớ lắm nó là cái gì nữa.
Chẳng nói đâu xa, nói hơi bậy chứ ghét nên tôi gọi là mấy "thằng nhà báo". Các ông này bây giờ viết hơi láo nếu không muốn nói là vô học. Ví dụ trên báo dùng các từ như tuổi teen, hot, entry..., đây có phải là tiếng Việt không mà viết đàng hoàng như tiếng Việt vậy? Cũng may mà ngày trước các cụ có cho ăn học ít tiếng Anh, nếu không chắc cũng chịu, không hiểu giống bà bán xôi đâu đường đọc báo.
Ví dụ và nói vui chút vậy thôi, mong TTCN có thể đưa ra cái gì đó phù hợp để anh em theo.
Các quy ước đưa ra tại TTCN có thể gọi là "chuẩn" đó Hay ít ra, đó là cách viết "có lí hơn". Về chữ "y" và "i", bình thường mọi người viết lung tung theo thói quen vì không biết chính tả (đọc như nhau). Nhưng thử lên xem các cuộc thảo luận, tất cả đều nói như nhau, và như quy ước của TTCN.
Các chữ khác cũng vậy. Tôi có thể khẳng định Wi-Fi là cách viết duy nhất đúng chính tả, nếu ai thấy ở đâu viết khác xin cho biết ! Còn chữ e-mail không đề cập trong thí dụ, vì giờ có 2 cách viết phổ biến là e-mail và email, trong đó e-mail chính xác hơn (cũng như e-commerce, e-government, ...).
Nói vậy có quá cảm tính không vậy
Mục đích của chính tả là gi? Là đảm bảo tính "thẩm mĩ" (lẽ ra tôi định viết từ "thẩm mỹ", nhưng vẫn phải tôn trọng quy định tạm thời của TTCN) và để đa phần người đọc đỡ "ngứa mắt" (Ví dụ như: nhìn cái từ "suất xắc" rõ ràng ngứa mắt hơn từ "xuất sắc").
Vậy thế nào là "chuẩn"??? KHÔNG CÓ chuẩn! Chỉ có quy ước mà thôi!
Nghĩa là cái gi nhiều người chấp nhận thì theo thời gian nó sẽ trở thành một quy ước được chấp nhận và nó sẽ biến thành chuẩn (các bác làm từ điển, tổ chức hội thảo hội thiếc thì cũng phải dựa trên những cái này, chứ các bác mà lí luận vớ vẩn rồi phán ra cái chuẩn nào đó cho toàn dân phải theo là điều không thể).
Hiện giờ, chỉ với 10 năm xuất hiện ở Việt Nam, internet đã mang lại lượng thông tin khổng lồ cho chúng ta. Tôi tin rằng các văn bản, tài liệu online hiện nay có khối lượng tương đối khổng lồ và cập nhật. Vậy sao ta không căn cứ vào đó.
Dùng một cái công cụ tìm kiếm nào đó mà ta tin cậy, gõ hai cái cụm từ mà ta thắc mắc vào đó để kiểm tra xem cái nào được sử dụng nhiều hơn hay ít hơn. Thế là ta có thể yên tâm tin vào tính đúng đắn của số đông rồi.
Dù sao, cái gì mới xuất hiện, dù có hợp lí đến mấy cũng vấp phải phản ứng, huống hồ chỉ là một cái quy ước cỏn con của TTCN. Tuy vậy, với tư cách là một người tham gia vào, chúng tôi sẽ tôn trọng những quyết định của BQT. Nếu thấy quá bất hợp lí thì sẽ góp ý. Vả lại, theo tôi thấy những quy định tạm thời của TTCN về chính tả cũng chẳng có gì quá khắt khe. Tạm chấp nhận!
À, đồng ý với bạn Tú về nhận định của Hải Nam : Nói e-mail "chuẩn" hơn email là cảm tính rồi.
Test với google : e-mail có khoảng 670 M kết quả, còn email có đến 4 370 M kết quả!
Vậy là dân tình dùng từ email nhiều hơn hẳn là e-mail. Chắc là cái từ e-mail nó sống lay lắt trong giới học thuật thôi,
Nói như thế nào là cảm tính Cho thí dụ cụ thể đi ! Dùng Google để kiểm tra e-mail và email ? Rõ ràng nếu tìm chữ "e-mail" sẽ thấy trong kết quả có cả những chữ "email" được tô đậm, nghĩa là Google không giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, rất nhiều domain, subdomain, url viết "email" nên nếu "email" nhiều hơn "e-mail" cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Có thể kiểm tra thử http://bit.ly/coMFJV sẽ thấy nó được chuyển sang http://bit.ly/1hFQit8, cho thấy rằng ít nhất với đội ngũ biên tập Wikipedia tiếng Anh, thì "e-mail" là chuẩn hơn email.
Tuy nhiên, như đã nói, cách viết email đã khá phổ biến nên ta cũng không gượng ép làm gì. Cũng như trong tiếng Pháp, nhà nước quy định "thư điện tử" phải viết là courriel, hay viết dài là courrier electronique, nhưng mọi người vẫn dùng email hoặc e-mail, thậm chí mail đó thôi.
1) Theo tôi thì cái quy ước về "i" "y" nó cứ "vớ vẫn" sao ấy. Tôi vẫn quen viết "mỹ thuật" y cho nó thơ mộng hơn "mĩ thuật" i. Xin miễn dừng viết "Thúy" thành "Thúi" là được rồi.
2) Tiếng Việt thực tế theo tôi không phải là giàu về từ vựng, nhất là từ khoa học. Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn về vốn từ khoa học. Đa phần chúng ta phải chạy sang bên TQ xem họ dịch thế nào, rồi về ta dùng tiếng Hán Việt theo họ.
3) Ngôn ngữ tiếng Việt là một ngôn ngữ "sống". Mà một ngôn ngữ sống thì sẽ có thay đổi, có thích ứng và có cả du nhập. Ví dụ là tiếng Việt có rất nhiều từ lấy nguồn từ tiếng Pháp và vẫn để như thế, dùng như thế đến giờ. Thế tạo sao khi nghe các từ teen, blog, entry...thì các bạn lại cho là "vô học".
4) Cũng nên nhìn nhận một thực tế là Tiếng Việt chúng ta có nhiều phức tạp không cần thiết. Có rất nhiều nghiên cứu đưa ra để "đổi mới" tiếng Việt cho nó dễ hơn. Chờ xem!
5) Còn về thuật ngữ công nghệ, cái này hầu như không có quy ước nào cụ thể cả. WiFi, WIFI, Wi-Fi,Wifi, wifi... thì viết cách nào cũng được, người ta vẫn hiểu là đang nói đến "qui-phi". Tương tự WiMAX, Wimax, WiMax, wimax...ai đặt ra câu hỏi cách viết nào đúng nhất, ai dám khẳng định là WiMAX (được dùng nhiều trên trang WiMAX Forum) là đúng nhất? Phải chăng TTCN là người đầu tiên quan tâm đến cách viết này?
6) Tóm lại là tránh những lỗi sai ngớ ngẫn, buồn cười hay đổi nghĩa hẳn từ viết. Vấn đề nội dung truyền tải là cái mà TTCN nên hướng đến hơn là từ vựng và ngữ pháp.
theo em thì nên có "Quy ước chính tả", vì có sự thống nhất trong cùng một trang, đặc biệt là về các thuật ngữ như Wi-Fi hay WiMAX, cùng với cách viết đơn vị ... thì rất hay, dù có thể một số thuật ngữ còn đang bàn cãi đâu là chuẩn nhưng TTCN sử dụng thống nhất 1 kiểu là nên làm
Nhưng quy ước "i" và "y" là không cần thiết lắm và cũng hơi khó thực hiện ;D
Cách viết đúng nhất cho các thuật ngữ tin học luôn tồn tại, nhất là các từ như Wi-Fi, WiMAX. Chỉ có nếu mình không để ý thì không biết thôi. Hãy đọc 100 bài báo khoa học có uy tín, thì gần như 100 bài đều viết 1 kiểu.
Các quy ước khác cũng tương tự trường hợp này: có những cái có thể gọi là chuẩn, là đúng hơn. Nhưng vì có quá nhiều người không quan tâm, hoặc không quan tâm lắm, dẫn đến tình trạng "viết sao cũng được".
Nếu mình làm việc nghiêm túc, thì ngoài nội dung thì hình thức là cái PHẢI được quan tâm.
À một lỗi chính tả khác hay gặp mà lúc trước quên đề cập: chữ "s" số nhiều. 3 cái HDD tiếng Anh ghi thêm chữ s (HDDs) nhưng tiếng Việt thì không có chữ s đó.
Lắm lúc cũng rất khó khăn khi viết các đơn vị. Ví dụ như "inchs" và "inch". Thật ra ai cũng biết 1 inch = 2,54 cm. Nhưng mà mình tự nhiên đi đổi đơn vị ra trong bài viết thì nó buồn cười, mà để nguyên đơn vị là "inch" thì lại phải theo chuẩn của nó, tức là > 1 thì thêm chữ "s" vào sau.
Nói thế chứ đôi lúc cũng quên.
Cái này tùy thôi, như Pháp kích cỡ màn hình thành cm hết Dù gì ở VN phổ biến đơn vị inch hơn. Nhưng ta chỉ lấy đơn vị chứ không phải viết tiếng Anh nên không cần tuân thủ ngữ pháp Tiếng Anh (viết inch thay vì inches, kể cả foot thay vì số nhiều là feet). Chứ không nhìn ngộ ngộ: 1 inch, 2 inches... rồi lại thắc mắc "inch" thì biết còn "inches" là sao.
Không biết Hải Nam đọc 100 bài báo khoa học nào, tuy nhiên tôi thử lên một vài trang web (tạm gọi là có uy tín): trang chủ của Intel, Alcatel-Lucent, Huawei, Altitude Telecom, và IEEExplorer, rồi search "wimax" thì ra ít nhất có 2 cách viết WiMAX và WiMax. Thế cái nào là chuẩn hơn?
Tương tự với WiFi hay Wi-Fi cứ lên IEEExplorer tìm thử thì kết quả cũng ngang nhau đấy (toàn là báo khoa học không đấy).
Trên Intel, Alcatel-Lucent hay Huawei, gõ thử "wimax" để tìm kiếm thì toàn bộ kết quả trang 1 đều viết cùng một cách "WiMAX" mà ? Chỉ có riêng ở Alcatel-Lucent trong phần "Recommended links" thì nó ghi "WiMax" nhưng click vào 2 link này xem chi tiết thì toàn bộ nội dung đều ghi "WiMAX" theo đúng [i]chuẩn[/i]. Có lẽ lỗi này do thằng webmaster nó không để ý thôi.
Tương tự về Wi-Fi cũng vậy. Net ở đây chậm quá, nên vào VPN rồi vào ieeexplorer hơi khó, nhưng anh nvqthinh thử kiểm tra lại xem. Lấy thí dụ bài bảo mật cho đt dual-mode của chị Lê Thanh Hà, 100% bài trong reference đều viết "Wi-Fi", và một khi tác giả đã có chủ ý thì họ viết rất thống nhất.
Chào bạn nvqthinh, mình không ăn học đủ lắm về vấn đề ngôn ngữ nên không hiểu lắm thế nào gọi là ngôn ngữ sống. Nhưng có cài mà bất cứ người Việt Nam nào cũng biết là khi những từ mà tiếng Việt mượn từ nước khác là những từ mà chúng ta không hề có. Ví dù như từ xà phòng, pê đan... ngày xưa Việt Nam đâu có những sản phẩm này, khi nó du nhập vào thì ta làm sao biết nó là cái gì và bởi vậy cũng làm gì có từ tương ứng để mà dịch sang. Vì thế phải mượn và dùng làm tiếng Việt chuẩn, đó là câu trả lời cho bạn biết là tại sao đến tận bây giờ vẫn để yên thế. Những từ teen, blog, entry thì tiếng Việt không thiếu từ để thay thế đâu, hay là khác, đừng nghĩ dùng tiếng ngoại lai nhiều là văn minh. Nếu mình hỏi bạn đã ăn gô hằng chưa chắc bạn chẳng hiểu đâu nhỉ ;D Không phải mình gay gắt nói gì đâu nhưng tiếng Việt có cái văn minh riêng, đừng làm nó yếu đi để thằng nào cũng đè ngửa nó ra... Bản thân bạn cũng nói là [b]Tiếng Việt chúng ta có nhiều phức tạp không cần thiết[/b] ,bởi vậy bạn cũng đừng có suy nghĩ thế để làm phức tạp thêm tiếng Việt.
@Hai Nam: Nam không cần vào VPN đâu, chỉ cần vào phần "search basic" của IEEExplore thì vẫn có thể kiểm tra được. Mình thử với WiFi và Wi-Fi thì hai cái điều cho ra 100 bài (hình như 100 là con số giới hạn lớn nhất).
@ Mai Phương Tú: Tôi đồng ý với bạn là "các nhà báo" cần phải "làm trong sáng Tiếng Việt". Nhưng điều đó không có nghĩa là không được dùng từ ngoại lai. Còn tuy theo đối tượng mà bài báo muốn hướng đến. Nếu bài báo viết cho tuổi "teen" (bây giờ "các bạn trẻ" nó khoái cái từ đấy), thì việc tác giả dùng từ đấy cũng là chấp nhận được. Từ ngoại lai thì nhiều, gom đũa cả nắm thì cũng không đúng lắm. Bản thân tôi cũng ghét ai viết báo dùng từ "hot" nên tôi không lấy lại trong ví dụ của mình. Còn chẳng hạn từ blog, bạn dịch sang tiếng Việt thì liệu có mấy người hiểu là bạn đang nói đến blog? Tương tự với các từ xi-căng-đan phải chăng tiếng Việt không có từ tương ứng? Tại sao người ta dùng email thay vì "thư điện tử"? Tôi không hề nói với bạn rằng dùng nhiều từ ngoại là văn minh, thậm chí tôi còn rất ghét kiểu "nữa nạc nữa mỡ" ấy. Nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận kiểu dùng "teen, blog, style (xì-tin?), mode (mốt)..." vì nó được đa phần giới trẻ dùng.
Còn về việc vay mượn từ gốc tiếng Anh cho các từ khoa học công nghệ thì không phải bàn rồi. Bản thân tôi thì thấy dùng thẳng ngay tiếng Anh còn dễ hiểu và giúp người đọc dễ tra cứu hơn là dùng tiếng Hán Việt.
Dùng tiếng Anh nếu tốt hơn thì cũng ok. Thực tế trên thế giới đều như vậy, chứ không phải riêng gì VN mình.
Nhưng mà thế này, thí dụ tên "Hải Nam" nó viết là "Hai Nam" thì chẳng sao, nhưng mà bày đặt viết "Haï Nam" hay là "Haî Nam" thì không chấp nhận được. Điều này đã xảy ra !thông
Cái ieeeXplore giờ vẫn không vào search được. Nhưng anh nvqthinh xem thử xem khi tìm "wi-fi" và "wifi" liệu nó có ra cùng kết quả không (đọc trong bài viết xem nó viết gì) ! Các công cụ tìm kiếm có thể xem 2 cái là một ở một mức độ nào đó.
Đang phân vân về dấu cách hàng nghìn là "." hay " " nên đang tìm tài liệu.
Hôm nọ đi ra nhà sách tìm sách giáo khoa để đọc lại thì không thấy đâu, toàn bộ SGK đã hết chỉ còn sách nâng cao ! Đọc các sách khác và các từ điển thì cũng không thấy chỗ nào nói tới điều này. Nhưng có vẻ sách báo đa phần dùng dấu "."
Mình thấy tối nhất là nên dùng dấu chấm "." để phân cách phần nghìn vì theo cách này bài viết có vẻ đẹp hơn vì nếu phân cách bằng khoảng trắng thì tự dưng trống ở giữa các con số nhìn kỳ lắm. Với lại theo mình thì đơn vị "inch" nên đổi ra "cm" hoặc "mm", tương tự như các đơn vị tiền tệ nên đổi ra USD hết, đơn vị trọng lượng thì đổi ra "kg" hoặc "g" vì theo mình thấy người Việt Nam quen thuộc với các cách tính đơn vị này hơn.
Một chút ý kiến đóng góp.
Bạn Vĩnh Duy góp ý rất chính xác.
Nếu có khoảng trắng giữa các con số, đôi khi dãy số đó bị chia tách ra làm hai dòng và nhìn rất buồn cười (ví dụ 1 000 sẽ bị tách ra thành 1 và 000).
Nếu viết có dấu chấm thì sẽ không xảy ra tình trạng này vì nó được coi là một từ.
Về đơn vị, rất đồng ý (và đã làm) là khối lượng thì đổi ra "g", "kg".
Tiền tệ thì tùy. Vì đổi ra USD còn tùy thuộc tỉ giá của thời điểm thông tin (ví dụ có thông tin về số tiền tính theo francs năm 1999 chẳng hạn thì cũng khó lòng tìm cách đổi ngược ra USD được). Tất nhiên nếu đổi được thì quá tốt.
Với đơn vị chiều dài. Việt Nam mình cũng quen với "inch" đó chứ. Tiện thì ta đổi, không thì ta cho vào trong ngoặc. Nhỉ?
Regards,
QM
Thực ra tui thấy nếu để đơn vị inch thi không ai thắc mắc nhưng đâu phải ai cũng nhớ 1 inch bằng bao nhiêu cm đâu.
Học ở trên trường toàn dùng đơn vị m, hay cm thì tốt nhất là nên đổi về các đơn vị này cho dễ hình dung.
Đơn vị tiền tệ thì thường sẽ là tiền USD nhưng nếu dùng $ thì có được không ?
Về đơn vị inch thì tùy, nếu là màn hình (đường chéo) thì đơn vị inch được dùng rất rộng rãi. Còn về kích thước (dày, dài, ngang) thì mm, cm lại phổ biến hơn.
Về dấu "." hay " ", chắc chúng ta nên theo ".", vì những lí do mọi người trình bày ở trên. Riêng phần xuống dòng, thực ra là do mình quy định thôi. Nếu mình bảo "50 000" là một con số thì nó không xuống dòng. Còn hiện tại đang dùng chuẩn tiếng Anh. Cũng như mình không định nghĩa "99 cm" phải viết cùng một dòng, nên đôi khi nó xuống dòng.
Còn về đơn vị tiền tệ, $ là đô la, chứ không phải đô la Mĩ (là chữ S và 2 dấu sổ đứng hoặc US$). Đúng là nói chung nên quy đổi sang USD.
Có lẽ các bác nên thảm khảo thêm vấn đề qui ước trước khi quyết định. Có những cái nên dùng theo chuẩn quốc tế ví dụ như inch, có cái nên dùng chuẩn VN. Theo mình, nên ưu tiên đầu tiên là cái ai cũng hiểu, ra ngoài hàng điện tử mà thằng bán hàng nói cái TV này cỡ 106 cm chắc em bóp cổ nó chết luôn. Tiếp theo là ưu tiên chuẩn quốc tế, tiếp đến là chuẩn quốc gia. Ở VN thỉnh thoảng có nói "ao xơ" (hay ao bèo) ;D gì đó để nói đến trọng lượng vàng bạc, tuy là chuẩn quốc tế nhưng người VN không hiểu thì nên đổi. Tiếp đến thế này, không nên cái gì cũng đổi bởi vì trong một bài viết mà có nhiều con số chẳng nhẽ phải kè kè cái máy tính bên cạnh nhân chia ra hay sao?
Uỵch, vô tình tìm thấy quy ước viết số do ISO quy định, phù hợp với những gì được trình bày trong SGK tiểu học (lớp mấy thì tôi quên mất, 20 năm rồi còn gì). Theo đó, ISO 31-0 (xem tóm tắt tại http://bit.ly/dgsNmd vì muốn tải đầy đủ thì phải trả tiền) quy định:
- Dấu phân cách phần thập phân là chấm (.) hoặc phẩy (,)
- Nếu số, có thể tách các nhóm (thường là 3 chữ số một) bằng khoảng trắng. Không bao giờ được dùng dấu chấm hoặc phẩy.
Tuy nhiên, có thể thấy là dù ISO quy định thế, nhưng điểm trên thì ok, còn điểm dưới chẳng ai tuân theo.
Nhưng chắc chắn là trong tiếng Việt thì:
- Dấu phẩy (,) để phân cách phần thập phân
- Dấu chấm (.), khoảng trắng ( ) để tách số dài cho dễ đọc, hoặc viết sát cũng được.
Mệt các bác quá!
Trong thời buổi bây giờ dấu má là do người nào đó lên làm "sếp" chỉ đạo. Sếp chỉ oánh dấu vào đâu thì ta oánh vào đó, oánh nhầm không bị người Việt chử thì đã bị "sếp" cho vào hàng ngũ giám không nghe lời. Vậy các bác phải nghe ai ? Còn các nhà khoa học giảng dạy tại các trường Đại học thì "Sách ông ông dạy" lấy kiến thức sách khác thì .... sao các bác hiểu rồi.
Tốt hơn hết nên đi học tiếng nước ngoài nào đó, càng khó càng tốt. Thống nhất vậy nhé.
Mấy nhà báo à ?
Thấy trên Ti vi không, mấy đứa lộn xộn vô văn hóa lên dẫn chương trình, tiếng mẹ đẻ còn chưa rõ mà nói thỉnh thoảng pha lẫn cả tiếng nước ngoài, Văn hóa và ngôn ngữ Việt nghèo đến mứa không diễn đạt nổi mấy ý vậy sao. Hay là bác Giám đóc truyền hình quá tệ không biết điều này mà vẫn duyệt cho "xuất bản" mấy cái chương trình đó (mấy chương trình của HTV). Văn hóa Việt đó