Trong năm qua, đã không ít lần cộng đồng CNTT Việt “dậy sóng” bởi những ý kiến nhận xét, bình luận thuộc loại “hàng độc”.

Đầu năm mới 2012, TTCN xin điểm lại 10 phát ngôn ấn tượng đã làm nóng cộng đồng CNTT năm 2011 do ICTnews tổng hợp.

1. TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT

Việc cổ phần hóa MobiFone cần làm càng sớm càng tốt vì quyền lợi đất nước. Việc cổ phần hóa này đã bị chậm và nếu chậm sẽ mất đi cơ hội cho MobiFone. Việc cổ phần hóa là bước tiến ngoạn mục của nền kinh tế và nó cũng giống như cô gái đẹp có 3 thời kì: kiêu hãnh, kêu gọi và kêu trời.

2. TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT (nay là Bộ TT&TT)

Hiệu quả quản lí và đầu tư viễn thông còn có những hạn chế nhất định khi hầu hết các doanh nghiệp lớn đều là doanh nghiệp Nhà nước, hơn 90% tài sản của mạng viễn thông Việt Nam đều của Nhà nước. Có thể liên tưởng “bức tranh” thị trường hiện nay giống như một gia đình có một ông bố cho các con ăn riêng rồi để các con cạnh tranh với nhau. Khi đó chưa thể có sự cạnh tranh thực sự.

3. TS. Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT

Nguồn nhân lực CNTT- TT Việt Nam chỉ thiếu đúng 1 người. Tuy nhiên, đó lại là người quan trọng nhất: thủ trưởng, người đứng đầu, nhà lãnh đạo. Còn nhân lực số đông để thực hiện và triển khai, thì Việt Nam không hề thiếu.

4. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM

Các địa phương nên có kiểm tra xử lí, tăng cường công tác tuyên truyền về mặt tích cực của Internet, hướng dẫn sử dụng Internet sạch, đừng xem Internet là ngành nghề nhạy cảm, quản lí như quản lí karaoke. Nhiều địa phương xem quy hoạch các điểm Internet giống như quy hoạch karaoke là không đúng.

5. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel

Mấy năm qua, nội dung số phát triển chủ yếu dựa trên tin nhắn SMS. Nếu nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP) làm được những nội dung mà các nhà mạng không thể làm được, thì kể cả CP đề xuất thu 90% doanh thu nhà mạng cũng chấp nhận.

6. Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc VTC

Ảnh
Nguyen Lam Thanh.jpg

Đường truyền quốc tế đắt hơn hẳn đường truyền quốc nội. Khi các nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể sinh ra tiền như Voice, IP... gia tăng thì nhà mạng sẽ "bóp" ngay đường truyền của những dịch vụ không tạo ra tiền mà tiêu tốn băng thông như Facebook, YouTube. Tầm 30 Tết chắc chắn không bao giờ truy cập được vào Facebook vì lúc đó rất nhiều Việt kiều gọi điện về trong nước, các nhà mạng sẽ ưu tiên đường truyền cho dịch vụ thoại để thu tiền.

7. Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel

Tham gia hoạt động hợp tác công - tư (PPP) với các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp phải lần mò tìm cách giải nhiều bài toán phức tạp.

8. Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Bkav

Khoảng cuối những năm 1990, khi Việt Nam kết nối Internet, tôi vẫn cho rằng tên miền quốc tế.com là "vớ vẩn", vì thấy tên miền loại này bán với giá vài đôla Mỹ và giao dịch chỉ hoàn toàn qua Internet. Trong khi đó, tên miền .vn thì phải đăng kí với VNNIC nên có cảm giác "đàng hoàng" hơn. Đó là quan điểm cách đây cả chục năm, thực sự là một sự ấu trĩ.

9. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA)

Muốn người dân nông thôn dùng Internet thì phải lôi kéo họ dần dần. Cần thỏa mãn nhu cầu nội dung thông tin của người nông dân trước khi kéo họ theo những nội dung mình muốn cung cấp cho họ. Nói cách khác thì nên cho họ ăn cái họ thích rồi mới hướng dẫn họ ăn thứ mình cho là tốt cho họ, tránh trường hợp ép họ ăn những thứ họ không thích.

10. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT VN (VECOM)

Ảnh
Nguyen Thanh Hung.jpg

Hiện nay dù số lượng thẻ tín dụng khá cao nhưng hầu hết chỉ được người sử dụng dùng để rút tiền mặt, tỉ lệ người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng như một phương tiện thanh toán còn “khiêm tốn”. Đây chính là rào cản rất lớn cho việc mở rộng quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)