Trong thời gian gần đây, các tính năng liên quan đến ứng dụng và kho phần mềm hỗ trợ cho các thiết bị di động đang phát triển mạnh mẽ. Một vài hãng công nghệ thậm chí hứa hẹn sẽ bán smartphone, tablet rẻ hơn cả giá thành sản xuất và thu lợi từ việc bán ứng dụng. Vì thế cuộc chiến hệ sinh thái ứng dụng được xem sẽ là chiến trường khốc liệt của các hãng di động trong năm 2012.

Bán ứng dụng, lãi to!

Trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động, nếu xét về mặt ứng dụng phụ trợ được chia ra thành hai dạng, dạng thuần túy bán các thiết bị phần cứng mà Nokia là đại diện tiêu biểu nhất và dạng bán phần cứng kèm với việc hỗ trợ kho ứng dụng cho người dùng về sau này – Apple là tên tuổi nổi tiếng nhất xét về mặt này. “Trong trường hợp của Nokia, hơn 20 năm trong lĩnh vực sản xuất điện thoại, Nokia tập trung duy nhất vào việc thiết kế máy, nâng cấp phần cứng cho máy chứ rất ít quan tâm đến ứng dụng. Hãng giao việc sản xuất ứng dụng phụ trợ cho các đối tác bên ngoài thực hiện. Nếu xét kĩ thì hãng chỉ đảm nhận phát triển duy nhất hệ điều hành Symbian và… chỉ có vậy. Microsoft cũng làm thế khi họ chỉ phát triển hệ điều hành Windows và để mảng ứng dụng lại cho các bên thứ ba làm”, Cnet phân tích, “giải pháp này giúp cho các thiết bị phần cứng ấy nổi tiếng hơn trong giới lập trình viên và qua những người có tiếng nói thuộc dạng “chuyên gia” này.

Sau một thập niên dài phát triển, Apple đã tạo được bước ngoặt lớn khi cung cấp hệ thống App Store với số lượng rất lớn các ứng dụng mạnh mẽ. Mặc dù Apple nổi tiếng nhất nhưng thực tế, đi tiên phong trong việc cung cấp kho ứng dụng cho người sử dụng phải là RIM với dòng điện thoại thông minh BlackBerry dành cho giới doanh nhân. “Tuy vậy, với những chiến lược quảng cáo và kinh doanh ấn tượng cùng chế độ hậu đãi đặt biệt cho giới lập trình viên, Apple nhanh chóng vượt qua RIM để đứng đầu kho ứng dụng trực tuyến dành cho người sử dụng.

Doanh số ấn tượng mà Apple thu được từ việc bán ứng dụng của người… khác trên App Store của mình đã khiến các nhà sản xuất khác không thể ngồi yên một chỗ. Nokia nhanh chóng xây dựng hệ thống Ovi Store, Samsung cũng lập được kho ứng dụng kha khá, Android thì mở cùng lúc tới 3 kho ứng dụng để các lập trình viên đưa các sản phẩm của mình vào đó trong khi Microsoft nâng cấp kho Market với chất lượng tốt hơn. Kẻ đi tiên phong BlackBerry cuối cùng cũng chấp nhận để các bên thứ ba tham gia vào kho App của mình.

Cuối năm 2011, tại Hội nghị LeWeb diễn ra tại Paris, Eric Schmidt – CEO của Google tự tin tuyên bố chiến thắng của nền tảng Android trước đối thủ chính iOS trên thị trường smartphone. “Số lượng sản phẩm của chúng tôi nhiều hơn, giá thành rẻ hơn và có nhiều hãng đối tác tham gia sản xuất hơn và chúng tôi đang chiến thắng. Android hiện đang vượt lên trước iPhone”. Câu phát biểu được trích dẫn sau khi nhiều cơ quan khảo sát thị trường cho biết thị phần Android OS đang bám rất sát iOS của Apple.

Thế nhưng một chuyên gia cho rằng “Tôi không nghĩ Google hay bất kì hãng nào có thể bám kịp Apple trong thời gian này. Dĩ nhiên, nếu tính về số lượng sản phẩm đang được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường, Android chiếm ưu thế hơn hẳn so với iOS. Tuy nhiên, nếu Android có phần lép vế hơn đối thủ, đó chính là thiếu đi sự ưu tiên của các lập trình viên ứng dụng, khi mà đa phần các lập trình viên giỏi đều chú trọng vào xây dựng ứng dụng cho iOS hơn là Android hay bất kì một hệ điều hành nào khác”, chuyên gia này kết luận.

Khác biệt là điều cần thiết

Để có thể tạo được thế chủ động trên chiến trường ứng dụng, những quân bài chiến lược lần được mở ra trong thời gian này. Samsung khi biết Nokia đang có ý định bỏ rơi Symbian, ngay lập tức họ bắn tiếng muốn mời tất cả những lập trình viên của Symbian về làm với họ, cụ thể là phát triển nền tảng Bada (Tháng 3/2011). Khi HP khẳng định khai tử WebOS, Microsoft đã thông báo muốn triệu tập các chuyên gia đã làm nên WebOS về với mình. Google thông báo sẽ trao cho các nhà phát triển ứng dụng nhiều % lợi nhuận hơn khi bán ứng dụng trên chợ ứng dụng của mình…

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, một trong những yếu điểm khác của Android hay các hệ điều hành khác so với iOS đó chính là thiếu các ý tưởng. Sinh thời, Steve Jobs đã rất tức giận khi thấy Google “đánh cắp” các ý tưởng trên iOS cho nền tảng Android và tuyên bố sẽ tiến hành “chiến tranh hạt nhân” để tiêu diệt Android của Google. Eric Schmidt đã từ chối bình luận liệu Android có thực sự sao chép các tính năng của iOS hay không và chỉ nói tránh: “Sự thực thì Android được hình thành trước khi iPhone ra đời”. Apple cũng cáo buộc Amazon “chôm chỉa” kho ứng dụng của họ. Sony lập ứng dụng giả lập cho phép người dùng sử dụng smartphone iPhone có thể mua các ứng dụng của họ mà không thông qua Apple. Trong khi đó, các nhà phân tích thì lại khẳng định các OS cho di động thường sao chép lẫn nhau và lẽ tất nhiên, một ứng dụng có trên iOS thì nhanh chóng sau đó sẽ có trên Android, BlackBerry, Windows Phone… “Sẽ có lúc các ứng dụng bão hòa”, DailyTech kết luận.

Và đó là lí do mà lần đầu tiên, khi Amazon tham gia thị trường máy tính bảng, hãng đã bán rẻ tablet Kindle Fire của mình để lấy lại lợi nhuận từ việc bán ứng dụng. Song song triển khai bán rẻ TouchPad, HP thông báo đang chuẩn bị cho việc nâng cấp kho ứng dụng của mình.

Cuộc chiến nền tảng cho các ông lớn vẫn đang tiếp diễn từng ngày, năm 2011 đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc của nền công nghiệp phần mềm. Năm 2012 sẽ là năm của cuộc chiến phát triển ứng dụng cho các nền tảng trở nên nóng hơn khi Android tung ra bản 4.0, iOS 5 đang định hình trong người dùng với những ứng dụng thiết thực như Siri, hay BBX của Blackberry… Việc mở rộng kho ứng dụng, tạo các ứng dụng khác biệt sẽ cung cấp nhiều chọn lựa cho người dùng khi quyết định chọn nền tảng phần cứng thiết bị di động của mình.

Theo Thế Giới Số 145



Bình luận

  • TTCN (0)