Ngày 11/01, trên trang tin điện tử của AP (Associated Press) có đăng một thông tin chỉ vỏn vẹn có 2 dòng chữ. Tuy vậy, với cá nhân tôi nói riêng và (tôi nghĩ) với đa số bạn đọc nói chung, có lẽ cái tin này lại là một tin đáng đọc, đáng xem, đáng nghiền ngẫm và đem lại nhiều thông tin hơn rất nhiều so với phần nội dung chính mà hai dòng chữ kia muốn truyền tải.
Phong cách AP
Bạn đọc có thể dễ dàng tìm được bài báo đó được giới thiệu từ trang news.yahoo.com.
Toàn văn tiếng anh của bài báo như sau:
"Correction: Asus Eee review
In a Jan. 10 review of the Asus Eee PC, The Associated Press erroneously described the laptop's screen size. It measures 7 inches diagonally, not 5 inches."
Nội dung của bài báo được tạm hiểu là:
"Đính chính: Đánh giá về Asus Eee
Trong bài đánh giá về Asus Eee hôm 10/01, chúng tôi (The Associated Press) đã đưa thông tin sai về kích thước của màn hình máy tính. Nó có kích thước tính theo đường chéo là 7 inchs chứ không phải là 5 inchs"
Và quả nhiên, khi tôi tìm lại bài báo gốc của họ, tôi thấy rằng bài báo đã được sửa lại "... I'm not tossing my larger notebook computer, which I'll continue to use for editing photos and for other tasks that feel constrained on the Eee PC's tiny, 7-inch screen...".
Vậy là hãng tin AP đã phát hiện và sửa lại thông tin trong bài báo gốc của mình. Ngoài ra, họ đã cho đăng hẳn một "bài báo" vỏn vẹn có hai dòng chữ để đính chính thông tin. Thật là một việc làm đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa. Cái ý nghĩa không chỉ nằm ở khía cạnh đúng đắn của thông tin mà tờ báo muốn đảm bảo cho người đọc (7 inchs thay vì 5 inchs) mà nó còn nằm ở khía cạnh tôn trọng bạn đọc, tôn trọng quy tắc báo chí và tôn trọng chính bản thân họ.
Những điều học hỏi
Việc AP đính chính bài báo chính là để đảm bảo một nguyên tắc tối cao của báo chí: thông tin đúng sự thật. Viêc sửa lại thông tin trong bài báo gốc sẽ đảm bảo quyền lợi được thông tin đúng đắn cho những người đọc sau. Còn với những người đã đọc thì sao? Họ cũng phải được đảm bảo thông tin đúng đắn chứ? Vậy là phải đính chính rồi. Tuy nhiên, một tờ báo lớn mà phải đính chính thì "ê mặt" lắm? Và cuối cùng, dù ê mặt thì AP cũng phải làm và AP cũng đã làm!
Với cá nhân tôi, việc làm này sẽ không hề khiến AP ê mặt trước bạn đọc. Ngược lại, AP còn chiếm được cảm tình nhiều hơn vì sự dũng cảm của mình, vì sự sáng suốt của mình. Bởi bạn đọc biết những lỗi thông tin như trên luôn có thể xảy ra với một sự bất cẩn nho nhỏ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Lỗi thông tin này đă được phát hiện nhanh chóng chứng tỏ AP nắm bắt được phản ứng của người đọc rất nhanh chóng. Ngoài ra, một lỗi của bài báo không nhằm vào một mục đích nào, càng không nhắm đến một ý đồ xấu nào thì sẽ dễ dàng được bạn đọc thông cảm và bỏ qua. Miễn là nơi đưa tin phải có hành xử thích đáng.
Các hãng tin, dù lớn dù nhỏ, nếu biết dẹp bỏ cái "tôi" của mình, biết tỏ ra sự dũng cảm của mình sẽ luôn chiếm được cảm tình của số đông độc giả.
Một vài mong muốn...
Để bảo vệ cho uy tín của mình và đồng thời đảm bảo các quyền lợi được thông tin trung thực của người tiếp nhận thông tin, các hãng truyền thông báo chí nói chung, các trang tin điện tử nói riêng luôn luôn phải thận trọng trước các thông tin mà họ sẽ đăng tải trên các phương tiện truyền thông của họ.
Tuy vậy, không phải khi nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Dù là một hãng tin danh tiếng, với những phóng viên kì cựu, những biên tập viên chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm, tất cả đều có thể sẽ mắc lỗi khiến cho thông tin đến được với người người đọc bị sai lệch.
Trong trường hợp phát hiện đã đăng tải thông tin sai, các phương tiện truyền thông báo chí phải cư xử làm sao để người đọc, người chịu ảnh hưởng của thông tin sai đó không mất niềm tin vào tin tức, không mất niềm tin vào tòa soạn và có cảm giác được hài lòng với "lời xin lỗi" được đưa ra dưới nhiều hình thức đặc thù khác nhau.
Mong rằng báo chí nói chung, báo chí Việt Nam nói riêng (và trang tin điện tử TTCN nói riêng hơn nữa) cố gắng học hỏi, giữ gìn được phong cách này. Tôi tạm gọi là phong cách báo chí "vì bạn đọc"
Thành Việt
Bình luận
Nếu là blog thì sửa sao cũng được, có thể thêm ghi chú cuối bài.
Còn là báo điện tử có 3 cách sửa:
- sửa và im lặng
- sửa và đăng thông báo
- sửa và ghi chú phía dưới
Cách thứ 3 dường như khó khăn hơn cách thứ 2. Vì bài đăng thông báo chỉ có một lượt người đọc nhất định, trong khi đó ở cách 3 nó mang dấu vết mãi mãi. Dù vậy, cả 2 cách này đều thể hiện phong cách chuyên nghiệp
Đúng, đây là một phong cách rất chuyên nghiệp và mình cũng rất muốn học hỏi. Mình thích những trang báo như thế này :). Hiện tại khá buồn là một số trang báo điện tử ở Việt Nam còn một lỗi sai rất cơ bản đối với báo chí: sai chính tả. Mình rất ghét lỗi này, nó thể hiện một sự không chuyên nghiệp và không tôn trọng đối với người đọc. Không biết họ có duyệt bài trước khi đăng không...