Thị trường ĐTDĐ đạt mức tăng trưởng cao - Ảnh: D.Đ.M.

Hệ thống cửa hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) Nettra đã đóng cửa chỉ sau khoảng 1 năm hoạt động rầm rộ. Ngay cả siêu thị ĐTDĐ Phát Tiến - một trong những siêu thị ĐTDĐ đầu tiên tại TP.HCM cũng đã chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác. Đó là chưa kể đến hàng loạt các cửa hàng bán ĐTDĐ không tên tuổi đã nhanh chóng phải rẽ hướng làm ăn khi không chịu nổi được sự cạnh tranh khốc liệt.

Cạnh tranh bán sỉ

Theo ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường GfK Asia, số lượng ĐTDĐ tiêu thụ tại Việt Nam cả năm 2007 đạt khoảng 6,2 triệu sản phẩm, tăng khoảng 35% so với năm 2006 và vẫn giữ mức tăng trưởng 30% trong những năm kế tiếp. Đây quả là một "miếng bánh" hấp dẫn cho các nhà kinh doanh. Trong năm 2007, Công ty bán lẻ FPT (FPT Retail) thuộc Tập đoàn FPT đã ra đời và đồng loạt khai trương các cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội chuyên doanh hàng công nghệ số, trong đó ĐTDĐ là một mặt hàng chủ lực. FPT vốn được biết đến là một "đại gia" trong lĩnh vực bán sỉ ĐTDĐ từ nhiều năm qua tại thị trường Việt Nam thông qua việc làm nhà phân phối của nhiều hãng ĐTDĐ lớn như Samsung, Nokia, Vertu, Motorola... Đây là hoạt động mang lại doanh thu và lợi nhuận khá cao cho tập đoàn này. Trong tổng doanh thu thuần năm 2006 của FPT hơn 11.690 tỉ đồng, doanh thu của dịch vụ phân phối ĐTDĐ đạt trên 50%.

Giữa năm 2007, Công ty cổ phần du lịch dầu khí (Petrosetco) cũng đã trở thành nhà phân phối chính thức ĐTDĐ Nokia tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc kinh doanh này, Petrosetco đã thành lập Xí nghiệp viễn thông dầu khí - PV Telecom. Nếu như tổng doanh thu của Petrosetco năm 2006 đạt 617 tỉ đồng, thì với mảng kinh doanh mới này, doanh nghiệp đã đặt ra mức phấn đấu với tổng doanh thu khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó hoạt động phân phối sẽ chiếm một nửa doanh số trên.

Sân chơi này trước đó còn có sự hiện diện của Viettel với lợi thế về việc cung cấp dịch vụ trọn gói từ thiết bị đầu cuối đến mạng sử dụng cho người dùng. Đó là chưa kể các nhà cung cấp dịch vụ khác như HTMobile, S-Fone, EVN Telecom... cũng bắt đầu có những chính sách cung cấp thiết bị cho người sử dụng kèm luôn dịch vụ mạng để lôi kéo khách hàng. Thị trường phân phối điện thoại thực tế còn có sự hiện diện của các công ty nhỏ hơn cũng chiếm lĩnh được những thị phần nhất định. Đó là P&T với Sony Ericsson; An Bình với Dopod, BenQ-Siemens; Rồng Thái Bình Dương với O2; Thành Công Mobile với VK-Mobile, Innostream, Pantech... Theo phân tích của một số công ty chứng khoán và quỹ đầu tư, lĩnh vực phân phối ĐTDĐ có mức lãi trung bình gần 2%. Đây không phải là mức lãi cao, nhưng hấp dẫn ở chỗ thị trường có tốc độ tăng trưởng rất cao.

So kè về giá

Trong khi có thêm nhiều gương mặt mới tham gia bán sỉ ĐTDĐ thì sau 4 năm hoạt động, hệ thống siêu thị bán lẻ ĐTDĐ Phát Tiến Mobile đã chuyển sang kinh doanh xe máy. Ông Trần Tuấn Anh - Phó giám đốc Công ty Phát Tiến - cho biết: "Tỷ suất lợi nhuận trong hoạt động này quá thấp, nên chúng tôi phải chuyển hướng kinh doanh. Hơn nữa, với thuế suất nhập khẩu 5% và thuế giá trị gia tăng 10% thì việc bán hàng chính hãng cũng còn gặp nhiều khó khăn khi hàng xách tay vẫn tràn ngập thị trường". Không chỉ cạnh tranh với hàng xách tay, hàng lậu mà ngay bản thân các siêu thị ĐTDĐ cũng phải cạnh tranh quyết liệt vì sự ra đời của hàng loạt cửa hàng mới. Điều đó dẫn đến cuộc cạnh tranh về giá quyết liệt, so kè từ 5.000 - 10.000 đồng/sản phẩm. Theo ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị Thế giới di động, mức lời của một chiếc ĐTDĐ bán được chỉ dưới 50.000 đồng. "Thậm chí tại các tỉnh như Cần Thơ chúng tôi phải bán hòa vốn mới giữ được thị phần", ông Huân nói.

Hầu hết các siêu thị, cửa hàng ĐTDĐ đều lo lắng khi "đại gia" FPT vừa tham gia vào phân khúc này, vừa cung cấp sỉ lại vừa có "gà nhà" bán lẻ. Bà Nguyễn Bạch Điệp - Phó giám đốc Công ty FPT Mobile - thì cho rằng thị trường đủ lớn để ai cũng có thể có cơ hội làm ăn. "Hệ thống bán lẻ của FPT cũng có lựa chọn các khách hàng mục tiêu của mình và không chỉ tập trung vào mỗi ĐTDĐ. Hơn nữa, các công ty phân phối ĐTDĐ của FPT vẫn phải chứng tỏ năng lực phân phối của mình với các hãng và quan trọng là chứng minh được khả năng hỗ trợ đại lý một cách minh bạch và hết lòng. Thu nhập của chúng tôi phụ thuộc vào sự ủng hộ của hệ thống đại lý chứ không phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của hệ thống bán lẻ", bà Điệp nói. Sự cạnh tranh trên thị trường này được dự báo sẽ còn gay gắt hơn nữa khi các công ty nước ngoài có thể tham gia phân phối trực tiếp vào năm 2009.

Theo Mai Phương - Thanh Niên



Bình luận

  • TTCN (0)