Tuyển sinh CNTT gần đây gặp nhiều khó khăn, cho thấy ngành CNTT giờ không còn hấp dẫn thí sinh như trước nữa…
Thừa trường lớp đào tạo CNTT
Có thể nói, thời kì cao trào nhất của ngành học CNTT là những năm 2000 – 2004. Khi đó, CNTT được xem là ngành học thời thượng, bởi sự mới mẻ, hấp dẫn, lương cao… Nhà nhà hướng con em học CNTT, người người dự thi CNTT và nhan nhản trường mở dạy học CNTT.
Thậm chí trong hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM đều đã có khoa CNTT thuộc các trường như Khoa học Tự nhiên, Bách Khoa…nhưng Đại học Quốc Gia TP.HCM còn mở thêm hẳn một trường đào tạo về CNTT là Trường Đại học CNTT!
Chạy theo xu hướng và phong trào này, tháng 7/2007 thí sinh có thêm một lựa chọn để học CNTT. Đó là Trường Đại học CNTT Gia Định. Trường cũng chuyên đào tạo về CNTT…
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 1995, cả nước mới chỉ có 7 khoa CNTT nhưng đến nay có khoảng 133 trường đại học, 153 trường cao đẳng và 351 trường trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo CNTT.
Với việc mở ra nhiều khoa, nhiều trường đào tạo về CNTT vào thời điểm nghề CNTT là nghề "thời thượng", các trường đã không lường được tình trạng ngành CNTT giờ không còn thu hút thí sinh như trước.
Điều này được minh chứng cụ thể qua quá trình tuyển sinh của các trường có khoa CNTT từ 2009 trở lại đây. Điểm chuẩn của ngành CNTT, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) năm 2009, 2010 là 14,5 (NV1) thì đến năm 2011 chỉ còn 14 điểm. Tại trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, điểm chuẩn ngành này cũng giảm dần qua các năm: 2008 lấy 19,5 điểm, năm 2009 xuống còn 18,5 điểm, năm 2010 là 17,5 điểm và năm 2011 chỉ còn 16,5 điểm.
Năm 2007, điểm chuẩn ngành CNTT của trường ĐH Đà Lạt là 15 điểm và từ năm 2008 đến nay luôn lấy bằng mức sàn: 13 điểm…
Rõ ràng, các trường đang rất vất vả trong việc tuyển sinh cho ngành CNTT. Mức điểm chuẩn qua các năm ngày càng hạ thấp nhưng vẫn không thu hút thí sinh. Việc hạ thấp điểm chuẩn còn để lại hệ lụy là chất lượng đầu vào kém và khi ra “lò” sinh viên không đáp ứng được công việc thực tế mà doanh nghiệp yêu cầu. Thực tế, rất nhiều sinh viên ngành CNTT ra trường không có việc làm hoặc phải làm trái ngành. Trong khi đó nhu cầu sử dụng lao động ngành CNTT trong các doanh nghiệp vẫn đang thiếu. Các nhà tuyển dụng đi tìm đỏ mắt không ra những người đáp ứng được công việc yêu cầu…Và bài toán “thừa lượng thiếu chất” vẫn sẽ còn tiếp diễn…
Liệu các trường có đủ kiên nhẫn để duy trì và tiếp tục với ngành học này không, khi mà chỉ tiêu đặt ra nhưng tuyển không đủ, hạ điểm xuống rất thấp để mong tuyển cho đủ?? Đây cũng là nỗi lo của trường ĐH CNTT Gia Định hiện nay. Trường chỉ mới hoạt động được hơn 4 năm nay đã phải xin đổi tên trường thành ĐH Gia Định để mở thêm ngành mới thu hút thí sinh. Theo lãnh đạo trường này, nếu chỉ đào tạo chuyên về CNTT thì trong vài năm tới, sẽ không có đủ lượng thí sinh để trường tồn tại.
Giải pháp đối phó
Chứng kiến cảnh các trường tuyển sinh ngành CNTT quá chật vật, năm nay Bộ GDĐT dự kiến sẽ cho các trường thi tuyển sinh bổ sung thi thêm khối A1. Khối này gồm các môn thi là Toán, Lí, Ngoại ngữ. Khối được mở ra nhằm thu hút thêm thí sinh chủ yếu cho ngành CNTT.
Hiện Bộ GDĐT tuy chưa có quyết định chính thức việc thêm khối thi này nhưng nhiều trường công và tư đều đã lên phương án tuyển thêm khối này để hút thí sinh. Các trường như: ĐH Văn Lang; ĐH Lạc Hồng; ĐH Quốc tế Hồng Bàng; Các ngành học khối A truyền thống của ĐH Kĩ thuật công nghệ năm nay đều tuyển khối A1; Học viện Bưu chính Viễn thông tuyển sinh khối A, A1, D1. Trường này giữ ổn định chỉ tiêu hệ chính quy, giảm chỉ tiêu liên thông.
Mùa tuyển sinh năm nay thí sinh còn có thêm cơ hội trong xét tuyển. Bộ GDĐT đang dự kiến sẽ chỉ quy định mức điểm sàn chứ không quy định về số đợt xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển mỗi đợt. Các trường được chủ động tổ chức tuyển nhưng không vượt chỉ tiêu đã xác định và điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn.
Chủ trương này được thực thi, các trường sẽ được tuyển nhiều đợt cho đến khi đủ chỉ tiêu. Thí sinh sẽ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng bản sao của giấy này để đăng kí vào nhiều trường khác nhau. Thí sinh chỉ phải sử dụng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cho trường nào mình trúng tuyển và quyết định nhập học.
Mong rằng, những giải pháp mới này sẽ giúp cho việc tuyển sinh của ngành CNTT năm nay thuận lợi và suôn sẻ hơn để Đề án 1 triệu nhân lực CNTT của Nhà nước đến năm 2020 đạt được kết quả tốt.
Một số chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT năm 2012
ĐH FPT năm 2011 có gần 12.000 sinh viên theo học ở mọi cấp học, ngành học, với mức tăng trưởng gần 40% mỗi năm. Trong mùa tuyển sinh 2012 - 2013, ĐH FPT dự kiến tuyển thêm 2.000 sinh viên hệ đại học. Đối tượng tuyển sinh của trường là tất cả các học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sẽ tốt nghiệp THPT trong năm 2012. Trường miễn thi tuyển cho các học sinh nhận học bổng Nguyễn Văn Đạo, thành viên đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế hoặc đạt từ giải ba trở lên các môn Toán, Lí, Hóa, Sinh, Tin học, Anh văn trong các kì thi học sinh giỏi lớp 12 toàn quốc năm 2011 và 2012.
Kì thi tuyển sinh của ĐH FPT được tổ chức vào ngày 8/4/2012. Nội dung thi đối với Khối ngành kĩ thuật sẽ trắc nghiệm toán, tư duy logic (tiếng Việt) trong 120 phút, viết luận (tiếng Việt) trong 60 phút; Khối ngành kinh tế: trắc nghiệm toán và tư duy logic, IQ, kiến thức xã hội (tiếng Việt) trong 120 phút, viết luận (tiếng Việt) trong 60 phút. Trường cũng sẽ xét cấp khoảng 200 suất học bổng toàn phần hoặc bán phần cho các thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, có thành tích đặc biệt cấp quốc gia hoặc đạt điểm cao trong kì thi tuyển sinh. Các thông tin chi tiết tham khảo thêm tại http://www.fpt.edu.vn.
Năm nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM có 200 chỉ tiêu tuyển sinh ngành kĩ thuật điện tử, truyền thông (điện tử Nano, máy tính và mạng, viễn thông, điện tử y sinh; Và 550 chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành CNTT (truyền thông và mạng máy tính; khoa học máy tính; kĩ thuật phần mềm; hệ thống thông tin). Trường còn có một số chương trình đào tạo như: "Chương trình cử nhân tài năng", tuyển sinh nhóm ngành CNTT, ngành toán - tin, hóa học, vật lí, điện tử viễn thông. Đối tượng được tham gia chương trình là thí sinh trúng tuyển hoặc tuyển thẳng nguyện vọng 1 kì thi ĐH chính quy vào trường có nguyện vọng học hệ cử nhân tài năng.
Trường ĐH CNTT năm nay có chỉ tiêu tuyển sinh là 710, tăng 7,6% so với năm trước.
"Chương trình tiên tiến", tuyển 50 sinh viên vào ngành CNTT theo chương trình của Trường Đại học Portland, bang Oregon, Hoa Kì. Giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Chi tiết tham khảo thêm tại http://www.apcs.hcmus.edu.vn.
"Chương trình đào tạo CNTT bằng tiếng Pháp". ĐH KHTN hợp tác với Đại học Claude Bernard Lyon 1 (Pháp) tuyển 50 sinh viên hệ chính quy. Sinh viên theo học chương trình này có cơ hội nhận hai bằng cử nhân do hai trường đại học nói trên cấp và có khả năng học tiếp bậc thạc sĩ (master) ở UCBL1. Chương trình đào tạo từ xa qua mạng, đối tượng học là thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Tham khảo thêm tại http://www.e-learning.vn.
"Chương trình cử nhân quốc tế", tuyển sinh hai ngành: CNTT (hợp tác với ĐH AUT, New Zealand); Kinh doanh quốc tế (hợp tác với ĐH Keuka, Mỹ). Đối tượng xét tuyển: tốt nghiệp THPT. Hình thức đào tạo: toàn thời gian tại Việt Nam, các môn chuyên ngành do giáo viên nước ngoài qua giảng dạy. Bằng cấp: cử nhân đại học do trường đối tác cấp. Thông tin liên hệ: Trung tâm Đào tạo quốc tế - ITEC, www.itec.hcmus.edu.vn.
Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cũng có 330 chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành CNTT (kĩ thuật máy tính, khoa học máy tính tuyển 330 chỉ tiêu. Trường cũng có các Chương trình liên kết đào tạo quốc tế: Tuyển sinh bậc đại học (liên kết với các đại học Mỹ, Úc, Nhật) các ngành: Quản lí, Điện - Điện tử, CNTT, kĩ sư Dầu khí; Xây dựng, Hóa - Hóa dược... Học phí năm 2012: từ 1.200-1.600 USD một học kì với chế độ cho vay để theo học và chế độ khen thưởng riêng. Văn bằng do nước ngoài cấp. Đào tạo từ xa qua mạng ngành CNTT và các hình thức đào tạo không chính quy khác (VLVH ) tổ chức tuyển sinh 2 đợt vào tháng 3 - 4 và 10 - 11 hàng năm.
Theo PCWorld VN
Bình luận
Tiêu đề đã đủ hay chưa?
Tôi nghĩ tiêu đề nên thêm 3 chữ "ở Việt Nam" có lẽ mới chuẩn.
Mặc dù phân tích rất chi tiết về vấn đề này, nhưng vẫn chưa thật sự là một bài viết có sức thuyết phục cho thấy CNTT đã hết hấp dẫn.
Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là bài toán : "thừa lượng thiếu chất mà thôi".
Ngành CNTT đòi hỏi ai phải có đam mê tìm hiểu về nó thì mới thành công được. Và hầu như ngành nào cũng như vậy cả.