Nhiều giải pháp hay về ứng dụng CNTT hỗ trợ giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai đã được các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo chiều 17/2. Ảnh: X.B.

Nhiều giải pháp công nghệ cao đã phát huy hiệu quả trong việc giám sát môi trường và cảnh báo thiên tai tại Nhật Bản có thể giúp các địa phương ở Việt Nam giảm thiệt hại thiên tai.

Tại hội thảo "Ứng dụng CNTT nhằm nâng cao mức độ an toàn phát triển kinh tế xã - hội" do Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số - Bộ TT&TT phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế về tin học hóa - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức chiều 17/2/2012 ở Hà Nội, các doanh nghiệp Nhật Bản đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích về khả năng giảm nhẹ thiệt hại thiên tai nhờ các hệ thống giám sát, cảnh báo đã được triển khai thực tế tại Nhật.

Điển hình như Hệ thống cảnh báo lũ lụt và Hệ thống cảnh báo sóng thần của công ty Hiatchi. Theo mô tả của ông Michio Morioka, Giám đốc Văn phòng Phát triển và Kế hoạch Chiến lược, Công ty Hitachi, Hệ thống cảnh báo lũ lụt đưa ra những mô phỏng về thiên tai, lũ lụt dựa trên thông tin dữ liệu về mưa và nước trên các dòng sông được thu thập thông qua hệ thống GIS theo vùng (có nhiều thông tin dữ liệu ở các cấp độ khác nhau). Kết quả dự báo có ngay sau 10 – 15 giây kể từ khi thu thập được dữ liệu.

Còn Hệ thống cảnh báo sóng thần có thể mô phỏng được những thiệt hại bởi sóng thần, dự báo được những khu vực bị ngập qua việc sử dụng thông tin từ các trạm vệ tinh ngoài khơi và các hệ thống cảnh báo tín hiệu khác. Khi động đất xảy ra, hệ thống vệ tinh định vị sẽ đo cường độ sóng và chuyển thông tin tới các trạm thu phát trên đất liền.Thông tin sẽ nhanh chóng được xử lí tại các trạm giám sát và đưa ra cảnh báo để có thể giảm thiểu thiệt hại.

Một hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần khác cũng gây được sự chú ý của hội thảo, đó là sản phẩm của Công ty NEC. Minh chứng cho năng lực của hệ thống, ông Satoshi Yamamoto, Trưởng Phòng Chiến lược Kinh doanh nước ngoài, Bộ phận Kế hoạch giải pháp hạ tầng xã hội của Công ty NEC cho biết: Hệ thống cảnh báo sớm động đất của NEC hoạt động dựa trên các địa chấn kế. Khi có động đất, địa chấn kế ở tâm chấn bắt được sóng rồi phân tích dữ liệu địa chấn theo thời gian thực, sau đó đưa ra cảnh báo thời gian rung chấn, cường độ ở từng khu vực khác. Thông tin cảnh báo được chuyển tới người dân thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình hoặc hệ thống viễn thông di động. Còn hệ thống cảnh báo sóng thần cũng sử dụng thông tin mô phỏng để đưa ra cảnh báo sóng thần trong vòng 3 phút sau khi động đất xảy ra. Những hệ thống phòng ngừa rủi ro thảm họa thiên tai của NEC đã được cung cấp cho Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (GMA). Những thông tin cảnh báo sớm từ GMA sẽ được truyền qua hệ thống J-Alert tới các địa phương với nhiều phương thức truyền tin như hệ thống loa phát thanh hoặc gửi tin nhắn tới điện thoại di động của từng người dân ở những khu vực cần cảnh báo.

Đánh giá cao công nghệ của Nhật Bản, ông Hoàng Lê Minh, Giám đốc Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số (Bộ TT&TT) cho biết thực tế thời gian qua, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số đã triển khai rất nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ song phương Nhật Bản - Việt Nam để ứng dụng CNTT hỗ trợ giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai tại Việt Nam. Một số dự án được nghiên cứu và thí điểm tại một số địa phương đã bước đầu có hiệu quả, trong đó điển hình là Dự án thí điểm xây dựng hệ thống hạ tầng mạng giám sát môi trường, cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai tại Đà Nẵng và Cần Thơ do Viện hợp tác triển khai với Tập đoàn Panasonic Nhật Bản. Dự án đã khai thác tối đa lợi thế công nghệ giải pháp iDragon Cloud (cũng do Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số xây dựng, triển khai) để vận hành hiệu quả hệ thống cảm biến đo mực nước biển và giám sát hoạt động tàu thuyền,... nhằm thu thập các dữ liệu môi trường.

Được biết Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 5 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, với hàng chục cơn bão nhiệt đới và đợt lũ lớn mỗi năm. Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ TT&TT rất quan tâm đến vấn đề ứng dụng CNTT trong giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)