Các nhà khoa học gần đây đã đưa ra tuyên bố rằng việc phát hiện ra một hố đen có kích thước trung bình được bao phủ bởi một nhóm các ngôi sao trẻ là bằng chứng cho thấy các hố đen đã từng “lang thang” trong các thiên hà khác.
Được phát hiện năm 2009, hố đen HLX-1 có kích thước gấp 20,000 lần mặt trời nằm ở vùng ngoại biên của thiên hà xoắn ốc ESO 243-49, cách trái đất 290 triệu năm ánh sáng. Đây là hố đen có kích cỡ trung bình lần đầu tiên được tìm thấy. Theo nghiên cứu được công bố tuần này, hố đen, được biết với cái tên HLX – 1, được bao phủ trong một cụm sao trẻ, có độ tuổi ước tính thấp hơn 200 triệu năm tuổi. Các nhà khoa học tin rằng các cụm sao được hình thành là kết quả của một vụ va chạm giữa thiên hà lùn và thiên hà xoắn ốc ESO 243-49. Điều đó có nghĩa là hố đen HLX-1 có thể đã từng là lõi của một thiên hà lùn.
Nghiên cứu này rất có ý nghĩa trong việc tìm hiểu về việc các thiên hà và các hố đen có kích cỡ siêu lớn, chẳng hạn như những hố đen nằm ở trung tâm của thiên hà Milky Way, được hình thành như thế nào. Theo Discovery, Mathieu Servillat, Trung tâm Vật lí học thiên thể Harvard-Smithsonian tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên, chúng tôi có bằng chứng về nguồn gốc của hố đen có kích thước trung bình này”.
Trong khi sự sụp đổ của những ngôi sao khổng lồ có thể hình thành các hố đen có kích cỡ gấp 10 lần mặt trời, các nhà khoa học vẫn không chắc chắn được các hố đen có kích thước siêu lớn được hình thành như thế nào. Một trong những lí thuyết mà họ xây dựng lên là chúng được hình thành theo thời gian bằng cách sát nhập với các hố đen nhỏ hơn và các hố đen có kích thước trung bình – như hố đen HLX – 1.
Theo VietNamNet
Bình luận