Netbook từng được tung hô như một ngôi sao trong lĩnh vực thiết bị điện toán di động. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của máy tính bảng, liệu nó có còn tồn tại được lâu nữa?
Có ai còn quan tâm tới netbook? Những máy tính xách tay vừa túi tiền, nhẹ, pin lâu và dùng cho các tác vụ đơn giản như lướt web giờ đây đang chìm vào quên lãng tại các quầy hàng. Doanh số của netbook tụt dốc khá mạnh so với năm 2010 là xu hướng chung trên toàn thế giới.
Khi netbook ra đời năm 2007, nó có vẻ là lựa chọn lí tưởng cho những ai hay di chuyển và thích hợp chủ yếu cho việc lướt web, các tác vụ trực tuyến hay các công việc văn phòng nhẹ nhàng. Hiệu năng của nó được giới hạn một phần bởi bộ vi xử lí sử dụng cho netbook là những vi xử lí Intel Atom thế hệ đầu tiên. Thêm vào đó, phiên bản hệ điều hành rút gọn Windows cũng không hoàn toàn thích hợp cho thiết bị này. Với bộ nhớ RAM 1 GB và bàn phím nhỏ cộng thêm thực tế là phần lớn netbook có màn hình kích cỡ 7-10 inch và độ phân giải kém, thiết bị này đã không chiếm được cảm tình của người dùng.
Tuy có hạn chế về mặt cấu hình, song hồi ấy netbook đã tạo nên một thị trường ngách trong lĩnh vực máy tính xách tay. Nó có thiết kế hơi thô song lại nhẹ và giá hợp lí, cộng thêm với việc ra đời của Wi-Fi chuẩn 802.11n nhanh và ổn định. Tất cả những yếu tố đó khiến cho netbook trở thành món hàng "hot" đối với các nhà sản xuất. Nhiều doanh nghiệp mau chóng đổ xô vào lĩnh vực này hòng chiếm được thị phần lớn hơn trong một thị trường ngách tiềm năng. Nhanh chân nhất phải kể tới Asus với sản phẩm Eee PC, được coi như chiếc netbook đầu tiên chính thức được giới thiệu tới người dùng.
Doanh số netbook tụt giảm
Tại thời điểm hiện nay, doanh số netbook đang tụt thê thảm. Các “tay chơi” lớn như Dell đã ngừng bán dòng sản phẩm này, còn HP thì có vẻ định hướng cho mẫu netbook Mimi1104 tập trung dành cho lĩnh vực giáo dục (một kiểu từ thiện?). Người ta vẫn còn thấy netbook trên các kệ hàng tại các siêu thị điện máy và các gian hàng trực tuyến, song các mẫu mới thì ít một cách thảm hại. Riêng người tiên phong khai phá thị trường netbook là Asus có vẻ còn lưu luyến với thị trường này khi vẫn bán ra một số sản phẩm. Nhà phân tích David Daoud của IDG lưu ý rằng doanh số netbook đã "giảm nghiêm trọng” kể từ đầu năm 2010 tại thị trường Mỹ và sau đó là toàn thế giới.
Các con số trong biểu đồ trên đây cho thấy doanh số bán ra của netbook tại thị trường Mỹ tính theo triệu chiếc (nguồn :IDC). Có thể thấy doanh số giảm mạnh và sẽ còn tiếp tục giảm. Thị trường thế giới cũng tuân theo xu hướng này.
Doanh số netbook tăng trong suốt năm 2010 tại khu vực Tây Âu, nhưng sau đó đã giảm mạnh trong năm tiếp theo. Hiện giờ chỉ còn thị trường Mỹ La-tinh là vẫn tiêu thụ được netbook. Nói chung, sản phẩm đình đám một thời này giờ chỉ còn có thể bán ở khu vực các nước đang phát trỉển. Nhưng ngay tại các khu vực này, có lẽ netbook cũng sẽ sớm lụi tàn. Hãy xem doanh số netbook toàn cầu trong biểu đồ sau để thấy rõ xu hướng này.
Điều xảy ra với netbook chính là minh chứng rõ ràng cho hiện tượng các công nghệ mới ra đời khiến cho các công nghệ cũ bị tiêu vong. Ngay từ khi ra mắt, người dùng netbook đã chỉ ra các vấn đề liên quan tới hiệu năng, bàn phím chật chội và màn hình có chất lượng hiển thị kém. Sau đó các nhà sản xuất “sửa sai” bằng cách tăng kích cỡ màn hình, song đi cùng với nó là giá sản phẩm lại tăng và không thu hút được người dùng.
Nguyên nhân suy vong của netbook
Nguyên nhân quan trọng nhất được nhắc tới đầu tiên chính là sự ra đời của iPad vào tháng 4/2010. Kể từ đó và sau khi Apple tung ra iPad 2 vào Q1/2011, doanh số netbook suy giảm rõ rệt. Nhưng như thế không có nghĩa là sự suy giảm này hoàn toàn có nguyên nhân từ việc người dùng bỏ không mua netbook đắt đỏ để chuyển sang mua iPad có giá hợp lí hơn.
Theo chuyên gia phân tích Daoud thì sự sụt giảm nhanh chóng này là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau. Ông nói: ”Đầu tiên là sự ghét bỏ của người dùng đối với các thiết bị có màn hình kém và bàn phím nhỏ. Vừa khéo đây cũng là lúc Apple thu hút sự chú ý của công chúng vào phân khúc máy tính bảng với sản phẩm iPad đình đám của mình. Trong khi đó, ngành công nghiệp máy tính truyền thống (PC) lại đang tái cơ cấu tập trung nguồn lực vào những sản phẩm có tỉ suất lợi nhuận cao hơn như ultrabook và các thế hệ máy tính bảng sau này. Tất cả những yếu tố này đã làm cho thị phần của netbook co lại một cách thảm thương”.
Nói cách khác, sự suy giảm của netbook có nguồn gốc chủ quan từ việc tự thân sản phẩm không hấp dẫn người dùng, tính năng nghèo nàn và thiết kế không bắt mắt. Về mặt khách quan thì có thể nói iPad của Apple lúc ấy đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu của thị trường điện toán di động. Thêm nữa, một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là tỉ suất lợi nhuận của netbook quá ít khiến cho các nhà sản xuất không còn mặn mà với sản phẩm này.
Người phụ trách marketing cho mảng sản phẩm tiêu dùng của Dell là Brian Pitstick nói rằng netbook không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng và cũng không đáp ứng được yêu cầu về giá thành sản xuất. Ngay đến Asus, doanh nghiệp đang còn bán một số sản phẩm trên thị trường cũng nhận thức được vấn đề này. Giám đốc marketing của hãng này, ông Kevin S. Huang nói: ”Asus đã tạo ra phân khúc netbook trên thị trường, nhưng tôi nghĩ rằng ngày nay netbook là một giải pháp điện toán kinh tế dành cho những phân khúc người dùng nhất định, kiểu như thị trường dành cho giáo dục K-12”.
Các nhà sản xuất chuyển hướng sang ultrabook
Intel là một trong những người hưởng lợi nhiều nhất từ sự ra đời của netbook với việc cung cấp bộ vi xử lí Atom cho hầu hết các netbook bán ra. Kathryn M. Gill của Intel nói rằng hãng cũng nhận thức được về sự suy giảm của thị trường netbook nhưng vẫn tin tưởng vào tiềm năng của các thị trường khác.
Bà cho biết: ”Intel cho rằng các dòng sản phẩm khác nhau như netbook, máy tính bảng, máy tính lai và ultrabook đều có các vị trí và giá trị riêng của nó. Thị trường thiết bị điện toán toàn cầu đang tăng trưởng chứ không hề suy thoái. Hay nói cách khác, trong tương lai chúng tôi nhận thấy các thiết bị sẽ cùng tồn tại và phục vụ các nhu cầu khác nhau của người dùng với các mức giá khác nhau. Chúng tôi tin rằng các bộ vi xử lí Clover Trail và Cedar Trail thuộc thế hệ chip Medfield 32 nm sẽ thắng lớn trong năm 2012”.
Apple cũng phải chịu trách nhiệm một phần về sự suy vong của netbook với việc tung ra "siêu mẫu” MacBook Air hấp dẫn vào cuối năm 2010. Dòng máy siêu mỏng này có các mẫu máy 11 inch và 13 inch thay cho mẫu máy 13 inch đắt đỏ trước kia. Mẫu máy 11,6 inch có giá bán 999 USD tại Mỹ và MacBook Air đã giúp Apple gặt hái vô khối thành công, khiến cho Intel phải nhảy vào cuộc cạnh tranh với dòng máy ultrabook hiện tại. Để có thể mau chóng tạo ảnh hưởng trên thị trường, Intel đã lập hẳn một quỹ hỗ trợ phát triển ultrabook và lôi kéo các nhà sản xuất vào cuộc. Về phía các nhà sản xuất, họ cũng hưởng ứng nhiệt liệt vì có được hướng kinh doanh mới có thể có lợi nhuận cao hơn.
Tương lai nào cho netbook?
Khởi nguồn của netbook có thể coi là dự án Mỗi trẻ em một laptop - One Laptop per Child (OLPC), một dự án hỗ trợ giáo dục. Và đây có thể chính là chốn nương náu cuối cùng của netbook, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Nhưng ở phân khúc này, netbook có vẻ cũng không yên ổn trước sự đe dọa của làn sóng các máy tính bảng giá rẻ chạy hệ điều hành Android.
Netbook hiện vẫn chưa hoàn toàn diệt vong, song hãy thử nhìn vào chức năng cơ bản của nó (nhiều người còn cho rằng đây là chức năng chính) là một thiết bị lướt web gọn nhẹ. Chức năng này đã được máy tính bảng thay thế một cách xuất sắc. Ở các nhu cầu điện toán di động cao hơn, ultrabook (cả Macbook Air) sẽ là mối quan tâm chính của người dùng.
Theo PCWorld VN
Bình luận
Phong độ là nhất thời, chỉ có phù hợp mới trường tồn
Thời gian sẽ nói lên tất cả! Không ai biết trước được điều gì? Tôi vấn thích netbook hơn tablet! Và người viết có khảo sát có bao nhiêu % thích tablet hơn netbook và nhu cầu về tablet là nhất thời, là phong trào hay là..........? Và nếu như netbook có thêm những chức năng của tablet thì sao?