Cả Microsoft và Apple đều đang cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc biến những chiếc máy tính cá nhân trở nên giống các thiết bị di động hơn bằng việc cải tiến các hệ điều hành mới của mình là Windows 8 và Mountain Lion.
Những ngày này, cả làng công nghệ thế giới và người tiêu dùng dường như đang “phát sốt” vì smartphone. Thiết kế tinh tế và các ứng dụng chạy trên loại thiết bị di động này trở thành chủ đề đáng quan tâm nhất, mang tính thời sự nhất. Điều đó khiến cho máy tính xách tay và máy tính để bàn trở nên lép vế hơn hẳn.
Và kết quả là máy tính bỗng nhiên được “nhào nặn” để trông giống với điện thoại hơn.
Microsoft và Apple, hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang đi tiên phong trong cuộc cách mạng này. Hôm qua, đúng như tuyên bố, Microsoft đã chính thức trình làng phiên bản thử nghiệm Beta cuối cùng của Windows 8, hệ điều hành mới nhất của hãng dành cho máy tính và máy tính bảng. Điều đáng nói là nền tảng này lại bắt chước giao diện và tính năng của hệ điều hành mới dành cho điện thoại mà hãng vừa trình làng. Gần đây, Apple cũng đã vừa trình làng bản thử nghiệm cho các nhà phát triển của hệ điều hành Mac OS X mới nhất dành cho máy tính cá nhân có tên gọi Mountain Lion với nhiều tính năng mới tương tự như trên iOS, hệ điều hành dành cho iPhone và iPad.
“Tất cả sự cải tiến lớn dành cho máy tính cá nhân đang đến từ điện thoại di động”, Tim Coulling, một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Canalys khẳng định.
Cả Apple và Microsoft đều hi vọng chiến lược này sẽ giúp họ có thêm đòn bẩy trong thị trường máy tính bảng và smartphone vốn đang ngày càng phát triển để cạnh tranh với thị trường máy tính cá nhân. Chiến lược mới này cũng giúp hai hãng bán được nhiều máy tính hơn, hoặc trong trường hợp của Microsoft là bán được nhiều phần mềm cho máy tính hơn.
Đơn giản như việc người nào đó đã mua một chiếc máy tính bảng iPad hoặc iPhone có thể sẽ tính đến việc mua luôn một chiếc máy tính Mac nếu các thiết bị này hoạt động liền mạch với nhau và có các tính năng hoạt động cùng một cách trên cả hai thiết bị. Đối với Apple giữa bối cảnh chỉ nắm trong tay một thị phần ít ỏi của thị trường máy tính cá nhân, có thể đây là một lợi thế lớn.
Trong trường hợp của Microsoft, công ty này cần phải bảo vệ ngôi vị bá chủ bấy lâu nay của mình trong lĩnh vưc hệ điều hành dành cho máy tính bằng phần mềm đủ linh hoạt để chạy trên máy tính bảng.
Ý tưởng về một “hoạt động điện toán liên tục” trên nhiều thiết bị khác nhau từ lâu đã trở thành “một sự hứa hẹn của tương lai”, Carolina Milanesi, Phó chủ tịch nghiên cứu mảng thiết bị di động của Gartner nói “Nhưng bây giờ, ý tưởng này rất quan trọng để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng”.
Hiện tại cả Apple và Microsoft đều đang phải đối đầu với cùng một kẻ thù chung, đó là Google. Gã khổng lồ tìm kiếm Internet đang sở hữu hệ điều hành di động phổ biến nhất có tên Android nhưng lại không có được vị thế mạnh mẽ trong lĩnh vực phần mềm dành cho máy tính. Và để làm được điều đó, một phần nằm trong chiến lược của Google là cung cấp các trang web và dịch vụ trên Internet gắn liền với các thiết bị Android. Trong tuần này, Google đã công bố một phiên bản của trình duyệt web Chrome cho phép người dùng đồng bộ hóa các hoạt động tìm kiếm trên Internet giữa các thiết bị di động và máy tính của họ.
Trong trường hợp của Mountain Lion, Apple đã trang bị thêm một vài tính năng mới mà trước đây vốn chỉ dành cho các thiết bị di động. Apple đã cải tiến phần mềm iChat của máy Mac với một tên gọi mới Messages và phần mềm này có thể làm việc với phần mềm nhắn tin iMessage trên iPad và iPhone.
Mountain Lion cũng sẽ có thêm Notification Center, một tính năng di động giống như trên iOS. Theo đó, các thông báo trên Notification Center được sắp xếp theo ứng dụng.
Với Windows 8, nguồn cảm hứng của Microsoft được lấy từ hệ điều hành Windows Phone dành cho smartphone. Windows 8 sử dụng giao diện cảm ứng tương tự như Microsoft đang dùng trên Windows Phone. Giao diện Metro trên Windows 8 với các khung ứng dụng có thể được tùy biến theo ý người dùng.
Windows 8 được thiết kế để chạy trên cả các thiết bị máy tính bảng hoạt động chỉ thông qua màn hình cảm ứng và trên nhiều máy tính truyền thống hơn được kiểm soát chủ yếu bằng bàn phím và con chuột. Giám đốc điều hành Microsoft từng hứa hẹn rằng phần mềm này đều hoạt động suôn sẻ trên cả màn hình cảm ứng và máy tính thông thường.
Người dùng Windows 8 có thể chuyển từ giao diện Metro sang màn hình desktop Windows truyền thống nếu họ muốn. Bill Flora, một nhà thiết kế của Microsoft từng tham gia vào việc phát triển Metro cho hay Microsoft cần phải mang lại cho người dùng cả hai tùy chọn này bởi công ty không muốn mất thị trường rộng lớn còn lại, ở đó không có những người sử dụng Windows truyền thống.
Tại một sự kiện của Microsoft mới đây, Steven Sinofsky, chủ tịch bộ phận Windows đã miêu tả Windows 8 là “một sự định hình hoàn toàn mới của Windows” vì nó tạo ra một “trải nghiệm OS thống nhất qua các thiết bị”.
Steven Sinofsky tiết lộ Microsoft đang hi vọng Windows 8 sẽ mê hoặc người tiêu dùng “Đây là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi”, Steven nhấn mạnh.
Đối với Microsoft, vốn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh số phần mềm máy tính bán ra và chưa có một sản phẩm điện thoại hay máy tính bảng gây được tiếng vang lớn trên thị trường, sự thay đổi này không chỉ về mặt thiết kế. Nó có thể có một vấn đề sống còn và những động thái táo bạo của công ty phần nào cho thấy những mối đe dọa mà họ đang phải đối mặt.
“Microsoft không thể cạnh tranh với Apple nếu sử dụng phiên bản cũ của Windows vì vậy họ phải thiết kế lại từ đầu”, Chetan Sharma, một nhà phân tích mạng không dây độc lập nói.
Theo các số liệu gần đây từ Canalys, Apple hiện chiếm tới 64% thị trường máy tính bảng toàn cầu, trong khi Android nắm 32% còn Microsoft có chưa đến 2%. Trên thị trường smartphone, Microsoft chỉ có 1,5% trong khi Apple có tới 19% và Android chiếm gần một nửa thị trường.
Đối với cả Apple và Microsoft, việc gắn kết máy tính và các thiết bị di động lại với nhau để tính cùng một mức phí thuê bao hàng tháng đối với các dịch vụ điện toán đám mây như lưu trữ dữ liệu, âm nhạc hay phim ảnh chạy trên nhiều thiết đó.
Dữ liệu người tiêu dùng bổ sung được thu thập thông qua các dịch vụ này có thể mở ra các cơ hội kinh doanh khác như quảng cáo nhắm vào đúng đối tượng hơn hoặc phiếu giảm giá điện thoại di động.
“Họ có thể gắn việc kinh doanh máy tính để bàn với việc kinh doanh di động và máy tính bảng”, Sharma nói “Việc đó mang lại sự hiểu biết hơn hành vi người tiêu dùng và thời điểm nào để trình chiếu một quảng cáo trên desktop hoặc một thiết bị di động”.
Sharma cũng cho biết thêm việc người tiêu dùng sử dụng rộng rãi nhiều thiết bị cùng một lúc có thể mang lại cho Apple và Microsoft khả năng thương lượng tốt hơn khi tiến hành kí kết các thỏa thuận với các công ty sản xuất nội dung mỗi khi có các dịch vụ mới được ra mắt.
Bên cạnh đó, cả Apple và Microsoft đều đã mượn khái niệm các cửa hàng ứng dụng trực tuyến dành cho các thiết bị di động để tạo ra các dịch vụ tương đương cho hệ điều hành máy tính. Đây là những dịch vụ trực tuyến tập trung, nơi người dùng có thể duyệt, mua và tải về các ứng dụng. Apple đã khởi động Mac App Store cách đây hơn một năm còn Microsoft thì mở cửa cái mà họ gọi là Windows Store vào giữa tuần này.
Theo Dân Trí/NYTimes
Bình luận