Thế giới ảo, phiếu giảm giá/quà tặng gửi qua ĐTDĐ và đầu đọc mã vạch tích hợp trong "dế" là những công nghệ mới mà giới bán lẻ cần phải nắm bắt, nếu như còn muốn cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hiện nay.
Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) đã lớn tiếng giục giã các thành viên "đón đầu hi-tech" để "nổi bật trong đám đông và cải thiện doanh thu", nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang khá u ám.
Làn sóng mới
"ĐTDĐ sẽ làm thay đổi cách người tiêu dùng đi mua sắm, và các doanh nghiệp bán lẻ của Mỹ cần phải sẵn sàng tiếp nhận thực tế này", Phó Chủ tịch Pat Conroy khẳng định.
"Lấy thí dụ, khi đi mua quần áo, họ có thể chụp hình chính mình bằng ĐTDĐ, sau đó post lên mạng để bạn bè tư vấn bộ cánh nào là hợp nhất".
Mạng Internet ngày càng trở nên tương tác, trong khi người dùng ngày càng dành nhiều thời gian, cũng như tiền bạc cho những thế giới ảo kiểu như Second Life, Webkinz.
"Những công nghệ này sẽ buộc cửa hàng phải tương tác với khách theo một cách hoàn toàn khác. Chúng sẽ làm thay đổi cách bạn quản lý thương hiệu của mình, cũng như cách tiêu dùng và chi tiền của người mua", ông Giff Constable, Tổng Giám đốc Electric Sheep - hãng chuyên thiết kế nội dung cho thế giới ảo Second Life phát biểu.
Lấy thí dụ, các khách hàng của McDonald tại Hàn Quốc giờ đây đã có thể mua đồ ăn qua ĐTDĐ. Khi nào suất ăn của họ được làm xong, điện thoại sẽ tự động reo chuông và khách hàng chỉ việc ra lấy mà không cần xếp hàng rồng rắn.
Lan rộng toàn cầu
Tại Trung Quốc, thương mại di động được dự đoán sẽ đạt 1000 tỷ USD vào năm 2010, trong khi ở Nhật Bản, rất nhiều mẫu ĐTDĐ đã được trang bị đầu đọc mã vạch để người dùng kiểm tra độ tươi sống của thức ăn.
"Châu Á đang dẫn đầu cuộc đua, nhưng thị trường Mỹ cũng đã bắt đầu rục rịch thay đổi", ông Conroy tuyên bố.
"Ranh giới phân biệt giữa người bán hàng với công nghệ đang ngày một nhạt nhòa", ông Philip Schoonover, Giám đốc điều hành Circuit City Stores - đại gia bán lẻ đồ điện tử gia dụng hàng đầu tại Mỹ - cho biết.
Tại CCS, các nhân viên bán hàng và tổng đài luôn sử dụng máy tính bảng để tìm kiếm sản phẩm, cũng như các thông tin có liên quan như ngày nhập kho, xuất xứ, tình trạng hiện tại...
Người ta cũng ghi nhận sự đầu tư hào phóng của nhiều tập đoàn lớn vào thế giới ảo, thí dụ như việc Walt Disney bỏ 350 triệu USD tiền mặt để thâu tóm Club Penguin, một thế giới ảo dành riêng cho trẻ em.
IBM quyết định tổ chức đào tạo, hội họp nhân viên ngay trong Second Life để tiết kiệm chi phí đi lại, tăng hiệu suất lao động....
Bóng ma suy thoái
Rất nhiều thương hiệu nổi danh đã xây dựng các cửa hàng ảo trong Second Life. Họ cũng chi không tiếc tiền cho những tấm pano quảng cáo cỡ bự bên trong thế giới này để khuếch trương thanh thế, quảng bá tên tuổi và cuối cùng là kích thích tiêu thụ.
Tuy những công nghệ mới rất hấp dẫn, song trước bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang lâm vào tình trạng bi quan như hiện nay, các doanh nghiệp cũng không dám dành ra ngân sách lớn để đầu tư cho chúng.
NFR dự đoán rằng doanh số bán lẻ tại Mỹ trong năm 2008 sẽ chỉ tăng 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây.
"Hầu hết ngân sách dành cho công nghệ của chúng tôi chỉ tập trung cho việc duy trì hoạt động hàng ngày, thí dụ như thanh toán tiền điện, bảo trì máy móc mà thôi", Giám đốc thông tin Michael Stores của Circuit City cho biết.
Ưu tiên số một của các hãng trong năm mới là thay thế hoặc nâng cấp hệ thống quản lý bán hàng/kho hàng, kế đến là thay thế máy thu ngân chứ không phải rót cho những công nghệ "mang tính viễn tưởng", cuộc thăm dò do IBM tiến hành cho biết.
Theo Trọng Cầm - VietNamNet
Bình luận