Nhờ được trang bị các hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa mà khá nhiều bệnh nhân ở bệnh viện tuyến dưới tránh được nguy cơ tử vong.
Thử nghiệm thành công
Sau một năm lắp đặt và vận hành thử nghiệm, ngày 22/3/2012 hệ thống chẩn đoán, chữa bệnh từ xa của TP.HCM chính thức đi vào hoạt động. Trong thời gian qua, việc sử dụng hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa bước đầu đã có hiệu quả nhất định.
Điển hình là ca bệnh tay chân miệng của một bé gái ở bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Bé Trương Thị Thúy An, 5 tuổi, ở TP.Bến Tre vào viện 19/7/2011, đến 21/7/2011 tình trạng bệnh chuyển biến nhanh chóng, tim ngừng đập, liệt chi. Sau khi hội chuẩn kết luận tay chân miệng cấp độ 4. Theo như bác sĩ tại bệnh viện này, nếu di chuyển bé lên bệnh viện TP.HCM thì có thể sẽ tử vong dọc đường. Vì vậy, các bác sĩ đã chọn sự giúp đỡ của các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM thông qua hệ thống chuẩn đoán bệnh từ xa. Với sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Nhi Đồng 1 bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đã cứu sống được bé gái. Ngày 28/7 bé đã được xuất viện và về đoàn tụ gia đình.
Ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá kết quả trên cho thấy hệ thống đã phần nào cứu sống được bệnh nhân kịp thời, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời hệ thống còn giúp việc đào tạo tập huấn đình kì và nâng cao năng lực các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới, chi phí điều trị cho bệnh nhân giảm, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân đối với cơ sở y tế ở địa phương.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng đây là biện pháp hữu hiệu giúp giảm tải bệnh viện trung tâm, bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, số tiền bỏ ra để hệ thống họat động có thể lớn nhưng có thể không bằng việc xây dựng các bệnh viện. Mặt khác, bệnh viện đó xây lên chưa chắc đã thu hút được người muốn chữa bệnh. Bởi lẽ, người bệnh khi nào cũng muốn tìm đến các bác sĩ giỏi, các trung tâm có uy tín. Để đáp ứng các điều kiện này không khó nếu các bệnh viện tuyến dưới áp dụng hệ thống chuẩn đoán bệnh từ xa này, có thể học hỏi kinh nghiệm từ các bác sĩ đầu ngành, hiệu quả mà ít tốn kém.
Cần xây dựng hệ thống văn bản pháp lí
Tuy nhiên, theo nhận xét của TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM, người đưa ra ý tưởng xây dựng hệ thống này, hệ thống mới chỉ thí điểm vận hành đơn giản là hội nghị truyền hình trực tuyến giữa các đầu cầu, việc vận hành hệ thống này còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, khó khăn đầu tiên đó là chưa có cơ sở pháp lí của nhà nước về quy định và trách nhiệm cho việc vận hành hệ thống này.
"Hiện nay, vì chưa có văn bản pháp lí chính thức nên việc quy định trách nhiệm đang vận dụng quy chế về hội chẩn, còn chi phí hỗ trợ cho bác sĩ trực thì vận dụng cơ chế trực của bệnh viện", TS.BS Lê Trường Giang.
Ví dụ như một ca mổ nguy hiểm ở bệnh viện tuyến dưới cần hỗ trợ được kết nối với tuyến trên, nếu cả hai kết hợp với nhau tốt và mổ thành công thì vui vẻ. Ngược lại, nếu xảy ra chuyện thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Trách nhiệm sẽ được phân định như thế nào? Như vậy, sẽ rất khó khăn cho đội ngũ bác sĩ.
Tiếp theo là kinh phí: phải có kinh phí hỗ trợ các chuyên gia, bác sĩ khi trực và phải thiết lập chi phí rõ ràng. Bởi lẽ, có ca trực ban ngày, có những ca lúc 1, 2 giờ đêm, có khi thì chỉ ngồi trực không do vậy cần có mức phí hỗ trợ phù hợp để bác sĩ chuyên tâm trong công việc.
Đường truyền cũng là vấn đề đáng quan tâm vì phải đảm bảo tốt 24/7 và phải mạnh để thông tin, hình ảnh truyền chính xác và rõ ràng.
Giai đoạn 2: thêm 11 tuyến hỗ trợ
Để đẩy mạnh hơn nữa việc vận hành tốt hệ thống và mở rộng phạm vi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM cho biết, sắp tới sẽ xây dựng cơ sở pháp lí để vận hành hệ thống. Nâng cấp công cụ mạnh hơn chuyên dùng trong điều trị từ xa (telemedicine). Nhân rộng thêm 11 tuyến hỗ trợ tại thành phố. Nhân rộng tuyến nhận hỗ trợ (tuyến cơ sở: 100 điểm) sử dụng các giải pháp trong nước (VNPT, Viettel, Viện khoa học Công nghệ quận sự) để nhân rộng điểm kết nối với chi phí phù hợp.
Ngoài ra, Hợp tác với Vettel xây dựng hệ thống thông tin y tế: Hệ thống thông tin y tế bệnh biện (HIS); Hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS); Hệ thống thông tin X – Quang (RIS). Hệ thống thông tin y tế công cộng: Hệ thống thông tin dự phòng; Hệ thống thông tin dịch tễ.
Theo PCWorld VN
Bình luận