Với sự phát triển của Internet cùng với thế hệ Web 2.0, người dùng đang tận hưởng những dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau hoàn toàn miễn phí như email, soạn thảo văn bản trực tuyến, chia sẻ nhạc, video,.... Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà những dịch vụ này mang lại. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái ngược. Bài viết này trích dịch một số ý kiến của một tác giả viết trên ReadWriteWeb để bạn đọc có thêm thông tin và có thể đưa ra những nhận định đánh giá cho riêng mình.
Mặt trái của những dịch vụ miễn phí
Chúng ta thường thích những gì miễn phí. Mọi người xếp hàng để được uống cà phê miễn phí, đăng ký một tài khoản ngân hàng miễn phí, và thích nhận quà miễn phí từ khi mua một chiếc xe hơi. Ai cũng thích được một thứ gì đó mà không phải mất tiền, mặc dù chúng ta đều biết rằng sự miễn phí chỉ là ảo. Sau khi chúng ta uống cà phê miễn phí, chúng ta phải trả tiền nếu muốn uống tiếp loại cà phê đó. Ngân hàng đang làm ra khối tiền từ việc đem đi đầu tư khoảng tiền mà bạn gửi vào tài khoản, và khi những nhà sản xuất xe hơn nhận được những lợi nhuận kết xù, thì việc tặng cho bạn một món quà nhỏ chẳng đáng là bao. Tuy nhiên dường như những gì miễn phí đang có một sự quyến rũ kỳ lạ. Thế nhưng, có bao giờ bạn nghĩ rằng những dịch vụ miễn phí đang dẫn ta vào một con đường nguy hiểm
Những nhà kinh doanh từ lâu đã nhận ra sự nhận ra sức hấp dẫn của sự miễn phí. Nhiều thập niên qua, những công ty đã sử dụng chiêu bài miễn phí để lừa những khách hàng cả tin. Nhưng hiện tại, sự ám ảnh của chúng ta đối với những dịch vụ miễn phí đã làm gia tăng một hiện tượng mới, nơi mà khách hàng không bao giờ được yêu cầu phải trả tiền. Dựa vào đâu? Đó chính là quảng cáo! Những nhà kinh doanh rất sẵn lòng trả tiền để được quảng cáo tới khách hàng của họ, những người thích những dịch vụ miễn phí, và dĩ nhiên các dịch vụ web trở thành một kẻ môi giới hoàn hảo.
Miễn phí có thật sự hợp lý?
Hầu hết các dịch vụ hiện nay là miễn phí. Điều đó có nghĩa là khách hàng sẽ không phải trả tiền và cách nhà cung cấp dịch vụ web kiếm tiền thông qua quảng cáo. Nguyên tắc là càng nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ, số lượt truy cập để xem quảng cáo càng nhiều, và nhà kinh doanh quảng cáo lại càng được lợi. Nhìn bề ngoài thì điều này thật hợp lý. Tuy nhiên, không hẳn là như vậy.
Trong hình thức báo giấy truyền thống, độc giả phải trả tiền để mua báo. Quảng cáo sau đó được đưa đến từng nhà. Tuy nhiên, ở những dịch vụ trực tuyến, thì phí đặt báo sẽ không còn nữa, còn những người đưa quảng cáo sẽ được thay thế bằng những bộ máy quảng cáo tự động. Vấn đề là, khi nền kinh tế đi xuống, thì quảng cáo sẽ là thứ đầu tiên bị các nhà kinh doanh cắt giảm. Khi đó những nhà cung cấp dịch vụ Web sẽ gặp khó khăn vì họ không thu được một món tiền nào khác ngoài quảng cáo. Trong khi đó, với dịch vụ báo giấy truyền thống thì họ vẫn thu được tiền từ độc giả.
Vấn đề thứ hai chính là Google. Hình thức pay-per-click trong quảng cáo trực tuyến của Google đã đi xa hơn nhiều so với những hình thức quảng cáo truyền thống đã từng gây ấn tượng với công chúng. Tuy nhiên, có bao nhiêu công ty có thể bắt chước được Google? Làm sao để cho người dùng click vào các quảng cáo vẫn đang là một nghiên cứu chiến lược của các nhà cung cấp dịch vụ web.
Khi miễn phí có nghĩa là xấu xa.
Trong khi chưa có gì khẳng định rõ ràng rằng phần lớn việc kinh doanh trong một nền kinh tế được hỗ trợ chỉ nhờ vào quảng cáo, thì chúng ta đã biết rằng sự miễn phí là một thứ vũ khí có sức mạnh ghê gớm đang nằm trong tay những công ty lớn. Lấy một ví dụ gần đây: IBM đã sử dụng dịch vụ miễn phí của mình để tiêu diệt thị trường phần mềm của đối thủ Java. Một ngày nọ, một vài người ở IBM ngồi lại và nghĩ về chuyện làm sao để bán ra nhiều hơn các sản phẩm của họ. Và họ đã tìm ra câu trả lời rằng bằng cách tung ra sản phẩm miễn phí, IBM có thể giết chết đối thủ của họ để có thể bán những sản phẩm đắt tiền nhất của IBM.
Eclipse và những công cụ đi kèm cho việc lập trình trên ngôn ngữ Java không thật sự hoàn hảo. Nhưng Eclispe đủ tốt để sử dụng vì nó miễn phí. Vì lý do đó, các công ty không muốn tiếp tục trả phí để sử dụng các phần mềm có phí, như Borland chẳng hạn, và chiến lược này của IBM đã thành công mỹ mãn.
Tuy nhiên, chiến lược này của IBM phải kết thúc trong một vài năm, vì sự phát triển của những phần mềm nguồn mở, mọi người không thấy sự xuất hiện tiếp tục của những phần mềm tương tự từ IBM. Một kết cục buồn sau chiến thắng của IBM là sự thiếu đi tính sáng tạo trong các công cụ phần mềm, bởi vì xét cho cùng thì ai lại muốn cạnh tranh với phần mềm miễn phí?
Từ miễn phí đến một đế chế.
Dĩ nhiên, IBM không phải là công ty lớn duy nhất nhận ra sức mạnh của sự miễn phí. Ông vua của các dịch vụ Web, Google đang phát triển sự ảnh hưởng của mình, cũng sử dụng một chiến lược giống như thế. Google đã đưa ra công cụ tìm kiếm tốt nhất của mình một cách miễn phí, cùng với việc đưa thêm quảng cáo vào các kết quả tìm kiếm, nhờ vậy chúng ta có thể kết nối đến kho thông tin khổng lồ của thế giới một cách hoàn toàn miễn phí.
Nước cờ tiếp theo, có vẻ không được tao nhã cho lắm, nhưng hoàn toàn hợp pháp mà Google tung ra đó chính là Gmail. Google muốn chúng ta có một dịch vụ Email tốt hơn và đơn giản hơn. Giải pháp là đưa quảng cáo vào Email. Ban đầu, người dùng cảm thấy lạ khi nhìn thấy quảng cáo trong các email của họ. Nhưng dần dần, chúng ta phải tập quen với những quảng cáo đó và chúng ta có thể sử dụng một dịch vụ email tuyệt vời.
Bước đi tiếp theo của Google – Google Office – thì hoàn toàn không công bằng. Trong một quá trình không ngừng nghỉ của Google để tổ chức lại những thông tin trên internet, Google cũng tìm cách để giết đối thủ của mình là Microsoft. Cũng giống như việc Microsoft đi theo Google trong lĩnh vực tìm kiếm, thì Google lại theo sau Microsoft trong lĩnh vực phần mềm văn phòng, một trong những cần câu tiền lớn nhất của Microsoft. Và để cạnh tranh với Microsoft, Google đã tung ra dịch vụ miễn phí. Đối với khách hàng, dịch vụ trực tuyến của Google là hoàn toàn miễn phí. Đối với doanh nghiệp, Google bán phần mềm với giá cực rẻ, gần như là miễn phí (Google không thể cung cấp miễn phí vì điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp lo lắng).
Vấn đề là Google có thể tiếp tục cho ra các dịch vụ miễn phí bởi vì lợi nhuận từ dịch vụ tìm kiếm của họ. Nhưng đây là một trò chơi nguy hiểm, nơi mà Google có thể dễ dàng chiến thắng từ số tiền khổng lồ trong tài khoản của Google. Đây là một cách cạnh tranh không công bằng của Google, mặc dù một số người vẫn thích tính năng gọn nhẹ của Google Docs hơn so với bộ Office nặng nề của Microsoft. Tuy nhiên, với cách cạnh tranh đó, thì điều gì sẽ xảy ra đối với những đối thủ cạnh tranh một cách công bằng và không thủ đoạn? Và trong tương lai, nếu Google muốn nhảy vào thị trường thương mại điện tử, gã khổng lồ này sẽ đánh bại Amazon bằng việc cung cấp sách miễn phí? Chúng ta có thể làm gì để phản ứng lại?
Một thế hệ của sự miễn phí.
Đáng buồn thay, rất nhiều người nghĩ rằng những quyển sách miễn phí từ Google là điều tuyệt vời. Xét cho cùng, trong một xã hội, chúng ta chờ đợi mọi thứ miễn phí, nhưng đây lại là một quan điểm sai lầm, nhưng nó đang lan rộng. Chúng ta đang phát triển một thế hệ trẻ em không muốn trả bất kỳ khoảng phí nào cho những gì mà chúng nhận được. Cứ cung cấp cho tôi dịch vụ miễn phí, và cứ thoải mái đăng quảng cáo trên đó!
Điều này cũng nguy hiểm vì một lý do khác. Giới trẻ không chỉ chờ đợi các dịch vụ miễn phí, mà chúng nghĩ rằng chúng có quyền sử dụng cách dịch vụ miễn phí. Dĩ nhiên mạng xã hội ảo là miễn phí! Nhưng tại sao lại nguy hiểm? Bời vì điện thoại không miễn phí, truyền hình không miễn phí, áo quần, thực phẩm, nhà cửa, và rất nhiều thứ khác không miễn phí.
Chỉ cách đây vài chục năm, mọi người phải làm việc vất vả để kiếm sống, họ không biết đến sự miễn phí và không bao giờ mong chờ nó. Còn ngày nay thì ngược lại, với các dịch vụ miễn phí được mọi người mong đợi. Liệu thế hệ tiếp theo sẽ chờ đợi một cái gì đó không mất tiền, hay chúng cố gắng làm việc để duy trì mức sống ổn định mà chúng ta
đã tạo ra?
Minh Hữu(Theo ReadWriteWeb)
Bình luận