Với tỉ lệ 85% người dùng, email vẫn là ứng dụng kết nối Internet được sử dụng nhiều nhất dù đã gần 30 năm tuổi, bất chấp sự bùng nổ của các mạng xã hội như Facebook hay Twitter.
Facebook hiện có đến 850 triệu người dùng. Twitter có khoảng 500 triệu người dùng. Amazon có khoảng 100 triệu khách hàng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó là các dịch vụ nổi tiếng khác trên Internet như IM (gửi tin nhắn ngắn), VoIP, dịch vụ chia sẻ video trực tuyến – dạng như YouTube hoặc Netflix… Tuy nhiên, ứng dụng quan trọng hơn cả và buộc người dùng Internet phải có chính là email.
Theo một bình chọn mới đây trên của tổ chức Ngoại giao quốc tế Ipsos phối hợp với Reuters, có đến 85% người dùng Internet toàn cầu sử dụng email như là công cụ giao tiếp chính. Trong khi đó, số lượng người dùng Internet có tham gia vào các mạng xã hội chiếm khoảng 65%.
Vậy đâu là lí do khiến cho email có sức thống trị trong suốt 30 năm qua? Và liệu mạng xã hội và các hình thức giao tiếp cộng đồng khác trên Internet có thể làm thay đổi vai trò này của email trong đời sống số?
Ai cũng có email
Email được sử dụng rộng rãi trước hết do nó rất đơn giản và không đòi hỏi nhiều kĩ năng công nghệ. Công nghệ email cốt lõi không thay đổi nhiều lắm trong suốt 3 thập kỉ qua, từ năm 1982 với kiểu mã RFC 821 của Jon Postel. Công nghệ này được nâng cấp nhiều lần sau đó và đến những năm 1990 email mới có thêm tính năng đính kèm file và gửi thông điệp có nhiều phần.
Tính đơn giản của email khiến cho nó dễ dàng xây dựng hệ thống hỗ trợ email trên bất kì một dịch vụ hay thiết bị có Internet nào. Điều này khiến cho email trở thành một dịch vụ Internet độc lập có sẵn đối với hầu như mọi người dùng Internet.
Điều tra của Ipsos nói ở trên minh chứng rất rõ điều này. Có khoảng 24 quốc gia được khảo sát trong thời gian 3 tháng gần đây. Kết quả là, có đến 85% người dùng Internet có sử dụng dịch vụ email. Một vài quốc gia phát triển, số lượng người dùng email lên đến trên 90% như Hungary, Thụy Điển, Bỉ, Indonesia, Argentina, và Ba Lan.
Trong khi đó, ở nhóm quốc gia ít sử dụng email hơn thì tỉ lệ người dùng này vẫn chiếm đến ít nhất là 46% (Ả rập Xê-út), và 66% (Ấn Độ).
Sự đe dọa của mạng xã hội và VoIP
Mạng xã hội đang hình thành nên một dạng giao tiếp khác trên Internet với số lượng 62% trong tổng số lượng người dùng trên Internet. Trong đó, tại Indonesia, dịch vụ này phát triển nhất thế giới với tỉ lệ lên đến 83%, rồi đến Argentina (76%). Tỉ lệ sử dụng mạng xã hội thấp nhất là 35% tại Nhật Bản và Ả rập Xê-út (42%). Sức phát triển này rất đáng kể khi mà các loại hình mạng xã hội mới chỉ phát triển trong khoảng chưa đến 10 năm gần đây.
Một điều đáng chú ý là, rất nhiều các cường quốc kinh tế như Mỹ, Australia, Bỉ, Canada, Pháp có tỉ lệ người dùng mạng xã hội thấp hơn mức trung bình, chỉ ở mức từ 50% đến 60%.
Trong khi đó, một dịch vụ khác từng rất phát triển trên Internet là VoIP (thoại qua Internet) từ nhiều năm trước đây lại đang có dấu hiệu chững lại và giảm sút rõ rệt. Hiện tại, có khoảng 14% người dùng Internet vẫn đang sử dụng VoIP với lượng người dùng tập trung chủ yếu ở Nga, Thổ Nhĩ Kì, và Ấn Độ và Ả rập Xê-út, trong khi hầu như vắng bóng ở các quốc qua phát triển như Mỹ, Brazil và Pháp (khoảng 4%) - nơi sẵn sàng hơn về hệ thống dịch vụ viễn thông truyền thống.
Đáng chú ý nhất trong các dịch vụ VoIP vẫn là Skype. Sau thương vụ trị giá 8,5 tỉ USD với Microsoft vào năm 2011, người ta kì vọng rằng công nghệ VoIP sẽ lại hồi sinh với các ứng dụng tiện ích của nó.
Windows 8 sẽ là nền tảng đầu tiên tích hợp sẵn Skype. Tuy nhiên cho đến khi Windows 8 chính thức được phát hành, chỉ có thời gian mới có thể trả lời được rằng liệu Microsoft có thành công hay không.
Email vẫn có các vấn đề nảy sinh như lỗi về định dạng, lỗi đồng bộ hóa, khả năng gửi nhóm, và nhất là vấn nạn thư rác. Trong khi đó, sự cạnh tranh từ các dịch vụ đi kèm theo mạng xã hội (chẳng hạn chức năng gửi tin nhắn trên Facebook) cũng có thể sẽ là mối đe dọa với sự tồn tại của dịch vụ email.
Tuy nhiên, email chắc chắn sẽ vẫn duy trì là dịch vụ giao tiếp phổ biến nhất đối với người dùng Internet trong nhiều năm nữa chính bởi sự giản tiện của nó, trong khi các dịch vụ khác đều đòi hỏi cao hơn về trình độ công nghệ. Chẳng hạn, các dịch vụ web đang dần dần từ bỏ các trình duyệt đã cũ và giới thiệu thêm các tính năng dành riêng cho một số nền tảng đặc thù. Các ứng dụng cho smartphone và máy tính bảng có thể dễ tương thích với trình duyệt web bản thấp, nhưng chính các thiết bị đó lại đòi hỏi người có kĩ năng công nghệ. Hay chính Facebook cũng cung cấp khá nhiều dịch vụ phải phụ thuộc vào các khái niệm như Flash, HTML… vốn không phải là thứ dễ hiểu với tất cả người dùng…
Rõ ràng là, các mạng xã hội khó có thể đổi ngôi cho email chỉ trong một sớm một chiều.
Theo PCWorld VN/DigitalTrends
Bình luận