Đồng sáng lập Google, Sergey Brin. Ảnh: James Martin/CNET.

Đó là lời phát biểu của nhà đồng sáng lập Google, Sergey Brin, khi trả lời phóng vấn trên tờ Guardian của Anh, trong loạt bài xoay quanh chủ đề "Chiến trường Internet".

Trong cuộc trả lời phóng vấn hôm qua (15/4) với Guardian, Sergey Brin nói rằng tính chất "mở" Internet đang bị đe dọa mạnh mẽ bởi nhiều bên, trong đó bao gồm cả Facebook và Apple.

"Tôi lo lắng hơn những gì tôi đã từng có trong quá khứ... nó thật đáng sợ", Brin nói về những mối đe dọa tự do trên Internet mà ông cảm thấy chẳng hạn như việc các chính phủ giám sát nội dung, ngành công nghiệp giải trí kiểm soát bản quyền và "tường rào" bao bọc chặt chẽ hơn đối với những gì có thể xây dựng trên công nghệ của họ, Apple và Facebook là ví dụ điển hình.

Sergey Brin nói rằng Apple và Facebook đang làm mất đi tính sáng tạo, gây ra nguy cơ chia rẽ trên Internet và hạn chế môi trường phát triển của Google, vốn đang xây dựng một công cụ tìm kiếm, mang đến nội dung mở cho mọi người dùng.

Đương nhiên đây chỉ là ý kiến chủ quan của nhà đồng sáng lập Google. Việc Internet "mở hơn", công cụ tìm kiếm của hãng này vươn tới mạng xã hội của Facebook hay các ứng dụng của Apple chắc chắn tốt hơn cho người dùng nhưng cũng đồng thời làm lợi cho Google.

Trong cuộc chiến này, Google+ được xem là con bài quan trọng trong "trận địa" mạng xã hội. Tuy nhiên, trong khi Facebook đang thống lĩnh tuyệt đối thị trường thì niềm hi vọng của gã khổng lồ tìm kiếm lại tụt xuống vị trí thứ 4, đứng sau cả Pinterest. Mới đây, Facebook đã mạnh tay chi 1 tỉ USD mua lại ứng dụng chia sẻ ảnh trên thiết bị di động nhằm tăng cường sự hiện diện của mình trên nền tảng tìm năng này.

Với Apple, cách tiếp cận theo hướng độc quyền đã giúp họ trở thành công ty công nghệ có giá trị nhất toàn cầu, đối đầu trực tiếp với Google trong những mảng chiến lược như điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Ý kiến của Sergey Brin về các đối thủ có thể sẽ là bước khởi đầu của một cuộc chiến mới giữa những gã khổng lồ đang thống trị thị trường công nghệ.

Theo CNET




Bình luận

  • TTCN (0)