Quy định rườm rà về thủ tục trong dự thảo Nghị định về Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) khiến nhiều chuyên gia lo ngại dự thảo kìm hãm sự phát triển của dịch vụ CNTT bằng những hình thức quản lí hành chính.
Những điều doanh nghiệp sẽ “được”…
Tại buổi tọa đàm góp ý kiến cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về dịch vụ CNTT diễn ra chiều 18/4 tại Hà Nội do VINASA, VAIP phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Long, Phó Tổng thư kí VAIP cho biết, mặc dù chiếm một tỉ trọng khá lớn trong doanh thu ngành CNTT-VT, nhưng dịch vụ CNTT trước đây chưa được coi trọng. Việc Bộ Thông tin - Truyền thông soạn thảo Nghị định Dịch vụ CNTT đã giúp nâng tầm vai trò dịch vụ CNTT. Nhưng đây là một lĩnh vực rộng, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của cá cơ quan quản lí nhà nước liên quan đến ứng dụng CNTT, cũng như ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục.
Tại toạ đàm, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT MISA kể về một tỉ lệ ăn chia “thê thảm” trong một dịch vụ CNTT của Công ty Cổ phần MISA với nhà mạng VNPT thời gian vừa qua. Trong vụ làm ăn này, MISA phải đầu tư hệ thống tổng đài hỗ trợ kĩ thuật gần một tỉ đồng, mỗi tháng trả lương cho hơn 100 nhân viên Call Centre với tổng chi phí hơn một tỉ đồng. Ngoài ra doanh nghiệp này còn phải trả tìên thuê bao số 1900, tiền hosting server… Doanh thu vụ “kết hợp” này mỗi tháng thu được khoảng 400 triệu đồng, nhưng MISA chỉ được hưởng 24%, tức 96 triệu đồng, còn nhà mạng VNPT không làm gì cả thì thu hơn 300 triệu.
Trong Chương 2, Điều 11, Khoản 3, Mục a của Dự thảo Nghị định có nhắc tới việc bảo đảm phần trăm ăn chia cho công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CP) phải cao hơn nhà mạng. “Nếu làm được điều này quả là mong đợi của giới CNTT từ rất lâu nay”, ông Lữ Thành Long tâm sự.
…Và vô số những điều “mất” vì bị làm khó
Nhưng những ưu điểm của dự thảo này quá ít so với những trở ngại mà nó sẽ mang lại cho dịch vụ CNTT.
Theo ông Nguyễn Long, Luật CNTT đã quy định định hướng phát triển dịch vụ CNTT trong điều 53 là Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ CNTT. Chính phủ quy định cụ thể chế độ ưu đãi và các điều kiện khác cho một số loại hình dịch vụ CNTT. Tuy nhiên Dự thảo được chuẩn bị theo hướng quản lí với tiêu đề dự thảo “Nghị định buộc đăng kí dịch vụ CNTT”. Điều này cho thấy, thay vì tập trung cho hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ CNTT phục vụ cho nền tảng coi CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng thì dự thảo này hình như lại “kìm hãm” phát triển bằng nhiều hình thức quản lí hành chính.
Điều 4, Chương 1 của dự thảo Nghị định dường như muốn đặt mọi dịch vụ CNTT đều phải chịu quản lí của Bộ TT&TT. Chiếu theo Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2005 thì việc đưa các dịch vụ CNTT vào quản lí Nhà nước dường như đang trái luật, ông Lữ Thành Long chia sẻ.
Chưa kể, khoản 2 điều 5 cho rằng đơn vị nào cung cấp dịch vụ CNTT cho một đối tượng để đối tượng đó sử dụng làm công cụ để vi phạm luật pháp là vi phạm pháp luật. “Nếu điều này là đúng như tôi hiểu thì việc bán dao cho một người mà người đó dùng để phạm pháp thì người bán dao cũng phạm tội? Tương tự như vậy, nếu dịch vụ phần mềm hay CNTT đó là cung cấp dịch vụ email cho một đối tượng mà đối tượng đó lại dùng email để đi lừa đảo thì chả nhẽ nhà cung cấp dịch vụ cũng vi phạm pháp luật chăng?”, người đứng đầu Công ty MISA bức xúc.
Một thắc mắc nữa ông Lữ Thành Long đưa ra là khoản 1 điều 14 dự thảo quy định: dịch vụ cổng tìm kiếm thông tin trên mạng, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây phải có giấy phép mới được hoạt động. Thắc mắc mà ông đặt ra là phải chăng Bộ muốn cấm hầu hết các cổng tìm kiếm trên thế giới đang không có văn phòng đặt tại Việt Nam. Hoặc nếu không làm được điều này thì chúng ta sẽ làm khó doanh nghiệp trong nước còn thả nổi doanh nghiệp nước ngoài?
Chưa hết, theo như ông Lữ Thành Long nói, MISA kinh doanh cả ba dịch vụ trên, thế nên doanh nghiệp này sẽ phải có tới ba giấy phép hoạt động. Điều này liệu có cần thiết cho doanh nghiệp không?
Nhiều sai sót trong dự thảo cũng được ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT chỉ ra. Khoản 8 Điều 3 định nghĩa đào tạo không chính quy là “đào tạo nằm ngoài hệ thống giáo dục quốc dân”. Nhưng theo Điều 4 và 8 Luật Giáo dục năm 2005, hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm cả hệ thống đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ nghề nghiệp hoặc nâng cao trình độ, và khi đó sẽ không có hệ thống đào tạo “nằm ngoài”.
Thêm nữa, Khoản 3 Điều 14 dự thảo quy định: “Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT không thuộc diện phải đăng kí thực hiện đăng kí cung cấp dịch vụ. “Không hiểu sao lại có một điều luật “nửa có nửa không” như thế này? Về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước không được phép cấp đăng kí cho những dịch vụ không thuộc phạm vi đăng ký”, ông Tùng nói.
Có nên bao gồm “dịch vụ trên nền CNTT”?
Chồng chéo trong quản lí nhà nước các lĩnh vực có liên quan cũng là tâm điểm của các góp ý. Mục tiêu của Nghị định là dịch vụ CNTT nhưng dự thảo "ôm" cả dịch vụ trên nền CNTT (bao gồm cả truyền thông, Internet, thương mại điện tử, KHCN...) hoặc thời thượng như “dịch vụ CNTT xuyên biên giới" (liên quan đến hiện diện của Google và Facebook tại Việt Nam).
Đại điện Chi hội Thương mại điện tử đã có nhiều góp ý về các điểm chồng chéo này: “Nếu Nghị định quy định về việc quản lí dịch vụ CNTT, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chỉ nên giới hạn trong các dịch vụ CNTT. Không nên quy định một cách áp đặt “dịch vụ trên nền CNTT” cũng là dịch vụ CNTT. Với sự phát triển nhanh của CNTT-TT như hiện nay, sẽ đến lúc tất cả các dịch vụ đều triển khai ứng dụng CNTT và khi đó ranh giới với “dịch vụ trên nền CNTT” sẽ gần như không thể xác định được. Như vậy, với dự thảo như hiện nay, phạm vi của Nghị định sẽ bao trùm toàn bộ các dịch vụ có ứng dụng CNTT và điều này là bất hợp lí."
Ngoài ra, chưa kể trong dự thảo Nghị định còn dẫn các dịch vụ thương mại điện tử đã được điều chỉnh trong một nghị định riêng về thương mại điện tử. Tương tự, dịch vụ đào tạo trực tuyến và dịch vụ khám chữa bệnh từ xa trên môi trường mạng là các dịch vụ chuyên ngành, về mặt bản chất vẫn phải tuân thủ các quy định quản lí chuyên ngành. Luật CNTT (điều 34 và 35) cũng đã quy định Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế là hai cơ quan có trách nhiệm quản lí chuyên ngành về hoạt động đào tạo trên mạng và hoạt động y tế trên mạng.
Ông Nguyễn Trung Quỳnh, đại diện Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cho rằng, một số điều kiện để đưa Nghị định vào thực tiễn là chưa sẵn sàng và để có được sẽ mất rất nhiều thời gian (hằng năm). Thí dụ như 'hệ thống chuẩn quốc gia về kĩ năng; hệ thống chứng chỉ quốc gia; hệ thống chức danh nghề nghiệp... Như vậy sẽ làm mất cơ hội của doanh nghiệp.
Còn theo ông Trần Lương Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty VietSoftware, khi Nhà nước đưa ra một quy định pháp luật thì nên tạo hành lang chính sách khuyến khích phát triển, chứ không phải tạo nên cơ chế để quản lí, kiểm soát. Việc đưa dịch vụ CNTT vào quản lí là bước lùi trong xu thế hòa nhập của Việt Nam. Ngay cả trong tài liệu của Liên minh CNTT thế giới (WITSA) về vòng đàm phán thương mại quốc tế liên quan đến sản phẩm và dịch vụ CNTT, trong đó tinh thần cơ bản là đẩy mạnh tự do hóa dịch vụ CNTT.
Những góp ý của 60 chuyên gia và doanh nghiệp dịch vụ CNTT sẽ được VAIP và VINASA tổng hợp và có văn bản góp ý chính thức tới cơ quan soạn thảo. Trước đó, đã có hai buổi hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định do Hội Tin học TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Internet tổ chức.
Theo Danh mục dịch vụ CNTT và chính sách liên quan kèm theo dự thảo Nghị định, có 54 dịch vụ CNTT được chia thành chín nhóm gồm: Nhóm dịch vụ tư vấn CNTT, Nhóm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phân phối phần cứng, điện tử, Nhóm dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phân phối phần mềm, Nhóm dịch vụ nội dung thông tin số, Nhóm dịch vụ đào tạo không chính quy về CNTT, Nhóm dịch vụ an toàn, bảo mật thông tin, Nhóm dịch vụ CNTT khác và Các dịch vụ trên nền CNTT.
Theo Nhân dân điện tử
Bình luận