Các họa sĩ có lẽ sẽ phải mất hàng tuần để vật lộn với các câu hỏi về độ sâu, kích thước, sự tương ứng và bố cục của một bức vẽ. Thế nhưng, những gì họ có được trên sản phẩm cuối cùng của mình lại chỉ là một bức ảnh hai chiều tĩnh lặng. Dù có truyền cảm đến mức nào thì bức ảnh đó vẫn không thể thuyết phục hoàn toàn người xem về chiều sâu của nó. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học ở đại học Stansford (Mĩ) đã làm được điều này khi cho phép tạo dựng nên một hình khối 3D từ các bức ảnh tĩnh.
Thuật toán để làm được điều kì diệu này có tên Make3d. Nó được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học máy tính thuộc đại học Stanford.
Ashutosh Saxena, một nghiên cứu sinh đã góp phần xây dựng website Make3d đã cho biết "Thuật toán sử dụng rất nhiều chất liệu để xây dựng nên một không gian ba chiều cho một khung cảnh. Nếu chúng ta nhìn vào một cánh đồng cỏ, chúng ta có thể thấy rằng sự thay đổi kết cấu theo một cách đặc biệt sẽ cho một cảm giác như thể (cánh đồng cỏ) trở nên xa hơn"
Thuật toán này có khả năng tạo dựng ra các chỉ số về độ sâu, hướng, vị trí của các vật thể nằm trong một bức ảnh tĩnh. Nó có thể "hiểu" được rằng các vật thể ở xa hơn thì mờ và tối hơn so với các vật thể ở gần còn khi có sự ngắt đột ngột của một đường cạnh thì có nghĩa là có sự giao nhau của các vật thể.
Khác với các thuật toán tạo dựng hình 3D được phát triển trước đó, thuật toán này của Stanford cho phép tạo dựng hình mẫu cho các khung cảnh ở mọi góc độ, mọi hướng nhìn ví dụ như các cành cây hoặc các dốc núi.
Bạn có thể thử nghiệm thuật toán này để tạo cho riêng mình các mô hình 3D tại trang web của Stanford.(http://make3d.stanford.edu).
Tại đây, bạn sẽ phải tạo một tài khoản và tải lên một tấm hình 2D mà bạn mong muốn chuyển đổi. Tấm hình này sẽ được xử lí theo tuần tự với các người dùng khác. Khi được xử lí xong, mô hình 3D sẽ được chuyển trả về cho bạn theo đường thư điện tử.
Các tấm hình 2D có thể được tải lên trực tiếp hoặc chuyển sang từ trang chia sẻ hình ảnh Flickr.
Dưới đây là một vài hình mẫu 3D mà các nhà khoa học Stanford đã thực hiện.
Thành Việt (theo PhysOrg)
Bình luận
tuyệt vời. rất đáng thử!