Intel vừa chính thức phát hành vi xử lí Intel Core thế hệ thứ 3, hay còn gọi là Ivy Bridge. Vi xử lí mới chứng kiến sự xuất hiện của một quy trình công nghệ mới về cơ bản giúp nó nhỏ hơn, nhanh hơn và tiết kiệm điện năng hơn.

Vậy bạn đã biết gì về chip Ivy Bridge thế hệ mới trong máy tính để bàn và các thiết bị di động trong tương lai?

Quy trình công nghệ mới

Điểm nổi bật nhất của gia đình CPU mới của Intel chính là mô tả "tick-tock". Ivy Bridge được xem là một tick, có nghĩa là một quá trình mới. Về thuật ngữ đơn giản, đó là bộ vi xử lí 22 nm cải tiến từ vi xử lí Sandy Bridge 32 nm được ra mắt cách đây khoảng 1 năm.

Nhưng về mức độ phức tạp, Ivy Bridge chính là sự chuyển đổi từ 32 nm xuống 22 nm khá đặc biệt, liên quan đến việc làm giảm thiết kế chip. Để có thể làm được điều này, Intel đã phát triển công nghệ bóng bán dẫn 3D Tri-Gate hoàn toàn mới cho phép bố trí nhiều hơn số lượng bóng bán dẫn trong chip mà vẫn đảm bảo "định luật Moore".

Trong bóng bán dẫn 3D Tri-Gate, người dùng có thể kiểm soát nhiều hơn lượng điện năng bị rò rỉ ra bên ngoài trong quá trình sử dụng, chính vì vậy khả năng tiêu thụ điện năng và tỏa nhiệt của vi xử lí sẽ thấp hơn.

Ngoài ra nó còn cho phép sử dụng các dòng điện lớn hơn, tăng tốc độ xung nhịp cao hơn có thể, một lợi ích đáng kể cho các hệ thống máy tính để bàn.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến kiến trúc thiết kế của vi xử lí thế hệ mới.

Có thể nói, thiết kế kiến trúc Ivy Bridge không phải là mới hoàn toàn, nhất là về phía CPU dường như không có nhiều thay đổi khi sản phẩm dường như chỉ là bản nâng cấp của Sandy Bridge với một vài tính năng để có thể xử lí dữ liệu được tốt hơn mà thôi.

Nhưng nếu xét ở lĩnh vực khác, Ivy Bridge chứng kiến những nâng cấp trong khả năng an ninh, tiện dụng cho việc mã hóa nội dung và cho phép phần cứng có thể chặn các mã độc tấn công vào hệ thống. Đây chính là tính năng mà người dùng doanh nghiệp chắc chắn rất kì vọng, và dĩ nhiên người dùng gia đình sẽ được hưởng lợi từ những cải tiến này.

Cùng với đó, Intel cũng đã điều chỉnh lại các thiết lập ép xung cho Ivy Bridge, và người dùng có thể dễ dàng nhận ra thông qua các phiên bản mở khóa có kí hiệu đứng sau dãy số. Sự thay đổi chính là việc tăng giới hạn số nhân tuyệt đối của dòng K từ 57 lên 63, điều rất được những tay chơi ép xung mong muốn.

Không có nhiều lõi

Intel đã thực hiện nhiều cải tiến cho vi xử lí thế hệ mới nhưng Ivy Bridge vẫn giữ nguyên số lượng lõi là 4 cho phiên bản cao cấp nhất là Core i7 3770K, giống như Core i7 cao cấp thuộc thế hệ Intel Core thứ 2. Tuy nhiên, sự khác biệt chính là ở dòng chipset sử dụng trên các bo mạch chủ. Dòng chip 7-series mới hoạt động hoàn toàn khác so với 6-series trước đó vốn phát triển cho Sandy Bridge.

Vi xử lí mới chứng kiến sự xuất hiện của lõi đồ họa mới với 2 lựa chọn lõi đồ họa tích hợp khác nhau. Phiên bản phổ thông sẽ được tích hợp lõi đồ họa Intel HD 2500, trong khi phiên bản cao cấp hơn sẽ được tích hợp lõi đồ họa Intel HD 4000. Đó không phải là tất cả, Intel cho biết GPU tích hợp mạnh hơn so với trước đây và bổ sung thêm khả năng hỗ trợ DirectX 11. Theo Intel, tính riêng HD 2500 cũng đã có khả năng cải thiện 10-20% so với dòng HD 2000 cũ.

Cùng với đó, khả năng dựng hình 3D cũng được xem là nhanh hơn nhờ lõi đồ họa mạnh bên trong, ví dụ như người dùng sẽ được tăng hiệu suất chuyển mã QuickSync và hỗ trợ làm việc với 3 màn hình.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Ivy Bridge xứng đáng với sự kì vọng về một vi xử lí Intel Core thế hệ thứ 3 của Intel hay không. Theo Intel thì điều này là khá hợp lí nhờ vào sự cải tiến trong khả năng xử lí đồ họa.

Theo TechRadar



Bình luận

  • TTCN (0)