Beeline là một trong những nhà tài trợ của Câu lạc bộ MU. Ảnh: Beeline.

Doanh thu trên mỗi thuê bao quá thấp, khó cạnh tranh với các mạng lớn, thị trường di động sắp bão hòa… là nguyên nhân khiến Beeline phải nói lời tạm biệt với thị trường Việt Nam.

Theo số liệu của Tập đoàn VimpelCom, năm 2011, doanh thu bình quân trên thuê bao một tháng (ARPU) của Beeline tại Việt Nam chỉ đạt 0,7 USD vào quý III và 0,9 USD quý IV, thấp nhất trong số các quốc gia VimpelCom đầu tư viễn thông di động.

Cùng thời điểm, tại Campuchia, ARPU của Beeline tương ứng là 2 USD và 3 USD; còn các thị trường khác đều cao hơn (ở Lào là 4,9 USD). Việt Nam và Campuchia là 2 thị trường VimpelCom bị lỗ, với tổng số tiền đến hết năm 2011 là 527 triệu USD.

Trong khi đó, với các mạng di động lớn tại Việt Nam, ARPU bình quân 2011 của Viettel là 4 USD, MobiFone khoảng 5 USD. Trao đổi vớiVnExpress.net, một lãnh đạo cấp cao của Viettel cho biết, một mạng di động mới khởi đầu thường có ARPU bằng trung bình 50% của các hãng lớn. Nếu phát triển tốt, chỉ số này sẽ tăng dần, còn ARPU suy giảm thì khó phát triển.

Ông này cho rằng, nếu ARPU xuống dưới 2 USD thì ngay cả Viettel cũng khó khăn chứ không nói đến các mạng nhỏ, vì số lượng thuê bao ít mà chi phí trên mỗi thuê bao lớn hơn nhiều.

Một chuyên gia viễn thông từng làm lãnh đạo cấp cao tại Vietnamobile (một mạng di động nhỏ như Beeline) cho biết: “Trước đây, khi chưa có cuộc chiến gọi miễn phí nội mạng, việc đạt ARPU bằng một nửa các hãng lớn còn khả thi. Từ khi các mạng nhỏ miễn phí nội mạng gần như hoàn toàn, khả năng tăng APRU là rất khó”.

Ông này cho biết thêm, doanh thu từ nội mạng với những tiểu gia như Beeline là không đáng kể, nguồn từ ngoại mạng lại phải chia một phần lớn cước kết nối (gần 50%) cho hãng lớn nên tiền thực thu của Beeline là rất thấp. “Bế tắc về kinh doanh, khó tìm đường phát triển nên họ rút để tránh lỗ thêm cũng là bình thường”, ông này nói.

Tháng 7/2009, VimpelCom – nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn tại Đông Âu và Trung Á kết hợp với Tổng công ty Viễn thông di động tòa cầu (Gtel) khai trương mạng di động mang thương hiệu Beeline tại Việt Nam. Khi đó, VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần, tương đương khoản đầu tư 267 triệu USD.

Tháng 4/2011, VimpelCom đã đạt được thỏa thuận với Gtel về việc đầu tư thêm 500 triệu USD đến hết năm 2013. Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD nâng tỉ lệ sở hữu của cổ đông này từ 40% lên 49%. Số tiền còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo và cổ phần của VimpelCom có thể tăng lên 65%.

Tuy nhiên, sau đúng một năm, VimpelCom quyết định bán toàn bộ khoản đầu tư trị giá gần 500 triệu USD với giá 45 triệu USD cho đối tác Việt Nam.

Trước khi quyết định bán tháo phần vốn góp của mình tại Việt Nam, Beeline gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới, yếu thế trong cạnh tranh. Hiện tại, hãng này công bố đã phủ sóng ở 50 tỉnh, thành phố; nhưng ngay cả ở Hà Nội và TP HCM, chất lượng sóng thực tế cũng thua nhiều so với các mạng di động lớn. Trong khi đó hệ thống đại lí, thương hiệu, dịch vụ cũng hẹp hơn rất nhiều so với MobiFone, VinaPhone, Viettel.

Điều này cộng với chênh lệch giá cước không đáng kể so với các ông lớn di động khiến sim Beeline kém sức hấp dẫn. Ngay tại Hà Nội và TP HCM, nhiều đại lí cũng hạn chế nhập sim Beeline vì hàng tồn đọng lâu.

Tổng giám đốc một công ty lớn về dịch vụ gia tăng trên mạng di động tại Hà Nội tiết lộ, doanh thu đến từ Beeline ít đến mức ông này không buồn quan tâm. Thêm nữa, việc triển khai kết nối, phát triển dịch vụ mới với Beeline cũng chậm, nhà mạng này lại chưa có giấy phép 3G nên được ưu tiên hợp tác ở mức thấp. “Thuê bao ít, doanh thu thấp, Beeline không thấy cửa kinh doanh có lãi trong tương lai”, ông này bình luận.

Theo số liệu của Beeline báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng này có 6 triệu thuê bao đăng kí đến hết năm 2011, nhưng số liệu do VimpelCom công bố chỉ gần 3 triệu. Trao đổi với VnExpress.net, nguồn tin từ MobiFone và Viettel cho biết, số liệu thuê bao có phát sinh cước của Beeline không thể đạt gần 3 triệu bởi Vietnamobile là mạng lớn hơn cũng chưa đạt con số này (số kiểm tra khi thực hiện đối soát cước). Về thị phần, 3 mạng di động VinaPhone, MobiFone và Viettel chiếm tới 95%; trong khi Beeline cùng 3 mạng khác (Vietnamobile, S-Fone và EVN Telecom) chỉ chia nhau 5% còn lại.

Một lãnh đạo của MobiFone nhận xét, ở các vùng đô thị lớn, thị trường di động đã bão hòa và khả năng cạnh tranh của các mạng nhỏ gần như không có. Với thị trường nông thôn, các mạng lớn cũng đã phủ kín sóng và hệ thống bán hàng, trong khi mạng nhỏ như Beeline mới lác đác vài trạm thu phát sóng, đại lí ít, các hoạt động marketing cũng ít.

"Mạng nhỏ không thể cạnh tranh với mạng lớn về giá bởi ít khách hàng, chi phí trên mỗi phút gọi, nhắn tin cao hơn, thương hiệu lại yếu hơn, vùng phủ sóng hẹp hơn... nên tôi thấy họ cũng khó phát triển", ông này nhận định.

Ảnh
Beeline từng gây sốt một thời với gói cước Big Zero và Tỉ phú. Ảnh: Beeline.

Ông này bổ sung thêm, nhìn vào thống kê Việt Nam có gần 140 triệu thuê bao di động (nhiều hơn cả dân số) vào cuối tháng 2, thì thấy thị trường này đang dần đến ngưỡng bão hòa và phần còn lại là những khách hàng rất nghèo. "Nếu tiếp tục đầu tư lớn để quét các thuê bao nghèo nhất Việt Nam sẽ không hiệu quả", ông này nói.

Trong khi đó, giải thích về quyết định rút khỏi Việt Nam với báo chí quốc tế, ông Jo Lunder – Tổng giám đốc Tập đoàn VimpelCom (Nga) nói: "Theo chương trình chúng tôi đặt ra cho giai đoạn 2012-2015, tất cả hoạt động của tập đoàn đều hướng tới việc gia tăng giá trị trong tương lai. Quyết định bán lại cổ phần tại GTEL Mobile cũng phục vụ cho mục đích này. Hiện chúng tôi chỉ tập trung vốn cho những thị trường có tiềm năng nhất trong việc gia tăng giá trị cho cổ đông".

Còn một lãnh đạo của Gtel cho biết: “VimpelCom là đối tác có lộ trình kinh doanh riêng, chúng tôi luôn tôn trọng quyết định của họ. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi trở thành nhà mạng 100% vốn trong nước. Thực tế đã chứng minh, các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã gặt được rất nhiều thành công ở Việt Nam”.

Beeline là thương hiệu mạng di động của VimpelCom được sử dụng tại một số quốc gia như Ukraine, Armenia, Lào, Campuchia và Việt Nam. Năm 2009, Beeline lần đầu lọt top 100 thương hiệu mạnh nhất toàn cầu của Financial Times, xếp ở vị trí 72. Tuy nhiên, sang năm 2010, thương hiệu này rơi xuống vị trí 92, giá trị cũng giảm từ 8,9 xuống còn 8,1 tỉ USD. Đến năm 2011, Beeline ra khỏi bảng xếp hạng này.

Theo VnExpress



Bình luận

  • TTCN (0)