Giám đốc một trung tâm tư vấn lứa tuổi vị thành niên tại Hà Nội khẳng định: Chỉ trong hai tháng cuối năm 2007, trung tâm này đã tiếp nhận hàng chục vụ gia đình nhờ thám tử đi tìm con "dạt nhà", phần lớn trong số đó lang thang tại các cửa hàng Internet với "điệp khúc": tụ tập bạn bè + chat + chơi game!
Vạ vật cùng gái 9x...
Hơn 11h đêm, vừa bước chân vào quán Net nằm sâu trong ngõ 1 Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân - HN), một cô bé chừng 17 - 18 tuổi ngồi trong góc đứng bật dậy kéo tôi ra ngoài "Có phải nick anh là boy hào hoa.. không?". Ngay sau cái lắc đầu đầy ngạc nhiên, cô bé thất vọng trở lại chỗ ngồi, hai cô bạn ngồi bên trái ré lên cười...
Cậu bạn dẫn tôi tới quán thì thầm: "Đấy, mấy con nhỏ đó đang "dạt Net", hôm nào chả chat ở quán này từ đêm tới sáng".
Theo lời kể của bạn tôi, nhóm 5 cô bé toàn lứa tuổi 9x, nghe đâu có hai cô ở tỉnh xa, còn lại toàn loanh quanh Hà Nội, Hà Đông, "vì thỉnh thoảng vẫn thấy chúng nó chia nhau về nhà xoay tiền gia đình, chỉ đi xe ôm chừng dăm chục phút lại thấy có mặt". Sau khi tiếp cận và chat được với chính cô bé vừa kéo tôi ra ngoài, tôi mới vỡ lẽ, cô bé nhầm tôi với một "hoàng tử cứu Net" nào đó vừa quen trên mạng.
"Nhà em ngay trên Kim Mã, nhưng mà nhà chật lắm, lại cho thuê tầng 1, em nói dối đến ở chơi với đứa bạn học cùng lớp, hồi đầu đi qua đêm sáng về, có lần đi hai ba ngày, về sau bố mẹ em cũng chẳng hỏi, mấy đứa em thuê nhà nghỉ ở với nhau cho thoải mái, thi thoảng chạy về nhà một lúc" - Cô bé tự giới thiệu tên Lan, sinh năm 92, nói giọng tỉnh queo.
Sau một hồi "tâm tình, kể lể", nhưng thấy tôi cứ "ngu ngơ, miễn dịch" mãi, Lan cáu, tắt phụt màn hình chat, tiếp tục điều khiển nhân vật nhảy nhót trên một game online. Gần 2h sáng, có tiếng xe máy đỗ trước cửa quán Net, ai đó nháy máy Lan, cô bé cong môi với hai cô bạn ngồi gần đó, quay ra ông chủ quán: "Bố cứ để máy con đấy, cứ tính tiền, hai tiếng nữa con về thanh toán cho cả bọn", rồi mở cửa, tiếng xe máy phóng vèo đi.
"Dạt Net" hả? Một là bọn con gái như mấy đứa đó, có nhà cửa đàng hoàng nhưng tụ tập nhau trốn nhà lang thang, ăn rồi ngồi chat, hẹn hò đi chơi với các anh moi tiền về trả tiền Net. Mấy cô đó chỉ sống về đêm, ban ngày tiện cái nhà nghỉ nào thì ngủ đó.
Dân "dạt Net" nữa là đám choai choai mê game online, tối ngày chỉ ngồi bấm chuột, đánh chém, bắn nhau...Đói thì gọi bánh mỳ, trà đá phục vụ tận nơi, mệt thì kiếm chỗ máy trống kéo ghế ra nằm ngủ. Cái thằng áo len trắng kia kìa, có tin không, trong ba lô nó có nguyên một bộ bàn chải với kem đánh răng, mỗi lần đến quán này không ngồi lỳ suốt 2 ngày mới lạ". Cậu bạn đi cùng tôi, vốn cũng là dân nghiền game, giảng giải.
Tôi hỏi chủ quán, nhưng ông lắc đầu: "Khách đến chơi thì phải phục vụ chứ sao, cứ trả đủ tiền máy thì ngủ đấy cũng được. Mà tôi thi thoảng cũng nhắc chúng nó luôn, chỉ sợ nó ngồi lâu quá không có tiền trả lại ghi nợ, ngày trước đã có cậu sinh viên nợ nhiều quá, sau cho nó chơi miễn phí kiêm trông quán Net luôn".
Còn về quy định quán Net chỉ được mở cửa từ 6 - 24h đêm, rõ ràng ông chủ quán không cần trả lời, vì quán ông có mở cửa đâu? 12h đêm là đóng cửa sắt, kéo một tấm rèm che kín. Ai đến chỉ cần gõ cửa, muốn chơi bao lâu thì chơi. Ông chủ quán còn chỉ tay lên tường, khoe có dán tờ giấy phô tô cam kết thực hiện đúng nội dung thông tư 02 hẳn hoi, nào là quy định giờ giấc, nào là người vào chơi phải có giấy tờ... tiếc là nó đã bị một tờ poster game online khổ lớn treo đè ra ngoài, muốn xem phải kéo tờ tranh ra...
Anh Hoàng Dương Bình - Giám đốc một trung tâm tư vấn lứa tuổi vị thành niên và văn phòng thám tử tại Hà Nội - cho biết: "Chỉ trong hai tháng cuối năm 2007, trung tâm này đã tiếp nhận hàng chục vụ gia đình nhờ thám tử đi tìm con "dạt nhà". Phần lớn trong số đó đã lang thang tại các cửa hàng Internet với điệp khúc: tụ tập bạn bè + chat + chơi game!"
Các em đều đang tuổi học sinh cấp 3, có em giả mạo đơn phụ huynh, xin nghỉ học để trốn nhà đi chơi game nhiều ngày không về, các thám tử phải lên game em đó đang chơi, hẹn hò mua đồ ảo mới tìm được tung tích, có em nghiêm trọng hơn, lấy tiền của bố mẹ lẳng lặng đi một mạch bốn, năm ngày với một đám bạn nam nữ lẫn lộn...
Đau lòng nhất là câu chuyện về một em gái chưa hết tuổi học sinh, chỉ vì mẹ ở nước ngoài, bố cưới dì ghẻ, đã bỏ nhà đi, đắm chìm vào cuộc sống trên các room chat với hình ảnh tự dựng lên là một cô "công chúa" đang du học ở nước ngoài. Trong hàng tháng trời, cô bé online thâu đêm suốt sáng, lúc quá mệt mỏi, bèn tìm người "cứu Net" - gạ gẫm một ai đó quen trên mạng đến trả tiền Net cho mình, sẵn sàng làm "người tình một đêm" chỉ để đổi lấy chỗ ăn ngủ cùng vài chục ngàn để hôm sau chat tiếp...
"Đừng đổ lỗi cho Internet"
Ngủ net...Có một vị phụ huynh từng chỉ tay vào chiếc máy vi tính, nói rằng nó là "vị cứu tinh", khi cậu con trai út sau khi trượt đại học, đi đua xe bị công an bắt được tha về, đã suốt ngày ngoan ngoãn ngồi nhà chơi game. "Dẫu sao thì bố mẹ lúc nào cũng nhìn thấy mặt con."
Rồi cũng chính vị phụ huynh đó, lại đòi đập nát cái màn hình vi tính, là vì nó đã làm ông "mất con": vì nghiện game. Cậu con út cả ngày lầm lỳ ngồi ôm bàn phím, ai hỏi thì cứ giật mình như trên trời rơi xuống. Bị cấm chơi còn cả gan mắng lại bố mẹ, đến mức ông bố đòi "từ" mặt con...
"Thực tế là những năm gần đây, Internet và công nghệ có tác động đến giới trẻ rất mạnh mẽ, khiến số trẻ không có sự quan tâm định hướng đúng đắn của gia đình và xã hội đã chịu những tác động xấu. Trong chuyện này, Internet chỉ là công cụ, nó không có lỗi." - Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình nói.
Theo anh Bình, đa phần những đứa trẻ chịu tác động tiêu cực của Internet dẫn đến các hành vi và lối sống lệch lạc là do nguyên nhân tâm lý. "Nhiều em nghiện game, nghiện chat như là một sự chạy trốn cuộc sống thực để chìm đắm trong thế giới ảo, vốn đề cao cái tôi cá nhân và có những mối quan hệ dễ dàng."
"Trong số nhiều vụ việc cụ thể mà chúng tôi tiếp nhận tư vấn, trẻ bỏ nhà đi chơi game, chat... thì hầu như gia đình các em đều có vấn đề. Thiếu sự đùm bọc quan tâm quản lý của bố mẹ, thiếu sự gắn bó trong quan hệ gia đình, hàng năm trời không có các hoạt động chung cả nhà...".
Anh Bình cũng bày tỏ lo ngại về việc ngày càng nhiều hiện tượng thanh thiếu niên xem quán Net như chốn trọ. Anh nhấn mạnh rằng về khía cạnh tâm lý, trẻ ở độ tuổi vị thành niên là thời kỳ phát triển bùng nổ, nếu không được định hướng, dễ dẫn đến "lệch chuẩn" về nhận thức và tâm lý, từ đó "lệch chuẩn" về hành vi - vi phạm pháp luật hoặc đạo đức.
Cái khó là, nhiều gia đình vì không đủ kiến thức định hướng giúp con cái tiếp cận Internet đúng hướng, nên phản ứng tiêu cực hoặc cấm đoán, hoặc mặc kệ. Chỉ đến khi "xảy ra chuyện" mới đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan, cho Internet, game, chat... Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề nghiêm túc hơn, trước khi có thêm quá nhiều những câu chuyện đau lòng.
(Theo Thế Phong-VNN)
Bình luận