Phải mất đến 2-3 năm mới hòa vốn nên không thể đầu tư mạng lưới, rồi giá điện, xăng tăng làm đội chi phí vận hành trong khi giá cước Internet đang ngày càng rẻ là một số khó khăn mà các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đang “than phiền”.

Giá cước Internet từ “đắt nhất” thành “rẻ nhất”

Tại Tọa đàm “Tác động của Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam” ngày 25/4, ông Mai Sean Cang, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam cho biết, cách đây 16 năm, phí truy cập Internet tại Việt Nam thuộc dạng đắt nhất nhưng hiện nay đã ở mức rẻ nhất thế giới. Cụ thể, 16 năm trước, khi về Việt Nam lập công ty gia công phần mềm, ông phải trả 2.000 USD cho đường truyền Internet tốc độ cao, nay thì doanh nghiệp chỉ cần thuê vài chục USD cho phí dùng cáp quang.

Cùng quan điểm với ông Cang, theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty FPT Telecom, hiện giá truy cập Internet ở Việt Nam gần như rẻ nhất thế giới. Nếu cách đây 3 – 5 năm cước phí Internet mỗi tháng bằng khoảng 10 li cà phê thì hiện nay chỉ bằng khoảng 3 li.

Năm 2007, theo đánh giá của Vụ Viễn thông (Bộ BCVT, nay là Bộ TT&TT) về tình hình phát triển Internet Việt Nam giai đoạn 2001-2005, khi đó cước trung bình các gói ADSL từ 200-320 nghìn đồng, giảm 3-4 lần so với thời điểm ADSL mới ra đời vào năm 2003. Và đến nay, mức giá ADSL thấp nhất của các nhà cung cấp dịch vụ lớn như VNPT, Viettel, FPT... là từ 200-230 nghìn đồng. Nếu chỉ nhìn vào mức giá các gói cước ADSL thì thấy sau 5 năm vẫn giữ nguyên nhưng thực ra băng thông của các gói cước đã liên tục có sự điểu chỉnh tăng lên, ví dụ như MegaSTYLE (FPT) tốc độ 1526 Kbps/512 Kbps ra mắt năm 2005, trọn gói 250 nghìn đồng mỗi tháng thì hiện gói cước này đã được chuyển thành gói MegaYOU và được nâng tốc độ lên 6114 Kbps/640 Kbps với mức giá không đổi. Như vậy là thực chất các gói cước đã giảm.

Trong khi đó, từ năm 2006 đến 2011, lạm phát của Việt Nam nhìn chung đều ở mức 2 con số (ngoại trừ năm 2009) với mức tăng trung bình là 11,5%/năm, trong đó cao nhất là năm 2008 với mức 19,87%.

Doanh nghiệp khó trụ với giá cước quá thấp

Cũng theo ông Khoa, mức giá Internet rẻ đã tạo thành áp lực lên các nhà cung cấp dịch vụ, vì khi đưa ra các gói cước có giá rẻ gần hoặc dưới giá thành, doanh nghiệp sẽ không thể có nguồn vốn để đầu tư mở rộng mạng lưới. FPT Telecom tính toán rằng, cứ đầu tư vào mảng băng rộng thì phải đến 2-3 năm sau mới đến điểm hòa vốn. Với một doanh nghiệp luôn đặt lợi nhuận, kinh doanh hiệu quả lên hàng đầu, FPT Telecom chưa dám mạnh dạn đi về vùng sâu, vùng xa và lấy các địa bàn chính như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh làm điểm tựa để phát triển cho các địa phương. “FPT Telecom luôn trăn trở về việc đóng góp cho hạ tầng mạng Internet, dự kiến 3 – 5 năm tới sẽ cộng sinh với các nhà cung cấp dịch vụ để thúc đẩy sự phát triển Internet cũng như sự phát triển kinh tế”, ông Khoa cho biết thêm.

Cùng quan điểm với FPT Telecom, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ khác cũng cho rằng, cuộc chiến hạ tầng dịch vụ Internet là một chặng đường dài hơi và “chưa thể có lãi ngay được”, nhất là khi giá cước thấp như mức hiện nay. Chính vì thế, đơn vị này đã “bỏ qua” việc cung cấp dịch vụ ADSL với cáp đồng cho các hộ gia đình bởi quá lỗ, gần như không có cơ hội sinh lãi và “chắc chắn sẽ thua các doanh nghiệp khác”.

Trong khi đang lỗ, một số lãnh đạo các ISP cũng đã “than phiền” về tình trạng giá xăng dầu, điện tăng trong thời gian qua làm đội chi phí thuê đài trạm, duy trì điện lưới cho hạ tầng kĩ thuật mạng core… khiến cho chi phí tổng thể tăng rất mạnh.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet băng rộng như VNPT, Viettel có thể bù chéo từ dịch vụ di động sang nhưng đối với những công ty chỉ trông đợi vào dịch vụ này như FPT Telecom, CMC TI thì chi phí đầu tư, lợi nhuận... đang là một bài toán “nan giải”.

Đầu tháng 3/2011, FPT Telecom đã thông báo điều chỉnh chính sách của một số gói dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao ADSL. Cụ thể, FPT Telecom sẽ nâng tốc độ truy cập trong nước tối đa lên đến 8 Mbps (tuỳ theo gói dịch vụ khách hàng sử dụng) và miễn phí dịch vụ iTV xem trên máy tính. Đến đầu tháng 5/2011, VDC/VNPT cũng điều chỉnh các gói cước MegaVNN khi quyết định tăng băng thông lên gói cước cao hơn và giữ nguyên giá cho tất cả khách hàng.

Mặc dù không có sự điều chỉnh nào về tốc độ gói cước ADSL nhưng trong năm 2011, Viettel liên tục đưa ra các mức giá Internet cáp quang thấp "tương đương" cáp đồng như FTTH Eco với băng thông 12 Mbps không cam kết tốc độ quốc tế với giá 350.000 đồng/tháng từ 19/7/2011 hay gói cước FTTH TV (mức cước hàng tháng 300.000 đồng) có băng thông trong nước tối đa 10 Mbps ra mắt vào đầu tháng 9/2011.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (4)
Hiếu Tròn  25905

Đang dung FTTH Eco, không có gì phải phàn nàn. Cả thuế 385k mỗi tháng, tốc độ đúng 12 Mb/s. Tuy nhiên đêm khuya thì tốc độ quốc tế gần như bằng 0 (không cam kết mà).

Vo Manh Cuong  8

12Mb là tốc độ down còn tốc độ up bao nhiêu vậy bạn Hiếu?

12Mb là tốc độ down còn tốc độ up bao nhiêu vậy bạn Hiếu Tròn?

Hiếu Tròn  25905

Cũng vậy luôn bạn ơi, cáp quang mà Big Grin
Tuy nhiên mình cảm thấy có lẽ họ bóp lại tí xíu, vì download lúc nào cũng có thể căng tới 1,5 MB, còn up thì trên dưới 1 MB thôi (mình thử down/up với torrent).
Nói chung đến thời điểm này rất hài lòng với gói đó. Hi vọng càng ngày cáp quang càng bình dân hơn.

bangt  1

Cạnh tranh thị trường không thể nói như thế được.

- Thứ nhất nói về đầu tư: một doanh nghiệp có thời gian hoà vốn là 2 đến 3 năm là thời gian hoà vốn trung bìnd đối với các doanh nghiệp vừa nhỏ, các doanh nghiệp quy mô tương đối phải có thời gian hoà vốn từ 5 - 7 năm hoặc 10 năm. Nếu thời gian hoà vốn là 2 - 3 năm , tức lợi nhuận doanh nghiệp mỗi năm trung bình đạt từ 35% đến 50%, đấy là một con số khá lớn. Hơn nữa, sau 2-3 năm hoà vốn, thì các năm tiếp theo doanh thu này là doanh thu rồng (doanh nghiệp ko còn chịu chi phí khấu hao).

- Thứ hai: nói về thị trường thì cạnh tranh là tất yếu. Các doanh nghiệp ko đủ năng lực về tài chính, dịch vụ thì không thể kham nổi cuộc chơi. Một thời gian dài giá thị trường cung cấp đường truyền giảm cũng có góp 1 tay của FPT, giờ FPT lại than phiền đầu tiên, phải chăng là không cạnh tranh lại với các nhà cung cấp khác vì dịch vụ kém --> khách hàng dần chuyển sang nhà cung cấp khác dẫn đến doanh thu giảm mà chi phí duy trì cho hạ tầng đang đầu tư không giảm. Cái này phải xem lại về hiệu quả đầu tư và chất lượng dịch vụ thế nào.

- Thứ ba: nói về các doanh nghiệp lớn như VNPT và Viettel có cơ chế "bù chéo từ dịch vụ di động sang" là không có căn cứ và bằng chứng xác thực.

- Thứ tư: nói về quan điểm chủ quan, chính bản thân tôi đang sử dụng dịch vụ đường truyền của FPT cũng thấy bực vì chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Ping thằng google.com.vn mà thời gian TTL tới hơn 200ms. Chán vãi.