Thời gian gần đây, các trang web bói toán trên thế giới ảo làm mưa làm gió, khuấy đảo cộng đồng mạng, hình thành một thị trường bói online rất đông người truy cập. Bên cạnh tính giải trí những trang web này luôn tiềm ẩn không ít rủi ro.
Tin vào “thầy bói net”
Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “bói online”, người dùng nhận được hơn 101 triệu kết quả với hàng loạt đường dẫn như xemtuong.net, tuviglobal.com, xemtuvionline.com… Click chuột vào trang web có tên tuviglobal.com, chúng tôi khá bất ngờ khi trên trang web hiện lên dòng quảng cáo: “chuyên kinh nghiệm về chấm tử vi trọn đời, đặt tên con, chọn tên công ty, chọn ngày giờ tốt để sinh mổ, xem hạn năm hiện tại,...”. Với dịch vụ này người xem sẽ biết được vận hạn, hậu vận, sao xung chiếu, tìm người hợp tác tốt, một số cách giải xung xấu… cũng như xem chi tiết số mệnh trong 5 năm tiếp theo.
Thậm chí, các mạng xã hội lớn như Facebook, Zing Me xem bói theo ngày sinh, số điện thoại, biển số xe, chỉ tay, trạng thái tình yêu, độ tự kỉ, thậm chí dự đoán kết quả thi đại học, cao đẳng khiến người dùng như lạc vào mê hồn trận. Bên cạnh đó, các ứng dụng trắc nghiệm khá hài hước kiểu như: Câu Kiều nào miêu tả về bạn, xem tên bạn bằng các thứ tiếng,... đang “hút” hàng trăm nghìn lượt truy cập. Sự tương tác giữa các thành viên trong những trang mạng này càng củng cố lòng tin của cộng đồng mạng.
Trần Mỹ Hương, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Hà Nội, được xem là tín đồ của các thầy phán mạng cho biết: “Một lần tình cờ lên mạng, em nhận được đường link xem kiếp trước của bạn thế nào từ một người bạn gửi cho mình. Nhấn “like”, kết quả hiện ra: Kiếp trước là Trà My; nghề nghiệp: bác sĩ; nguyên nhân chết: uống nhầm thuốc của bệnh nhân,… Ngay sau đó, kết quả bói tự động cập nhật lên trang cá nhân của em khiến bạn bè vào bình luận khá đông”. Hương tâm sự, mỗi ngày cô cũng mất vài tiếng lang thang trên mạng xã hội. Nhiều hôm những lời phán của “thầy bói net” kiểu như: “cẩn thận bị đâm xe, sẽ có người nói xấu bạn khiến bạn bực mình…”, ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lí của Hương…
Không chỉ giải trí, nhiều bạn trẻ còn ứng dụng bói vui để lôi kéo sự quan tâm của bạn bè vào trang cá nhân. Đánh trúng tâm lí tò mò, thích khám phá về tương lai, hậu vận, tính cách, may rủi trong cuộc đời của bạn trẻ, ứng dụng bói vui luôn thu hút hàng chục nghìn thành viên. Điều dễ nhận thấy là các trang web có “khả năng” xem bói, đoán tử vi đều được thiết kế khá “bắt” mắt, với màu sắc đẹp nên có sức hấp dẫn các bạn trẻ. Hơn nữa với giao diện thân thiện bằng tiếng Việt và cách sử dụng đơn giản cũng là lí do giải thích việc các trang web này có lượng thành viên truy cập rất lớn.
Cần thận trọng
Thông thường, với những trang web xem bói tử vi trọn đời, ngày cưới, ngày làm nhà,… người dùng chỉ cần nhập họ tên, ngày tháng năm sinh rồi ấn chuột là các “điềm”, các ngày giờ tốt xấu của năm đều hiện ra và được thầy công nghệ số giải thích khá chi tiết. Không ít bạn trẻ vì quá tin vào những lời xem bói trên mạng mà đã bỏ lỡ những kế hoạch cá nhân. Nguyễn Hoàng Anh, cựu sinh viên một trường đại học ở Hà Nội đang khóc dở, mếu dở vì những “thầy bói ảo” kiểu này. Sau hai năm yêu cậu bạn trai cùng trường, ra trường và có việc làm ổn định đang chọn ngày để làm đám cưới. Song theo thói quen thời sinh viên, họ lên mạng xem bói để chọn ngày cưới.
Mặc dù đã tham khảo nhiều “thầy net” Đông, Tây kim cổ đủ cả nhưng thầy nào cũng nói trong 12 tháng của năm Nhâm Thìn thì tháng nào cũng là tháng xấu với tuổi của hai người. “Chắc chúng em phải đợi đến năm sau mới có ngày tốt. Không xem thì thôi chứ biết là ngày xấu mà lại làm đám cưới chúng em lại lo lắng thêm", Hoàng Anh than phiền.
Tương tự Hoàng Anh, Phương Hà, sinh viên năm thứ 3 - Đại học Công đoàn vốn rất đa cảm, hay nghi ngờ bạn trai. Được cô bạn chỉ dẫn, Hà lên mạng tìm xem số cho bạn trai. Cô sững sờ khi thầy mạng phán: “Bên ngoài, bạn trai tỏ ra rất tốt với cô, song kì thực, cậu ấy không hề yêu cô”. Không tin, Hà nhập thêm thông tin thì nhận một số lời phán rất trùng khớp với người bạn trai. Kể từ lúc đọc xong lời phán Hà thẫn thờ như người mất hồn, mất ăn, mất ngủ và tránh gặp mặt người yêu.
Ông Nguyễn Tất Đạt - Giám đốc quản trị mạng, Công ty Pacific Travel cho biết: “Xem bói qua mạng chỉ là trò chơi thư giãn, giải trí sau những giờ học tập hoặc làm việc căng thẳng. Mặc dù vậy cũng có những người vì nghe máy “tán” hay quá nên cả tin và trở thành một “con nghiện” xem bói ảo.
Cho dù những lời bình giải của nó thế nào thì người xem cũng nên bình tĩnh nhận xét khách quan, chiêm nghiệm với thực tế, bởi các kết quả từ mạng chỉ là dự đoán và không thể là việc bắt buộc sẽ xảy ra. Chưa kể, máy tính truy cập trò bói tràn lan dễ có nguy cơ nhiễm vi rút do khi sử dụng các ứng dụng này, người dùng sẽ phải cung cấp các thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ email, nghề nghiệp, ảnh đại diện, giới tính, ID người dùng, danh sách bạn bè. Những thông tin này có thể bị lợi dụng để gửi thư spam nên hầu hết người sử dụng các ứng dụng chưa ý thức được những mối nguy hại do nó gây ra. Do vậy, đã đến lúc cần cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn từ xem bói ảo, trước sự lan truyền và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của nó trong cộng đồng mạng hiện nay.
Theo ANTĐ
Bình luận