Trình cài đặt Ubuntu

Hệ điều hành nguồn mở Ubuntu đã ra mắt phiên bản 12.04 với tên mã Precise Pangolin, nhiều cải tiến cho giao diện Unity, đưa Ubuntu lên "đám mây" và một chức năng mới tinh mang tên "HUD".

Ubuntu 12.04 ưu ái cho đối tượng người dùng thuộc môi trường doanh nghiệp, và cũng là bản phát hành thứ tư mang nhãn LTS (Long-Term-Support), cam kết hỗ trợ duy trì chế độ cập nhật và phát hành bản vá (nếu có) trong khoảng thời gian năm năm (phiên bản máy chủ).

Ubuntu 12.04 cũng đánh dấu khả năng chuyển dịch sang "nền tảng đám mây" của hệ điều hành này khi hỗ trợ cả hai cơ chế "đám mây-cho-người dùng" lẫn "cơ sở hạ tầng đám mây" trên cả vi kiến trúc x86 lẫn ARM.

Điểm đầu tiên khi bắt đầu chạm tay tới Ubuntu 12.04 là tên gọi rất... thú vị, Precise Pangolin (tạm dịch: Con tê tê khó tính). Tên gọi này xuất phát từ sự chọn lựa của người sáng lập Ubuntu, Mark Shuttleworth khi ông thường xuyên dành nhiều giờ liền theo dõi một chú tê tê di chuyển trên hoang mạc Kalahari (một trong những hoang mạc lớn tại Nam Phi với diện tích 900.000 km2).

Shuttleworth cho biết độ chính xác và sự dẻo dai của những con tê tê đặc biệt gây ấn tượng và là động lực cho chính bản thân trong quá trình phát triển phiên bản Ubuntu 12.04. Những tên gọi gợi ý khác như "Perky Penguin" và "Porangi Packhorse" đều bị loại.

Theo đó, cái tên "Precise Pangolin" được chọn lựa với những mục tiêu mà nhóm phát triển tại Canonical đưa ra, bao gồm: ổn định và lâu dài, đáng tin cậy, vững chắc "như một tảng đá" và phòng thủ tốt. Nhịp Sống Số lượt qua những khả năng để bạn đọc hiểu rõ thêm về "con tê tê khó tính" này.

Cài đặt dễ dàng

Ubuntu sử dụng trình cài đặt Ubiquity vốn rất thân thiện với những người dùng đã sử dụng trước đó, giản lược các khâu cài đặt lẫn các phiên bản cài đặt. Chỉ trả lời qua vài câu hỏi của trình cài đặt bằng cách chọn lựa, bạn đã có thể vừa cài đặt vừa cấu hình nhanh cho Ubuntu.

Giao diện Unity và HUD

Các hiệu ứng ảo của Unity đã hoạt động ổn định hơn trên phiên bản chính thức, độ mờ của lớp ảnh hậu nền đã cách biệt rõ ràng hơn so với giai đoạn thử nghiệm. Những thông báo đến người dùng giờ đây rất "nhã nhặn", dùng chung tông màu với ảnh nền (desktop wallpaper) đang sử dụng.

Ảnh
Giao diện Unity rất đẹp mắt, những thông báo đến người dùng hiển thị ngay trên desktop

Nếu không sử dụng Unity, người dùng có thể cài đặt gói giao diện KDE SC 4.8.2 hay GNOME 3.4.1 hoặc Xfce 4.8.1... trong thư mục giao diện Ubuntu.

Thanh trình đơn Dash có thêm hai Lens, hai bộ lọc tìm kiếm nhanh mỗi khi người dùng click vào logo Ubuntu, bao gồm:

  • Home Lens: hiển thị danh sách các tập tin và ứng dụng đã mở trong thời gian gần nhất.
  • Video Lens: cho phép tìm kiếm các tập tin video trên desktop và thậm chí là trên web với các nguồn phổ biến như YouTube, Vimeo và Bing Video hay từ nguồn của chính người dùng.

Các biểu tượng (icon) giờ đây có thể tùy biến kích cỡ. Ngoài ra, để giúp người dùng có thể làm chủ Unity từ bàn phím thông qua các phím tắt, nhóm phát triển đã liệt kê một danh sách các phím tắt giúp tương tác với Unity.

Không thể không nhắc đến HUD (Head Up Display), một bổ sung lớn cho người dùng cuối. HUD là sự kết hợp giữa chức năng tìm kiếm và khả năng "gọi" các ứng dụng, hoạt động tương tự như GNOME Do hay Spotlight trong hệ điều hành Mac OS X.

Một ví dụ dễ hiểu hơn như hình minh họa bên dưới, HUD sẽ hiển thị ngay trong trình duyệt web FireFox, chỉ cần gõ từ khóa "source" thì thông tin từ HUD hiển thị hai luồng: chức năng xem mã nguồn trang web (Page Source) và trang web có chữ "Source" trên tiêu đề nội dung.

Khi người dùng nhấn phím Alt, một hộp thoại tìm kiếm sẽ xuất hiện, khi đó cũng là lúc HUD đã sẵn sàng hoạt động. HUD cung cấp khá nhiều tùy chọn khác nhau dựa trên từ khóa tìm kiếm mà người dùng nhập vào ô tìm kiếm.

Ý tưởng sáng tạo ra HUD sẽ dần loại bỏ những trình đơn rườm rà, chỉ cần gõ những từ hay cụm từ, HUD sẽ mang tới hàng loạt kết quả đáp ứng người dùng. Hiện HUD chỉ mới có thể đáp ứng "nhu cầu" người dùng trong vài trường hợp cụ thể. Hi vọng trong những phiên bản tới, Canonical sẽ ngày càng cải tiến HUD để trở thành chức năng tìm kiếm ngữ cảnh mạnh mẽ hơn nữa.

Thêm cơ chế quản lí

Do HUD và giao diện Dash mới đều kết nối và truy xuất dữ liệu từ công cụ Zeitgeist, để giảm bớt mức độ "theo dõi người dùng", Ubuntu 12.04 cung cấp một ứng dụng Privacy Manager mới, có thể kích hoạt từ ngay trong ứng dụng System Settings.

Ảnh
Privacy Manager mới cho phép người dùng xóa dữ liệu cá nhân dựa trên từng ứng dụng

Trong Privacy Manager, người dùng có thể khóa hệ thống đăng nhập Zeitgeist hoặc cấp phép cho những dữ liệu nào thì hệ thống được sử dụng. Theo đó, có thể đưa các ứng dụng vào "danh sách đen" để ngăn chặn bất kì dữ liệu cá nhân hay thông tin nào xuất hiện trong Zeitgeist hay trên những hộp thoại trong Unity.

Thay đổi những ứng dụng mặc định

Trình phát nhạc mặc định trong Ubuntu 12.04 LTS đã thay đổi. Banshee đã được thay thế bằng Rhythmbox. Song song đó, ứng dụng ghi chú Tomboy cũng bị gỡ bỏ khỏi danh sách cài đặt mặc định.

Ảnh
Rhymthmbox đã thay thế vị trí trình phát nhạc mặc định của Banshee

Dịch vụ sao lưu nền tảng "đám mây" Ubuntu One đã có giao diện mới, hỗ trợ tận tình hơn cho "tay mơ" trong các khâu cấu hình và kết nối tài khoản.

Software Center, nơi người dùng cài đặt các ứng dụng cho Ubuntu, đã hỗ trợ dịch vụ thanh toán trung gian PayPal để mua trực tiếp các phần mềm thương mại và cài đặt nhanh. Những gợi ý cho phần mềm mới sẽ hiển thị dựa trên những phần mềm cũ mà bạn đã cài đặt. Đặc biệt, Software Center sẽ giúp chọn lựa nhanh các gói ngôn ngữ cài đặt phù hợp với "thói quen" sử dụng của người dùng.

Những cải tiến đằng sau "cánh gà"

Nhóm quản trị hệ thống (system administrator) được đổi từ "admin" sang "sudo".

Bạn đọc có thể tải các phiên bản Ubuntu 12.04 LTS (Precise Pangolin) tại đây. Các "anh em họ" như Lubuntu, Xubuntu, Kubuntu (phiên bản Ubuntu mang tính năng chuyên biệt) đều đồng loạt ra mắt phiên bản 12.04.

Người dùng có thể "treo bộ nhớ RAM" thay vì tắt toàn bộ máy tính. Để tiết kiệm thời lượng pin cho người dùng Ubuntu trên máy tính xách tay, Ubuntu 12.04 LTS bao gồm các kịch bản mới giúp khóa nhanh USB và các thiết bị PCI khi không cần dùng đến. Chế độ tiết kiệm điện RC6 được mở mặc định.

Một số thay đổi trong phần DNS như sử dụng dnsmasq và resolvcong, giúp hệ thống DNS trong Ubuntu thêm ổn định và hỗ trợ tốt hơn khi người dùng truy cập Internet từ mạng riêng ảo (VPN).

Cuối cùng, Ubuntu 12.04 LTS dùng lõi Ubuntu 3.2.0-23-36, dựa trên nhân Linux 3.2.14.

"Con tê tê lên mây"

Phiên bản Ubuntu Server dành cho máy chủ đã cho phép triển khai hạ tầng "đám mây", sử dụng nền tảng "đám mây" của OpenStack với tên mã "Essex". Để giúp người dùng có thể chuyển đổi dễ dàng hơn từ nền tảng "đám mây" của Amazon sang OpenStack, Canonical đã phát hành AWSOME (Any Web Service Over ME), cung cấp một dịch vụ proxy chuyển đổi Amazon Web Services (AWS) để được "hiểu" bởi OpenStack.

Một số cải tiến lớn khác cho phiên bản máy chủ bao gồm dịch vụ MAAS mới, hỗ trợ máy chủ dùng chip xử lí ARM.

Nhìn chung, phiên bản Ubuntu 12.04 LTS mang theo những cải tiến rất đáng giá, một số ít chức năng mới được xem là bước tiến lớn cho một phiên bản hệ điều hành Linux như HUD. Giao diện mới bắt mắt, tiện lợi hơn kèm theo năm năm "bảo dưỡng" và hỗ trợ từ phía nhà phát triển sẽ giúp người dùng an tâm chọn lựa sử dụng.

Theo NSS - Tuổi trẻ Online




Bình luận

  • TTCN (0)