Thị trường màn hình vi tính tinh thể lỏng LCD cỡ lớn hiện nay có phần giống như thị trường TV LCD của vài năm về trước. Ở tầm cỡ 20 inch trở lên, người mua vẫn phải chấp nhận phương án xách tay từ các thị trường ngoài do hàng chính hãng trong nước còn khá đắt đỏ.

Không ai nghi ngờ về sự thắng thế của LCD trước CRT trong cuộc chạy đua vào các văn phòng hiện đại. Tại tiền sảnh, các phòng khách sang trọng, những nơi có thể bố trí máy vi tính của hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp ngày nay không thể thiếu vắng những chiếc màn hình LCD mảnh mai xinh xắn.

Nhiều lựa chọn tầm đại trà

Ảnh
L192WS được người dùng ưa chuộng.

Thị trường monitor LCD hàng chính hãng đang rất sôi động với sự tham gia của hàng tá thương hiệu tên tuổi như Sony, HP, Dell, Samsung, LG, Acer, Viewsonic, BenQ, TCL… cũng như những gương mặt mới đến như Asus, AOC, Chimei và Haier. Giá bán màn hình cùng cỡ giữa các hãng khác nhau tương đối đồng nhất, chỉ chênh nhau chừng 5-10 USD. Trong đó, các màn hình 19 inch chỉ dao động từ 225 đến 235 USD/chiếc. So với cách đây hai năm, giá của các màn hình tầm phổ thông này đã giảm tới 50%.

Không chỉ với các doanh nghiệp, người dùng cá nhân cũng thấy LCD là lựa chọn số một. Đức, một sinh viên mới ra trường nhưng nhà có điều kiện, cho biết em vừa sắm một dàn vi tính cao cấp và màn hình thì nhất định phải là LCD. Theo Đức, màn hình càng lớn càng thích nhưng chiếc LCD 17 inch cậu đang dùng trị giá 200 USD là định mức đầu tư mà ba mẹ Đức đồng ý chi ra. Trong khi các tầm phổ biến như 15, 17 inch có giá bán đã tiến khá gần màn hình CRT cùng cỡ (gấp 1,5 lần) và tầm 19 inch giá cũng hợp lý, một bộ phận người dùng thích “tậu” các màn hình tầm lớn hơn 19” với định dạng rộng (widescreen) nhiều pixel để làm việc thoải mái hơn vừa để thưởng thức các nội dung giải trí như phim và game.

Vừa lớn vừa rẻ... chấp nhận xách tay

Tuy nhiên, những màn hình LCD từ 20 inch trở lên đang được xếp vào dòng xa xỉ kén khách. Người dùng có thể phải nâng ngân sách đầu tư gấp đôi (450 - 480 USD) tầm 19 inch hoặc cao hơn nhiều lần chỉ để nhận được một màn hình có đường chéo lớn hơn một vài inch.

Trong một chuyến đi du lịch Trung Quốc, anh Đinh Bá Trực, một chuyên gia CNTT ở TPHCM, đã xách về một màn hình LCD Samsung tên gọi 245B kích thước 24 inch. Màn hình này có giá 400 USD, bằng với một model 22 inch tại Việt Nam. So với các màn hình cùng cỡ (24 inch) đang được rao bán trong nước, sản phẩm này rẻ hơn ít nhất một nửa. Chiếc LCD xách tay của anh Trực có bộ thông số thời thượng như độ phân giải cao nhất hiện nay, 1920x 1080 pixel và thời gian đáp ứng khá nhanh chỉ 5 ms.

Anh Trực cho hay, trong đoàn có 6 người cùng mua LCD tại Trung Quốc như anh. Nhắc tới rủi ro khi lựa chọn hàng xách tay, anh Trực quả quyết chiếc màn hình LCD mới tậu của anh có thương hiệu tên tuổi, là hàng mới ra lò còn chưa được giới thiệu ở Việt Nam. Và theo quan sát của anh, nhiều người sử dụng LCD nhiều năm nhưng ít khi gặp hỏng hóc nên cũng không cảm thấy lo ngại.

Những điều cần lưu ý khi mua sản phẩm

Theo giám đốc Công ty TNHH Máy tính Sơn Đạt, giống như khi mua TV, một số người dùng thường chỉ để ý đến số inch và giá cả. Trong khi đó còn khá nhiều thông số quan trọng mà họ cần lưu tâm như độ phân giải, độ tương phản, thời gian đáp ứng, tần số quét, tỷ lệ cạnh màn hình và chủng loại cổng nối…

Tùy theo mục đích sử dụng người dùng có thể lưu tâm nhiều hơn tới thông số nào nhất. Với các ứng dụng văn phòng, hầu hết các màn hình hiện có trên thị trường đều có thể đáp ứng được.

Với những ai thích game và phim tốc độ nên tìm sản phẩm có độ phân giải cao, thời gian đáp ứng (miligiây) càng ngắn càng tốt (phổ biến nhất là 8 ms). Hiện nay đã có những màn hình độ phân giải ngang với các HDTV, như 1.440 x 900 thậm chí full HD 1920x 1080 pixel và thời gian đáp ứng chỉ 2 ms.

Và đặc biệt, chủng loại màn hình wide (16:9 hoặc 16:10) sẽ phù hợp hơn với các nội dung giải trí. Để xem video độ nét cao từ các ổ đĩa quang thế hệ mới, nhất thiết chiếc LCD phải có thêm cổng số DVI và nhiều pixel để tiếp nhận các nội dung số phân giải cao. Với người dùng đồ họa chuyên nghiệp ngoài lựa chọn các CRT cao cấp, những màn hình LCD có khả năng hiển thị 16,7 triệu màu và độ tương phản 2.000:1 trở lên mới đạt yêu cầu.

Màn hình LCD của Samsung Giám đốc công ty Sơn Đạt cho hay nếu lựa chọn cách thức sắm máy xách tay hay hàng trôi nổi, người dùng phải chấp nhận mạo hiểm. Những màn hình cấp thấp thường có tốc độ quét hình thấp chỉ 60 Hz khiến hình ảnh tốc độ thường mờ nhạt, trong khi thông thường, thông số này phải từ 70 Hz trở lên. Điều quan trọng nhất là vấn đề bảo hành đã không được đảm bảo. Với hàng chính hãng màn hình LCD thường được bảo hành tối thiểu 2 năm trong khi hàng xách tay thì không, còn hàng trôi nổi trong nước thời gian bảo đảm chỉ được tính bằng tháng và việc thực hiện bảo hành cũng do chính cửa hàng đó đảm nhận.

Khi lựa chọn màn hình LCD dù là cũ hay mới người dùng cũng cần học cách phát hiện điểm ảnh chết bằng nhiều phương pháp từ thủ công đến dùng phần mềm chuyên dụng. Một màn hình chỉ cần thấy có vài điểm ảnh chết là coi như bỏ. Monitor LCD có thể rất ít khi hỏng hóc (tuổi thọ trung bình 6-10 năm), nhưng một khi đã hỏng thì việc thay thế là rất khó khăn; khó kiếm nơi sửa chữa; và sửa được cũng khá tốn kém.

Hiện nay, một số hãng điện tử như LG, Sony và Samsung còn cam kết thực hiện việc đổi sản phẩm mới trong thời gian bảo hành nếu người dùng phát hiện màn hình có điểm ảnh chết. Theo một đại diện của hãng LG, hãng chấp nhận đổi nếu sản phẩm đó có dù chỉ 2 điểm chết.

(Theo HẢI THANH-TTO)

Hiện nay, màn hình LCD phổ biến nhất là tầm 17 inch. Một số model bán chạy trên thị trường: Samsung 740L (17 inch) và 940NW (19 inch), LG177WS (17 inch) và LG 1753S (17 inch). Ở tầm 19 inch, LG có chiếc L192WS cũng được người dùng ưa chuộng.



Bình luận

  • TTCN (0)