Chiếc One X là mẫu cao cấp nhất trong dòng One với bộ xử lí lõi tứ Tegra 3 – liệu nó có thể đưa HTC trở lại đúng quỹ đạo của nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới?
HTC đã không được một thành công như mong muốn trong năm 2011. Công ty đã giới thiệu quá nhiều mẫu điện thoại, và một số trong đó không thực sự để lại dấu ấn, cộng thêm sự cạnh tranh mạnh mẽ của Samsung với mẫu Galaxy S II và Galaxy Note. Nhưng trong năm 2012 này, HTC dự định sửa chữa sai lầm của mình với dòng sản phẩm One với những cải thiện trong giao diện Sense, máy ảnh và phần cứng.
Phần cứng: đi đầu với lõi tứ
HTC One X được phát hành với Android 4.0.3 và bộ xử lí NVIDIA Tegra 3 1,5 GHz, RAM 1 GB, bộ nhớ trong 32 GB (không thể mở rộng qua khe thẻ nhớ và người dùng chỉ có 25 GB). Máy ảnh trước có độ phân giải 1,3 MPx trong khi máy ảnh sau là 8 MPx cho phép quay video Full HD 1080p. Màn hình của máy có kích thước 4,7 inch độ phân giải là 1280 x 720 (số DPI là 312 ) sử dụng công nghệ Super LCD 2. Các kết nối khác cũng được hỗ trợ đầy đủ là Wi-Fi b/g/n, Bluetooth 4.0, aGPS, la bàn số, Wi-Fi direct và NFC. Trọng lượng của máy là 130 gam và dày 9,2 mm. Cung cấp năng lượng cho hoạt động của máy là viên pin 1.800 mAh.
Với bộ vỏ màu trắng (có thể chọn màu đen) HTC One X là một thiết bị tuyệt đẹp với màn hình lớn chiếm gần như trọn mặt trước được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass trên một tâm thân hơi cong giúp cầm máy dễ hơn. Các cổng kết nối cũng được tối giản với cổng microUSB nằm ở phía bên trái trong khi phím tăng giảm âm lượng bên cạnh phải hơi khó bấm. Loa thoại của máy thể hiện trình độ gia công ở mức cao với các lỗ khoan laze nhỏ kéo dài. Phía sau màng loa là đèn LED để thông báo, được đặt để nhấp nháy khi có email mới hay cuộc gọi nhỡ. Phía bên phải là máy ảnh trước dùng cho những cuộc gọi điện video đạt chất lượng 720p.
Lần đầu tiên, HTC sử dụng cấu hình 3 nút bấm thay cho 4 như truyền thống gồm Back, Home và Open Tasks. Một phần lí do là không có nhiều người sử dụng nút tìm kiếm trên các thiết bị Android cũ và bản ICS 4.0 đòi hỏi một nút đa nhiệm riêng biệt. Các thiết bị như Galaxy Nexus đặt nút bấm trên màn hình, chiếm mất khoảng 80 điểm ảnh theo chiều dọc. One X thì tận dụng tối đa độ phân giải 1280 x 720 nên sẽ có đôi chút khác biệt với một số ứng dụng có nút menu phía dưới cùng.
Nhằm giảm tối đa độ dày của máy, One X và các máy One khác như One S sử dụng microSIM (trừ One V dùng sim thường). Các cạnh của máy trông khá sắc nét và làm cho chúng ta cảm giác máy rất mỏng. Trên đỉnh có nút nguồn, ngõ âm thanh 3,5 mm, khe gắn sim (phải có que chọc rời như của iPhone 4/4S) và một mic thứ hai để chống ồn.
Sử dụng chất liệu polycarbonate, mặt sau của máy khá dễ bị bẩn những cũng dễ làm sạch. Bề mặt nhẵn không cho độ bám tốt nhưng cơ bản làm cho máy khá đẹp. Điểm nhấn nằm ở chỗ máy ảnh cao nằm nhô hẳn lên khỏi mặt sau với đèn flash và logo HTC kích thước lớn. Ngoài ra ở mặt sau còn có 4 điểm tiếp xúc để kết nối máy với phụ kiện dock. Loa ngoài của máy ở phía dưới với logo Beatsaudio nằm ngay trên cung cấp một âm lượng đủ khi nghe nhạc hay xem phim.
Màn hình của máy có góc nhìn rất tốt, màu sắc sinh động và mức độ chi tiết cao ngay cả dưới ánh nắng mặt trời – được đánh giá cao hơn so với màn hình AMOLED của Galaxy Nexus.
Phần mềm: khác biệt với HTC Sense 4.0
Chính giao diện HTC Sense là thứ khiến các dòng máy HTC trở nên khác biệt và là một phần lí do để người dùng chọn điện thoại HTC thay vì một chiếc Android của Samsung hay Motorola. Phiên bản trước của Sense là 3.5 đã không còn duy trì được sự hấp dẫn nhưng ở phiên bản mới thì khác hẳn. Các hiệu ứng chuyển cảnh và hình ảnh động đã được đơn giản hóa, cụ thể nhất chính là biểu tượng đồng hộ đặc trưng. Sense 4.0 có một lượng lớn widget cho màn hình chủ (có thể tốn tài nguyên và giảm thời lượng pin) nhưng bạn cũng có thể thử với một đường dẫn đến rất nhiều các ứng dụng thay thế khác. Số lượng màn hình chủ cũng không còn bị giới hạn với con số 7 mà có thể thêm hoặc bớt trong dải từ 1 – 7.
Trái ngược với giao diện mặc định của Android 4.0 các thiết lập của Sense khá đa dạng với các biểu tượng tươi sáng và nhiều kiểu phông chữ. Một điểm sáng của Sense là tính năng email, với giao diện đẹp, nhiều chức năng hơn trình mail mặc định, hỗ trợ hiển thị theo luồng và tích hợp tính năng đồng bộ gọi là SmartSync – tối ưu quá trình đồng bộ dựa trên nhu cầu sử dụng và để tối đa thời lượng pin.
Bình thường Android 4.0 đã có một cách quản lí đa nhiệm tốt nhưng HTC đã chuyển cách nó hiển thị theo dạng thẻ và vuốt để tắt ứng dụng nhưng không cho phép xem nhiều ứng dụng cùng một lúc mà phải duyệt lần lượt. Phần giao diện thông báo đã được làm cho gọn gàng hơn, không còn một danh sách các ứng dụng mới mở gần đây vô nghĩa – đơn thuần chỉ là thông báo. Danh sách ứng dụng có thêm biểu tượng tìm kiếm ở phía trên để hỗ trợ người dùng tốt hơn, kể cả trong chợ ứng dụng. Một bổ sung cho Sense là ứng dụng Car hỗ trợ điều hướng và truy cập các chức năng khác dễ dàng hơn trong khi lái xe.
HTC Sense can thiệp khá sâu vào hệ thống, nó với tới lịch, gọi điện, danh bạ, ứng dụng và nhiều thứ khác nữa. Nếu không thích Sense bạn có thể sử dụng tạm thời một trình launcher khác nhưng để thoát khỏi nó hoàn toàn sẽ cần đến một bản ROM ICS nguyên bản mà hiện đang trong giai đoạn phát triển của các thành viên XDA.
HTC có đưa vào dòng sản phẩm của mình một số ứng dụng riêng như HTC Watch nhưng chủ yếu trong máy vẫn là các ứng dụng của Google và có thể tải thêm ở cửa hàng Google Play. Trình duyệt của máy cũng được cải thiện về hiệu năng để làm việc tốt với Flash và HTML5 nhưng bạn cũng nên sử dụng trình duyệt Chrome dù ở bản beta những cũng khá là tuyệt vời. Với sự hỗ trợ của Beats, chất lượng âm thanh của One X đã được cải thiện một phần, hỗ trợ làm việc với ứng dụng của bên thứ ba chứ không chỉ là với trình chơi nhạc mặc định của Android. Tuy nhiên bạn cần thêm một chiếc tai nghe Beats để có thể phát huy tối đa tính năng này trên One X còn không cũng có rất nhiều hiệu ứng khác truyền thống hơn để thay thế.
Tốc độ
HTC One X là một trong số những điện thoại đầu tiên sử dụng bộ xử lí Tegra 3 của Nvidia với 4 lõi xử lí. Trong quá trình sử dụng, bạn sẽ cảm thấy có một số độ trễ nhất định khi chuyển đổi qua lại các màn hình, điều hướng trên những trang web đồ họa nặng chủ yếu là do kết cấu hệ điều hành Android và ứng dụng chưa tương thích đầy đủ. Nếu bạn không phải là một người khó tính thì One X khá là mượt mà nhưng đừng đòi hỏi hiệu năng cao nhất trên một chiếc điện thoại thông minh nếu không muốn thất vọng.
Máy ảnh
Được giới thiệu khá nhiều và thực tế máy ảnh của One X đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dùng về một sản phẩm có thể thay thế máy ảnh compact tầm trung. Máy có thể chụp ảnh chỉ mất 0,7s và thời gian lấy nét là 0,2s. Phần ứng dụng máy ảnh thì tân tiến hơn với một loạt các hiệu ứng theo kiểu Instagram, chụp ảnh và quay phim cùng lúc và có cả chế độ chụp liên tục cho các đối tượng di chuyển nhanh để có được hình ảnh cuối cùng rõ ràng nhất. Các tùy chọn nâng cao khác như cân bằng trắng, điều khiển độ phân giải, HDR, hay làm video kiểu slow-motion mà không cần một ứng dụng ngoài.
Pin
Cũng như hầu hết các điện thoại thông minh khác, One X cho phép bạn sử dụng trong khoảng một ngày với mức sử dụng trung bình, còn nếu chơi game pin của bạn sẽ hao đi nhanh chóng. Nguyên nhân chiếm lượng sử dụng pin cao nhất chính là màn hình với mức khoảng 60%.
Mức giá
HTC One X đang được bán với mức giá 16,5 triệu đồng kèm gói cước 3G của Viettel và phụ kiện hấp dẫn là pin sạc ngoài, tai nghe Beats.
Thông Tin Công Nghệ.
Bình luận