Vietnam MapUp 2012 được cộng đồng Google Map Maker Việt Nam trông đợi là một sự kiện mang tính đột phá bởi theo kế hoạch sẽ có sự tham gia của đại diện Google, ông Divon Lan.
Cũng dễ hiểu bởi vì sau sự kiện năm 2011 với sự tham gia của bà Jessica Pfund, phụ trách Google Mapping Community, nhiều ý kiến của cộng đồng Google Map Maker Việt Nam được Google xem xét, nhiều thành viên đã được gia tăng quyền hạn và nhiều khu vực bản đồ ở khắp Việt Nam đã được Google cập nhật mới, bổ sung ảnh vệ tinh với độ phân giải cao... cộng đồng đang đón chờ người đại diện cấp cao hơn của Google đến và tạo ra những đột phá mới cho dịch vụ này.
Tuy nhiên, sát ngày diễn ra sự kiện, theo thông báo từ nhóm tổ chức sự kiện, người đại diện phái Google bận công việc đột xuất, không thể về Việt Nam đúng vào thời điểm tổ chức sự kiện, việc này khiến các đơn vị tổ chức hết sức bất ngờ và hoãn sự kiện lại một tuần sau đó là ngày 12 và 13/5/2012. Tiếp đó, do kế hoạch thay đổi nên phía trường Đại học Bách Khoa và Đại học Hàng Hải không thể bố trí địa điểm như dự kiến, sự kiện tại Hà Nội chuyển sang địa điểm tại Viện Tin học Pháp ngữ (Đại Học Bách Khoa Hà Nội), còn sự kiện tại Hải Phòng phải chuyển ra một địa điểm khác bên ngoài trường Đại Học Hàng Hải.
Dù gặp nhiều trục trặc ngoài mong đợi, sự kiện Vietnam MapUp 2012 đã thành công tốt đẹp. Sự kiện tại Hà Nội do được chuyển sang địa điểm tại Viện Tin học Pháp ngữ, vốn được coi là trung tâm của các sự kiện về phần mềm tự do nguồn mở như Ngày Phần Mềm Tự Do (Software Freedom Day - SFD), các sự kiện của CLB phần mềm nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) hay các sự kiện của cộng đồng người dùng Ubuntu-VN, đã thu hút lượng lớn các bạn sinh viên của Đại Học Bách Khoa tham dự, đây là thành công chính của chương trình tại Hà Nội.
Sự kiện tại Hải Phòng do thay đổi địa điểm tổ chức ngoài khu vực trường Đại học Hàng Hải nên không có sự tham gia của đông đảo sinh viên, nhưng bù lại nhận được sự tham gia nhiệt tình từ các thành viên khắp các tỉnh thành lân cận địa điểm tổ chức, các thành viên đến từ Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc... Đặc biệt chương trình tại Hải Phòng có sự tham gia của các thành viên Panoramio (cộng đồng cung cấp ảnh số trên bản đồ Google) khiến cho buổi giao lưu càng trở nên sôi nổi.
Do không có nhiều thành viên mới tham dự, toàn bộ sự kiện ở Hải Phòng đã được chuyển qua các bài thảo luận chuyên sâu thay vì quảng bá các nội dung phổ thông như sự kiện ngày hôm trước tại Hà Nội.
Cộng đồng Google Map Maker cũng đã tổng hợp những lỗi, những điểm chưa chính xác trên bản đồ số để gửi cho Google đề nghị điều chỉnh.
Trên biển
- South China Sea hiện đang được thể hiện chưa chính xác. Nhiều nơi còn bao phủ cả lên đất liền và các vùng biển đảo Việt Nam (Trước đây South China Sea phủ qua cả các ao hồ ven biển, hiện lỗi này được khắc phục tuy nhiên vẫn chưa triệt để).
- Phía Bắc: khu vực South China Sea hiện đang để sát bờ biển Việt Nam cách 5 km mà khu vực này chính xác phải là Vịnh Bắc Bộ (Tonkin Gulf hay Běibù Wān). Tương tự, khu vực South China Sea đang bao phủ đến vùng biển phía trong đảo (Bạch Long Vỹ), phía trong đảo Cô Tô, cửa Vạn Hoa - Tiên Yên, bờ biển Phía trong đảo Vĩnh Thực.
- Tương tự ở miền Trung, vùng biển dọc theo bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi (Phía trong Cù Lao Ré, trong vịnh Dung Quất), sát bờ biển Quy Nhơn (Bình Định), trong Vịnh Vân Phong (Khánh Hoà), bãi biển Tuy Hoà (Phú Yên), bãi cát đảo Hòn Câu và bãi biển Cà Ná (Ninh Thuận)... cũng bị thể hiện là South China Sea.
- Tại phía Nam, khu vực South China Sea bị thể hiện cả trên bãi biển La Gi (Bình Thuận), sát bờ gần sân gôn Vũng Tàu, tại Bên Tre là cửa biển các con sông như Sông Tiền, Cổ Chiên, Hàm Luông, Bãi biển Nhà Mát tại Bạc Liêu, thậm chí phủ tràn qua cả Hòn Khoai.
Trên bộ
- Biên giới với Trung Quốc tại khu vực Thác Bản Giốc hiện đang sai lệch về phía Việt Nam chừng 100 m, với chều dài 3 km.
- Tại Na Mèo, biên giới với Lào bị vẽ sai ăn sâu về phía Việt Nam khoảng 12 km với chiều dài 5 km đến bản Sộp Huổi.
- Trên cửa khẩu Hoành Mô: Đường biên giới giữa VN và TQ vẽ sai, ăn sâu vào phía nam cửa khẩu và cột mốc 1317, 1316 hàng trăm mét.
- Trên cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) GMM vẽ sai đường biên giới ở cột mốc 66 về phía Việt Nam 50 m.
- Tại nhiều địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh, bản đồ bị thể hiện ngầm là Prey Nokor là hoàn toàn sai.
Trên đây là những lỗi mà người dùng GMM Việt Nam đã thống kê được (các khu vực này đều là những khu vực đã bị hạn chế, ngay cả các người dùng có quyền cao nhất ở Việt Nam cũng không thể truy cập đến các dữ liệu này để sửa chữa chúng) vì vậy cộng đồng GMM Việt Nam chính thức gửi đến Google đề nghị sửa đổi những điểm trên.
Cộng đồng Google Map Maker Việt Nam đã đóng góp lượng dữ liệu không nhỏ cho Google Map và họ rằng Google cũng sẽ quan tâm đến các vấn đề mà họ kiến nghị. Nếu thực sự đón nhận dựa trên tinh thần cầu thị, các dịch vụ Google Map nói chung và GMM nói riêng sẽ được cộng đồng người Việt quan tâm đón nhận nhiều hơn nữa trong năm tới.
Tóm tắt các hoạt động chính của cộng đồng Google Map Maker tại Việt Nam trong năm qua
- Đầu năm 2011: Việt Nam có những đại diện đầu tiên tham gia nhóm Google Map Maker Advocates (Nhóm những người ủng hộ Google Map Maker).
- Ngày 8/4/2011: Mở trang Cộng đồng Google Map Maker Việt Nam trên Google site, liên kết tới Cộng đồng Lập bản đồ thế giới.
- Ngày 6 và 7/5/2011: Tổ chức thành công sự kiện Hội thảo Google Mappers Việt Nam tại Hà Nội và HCMC với sự tham gia của Jessica - Quản lí Chương trình Map Maker của Google. Cộng đồng đã gửi tới Google những ý kiến đề xuất đề nghị Google điều chỉnh cho dịch vụ bản đồ số mà hãng cung cấp tại Việt Nam, hầu hết các ý kiến đã được ghi nhận.
- Ngày 18/5/2011: Mở trang Cộng đồng Google Map Maker Việt Nam trên Facebook.
- Ngày 15/6/2011: Nhóm Advocates đại diện thành viên Việt Nam gia nhập nhóm Map Maker Regional Expert Reviewer (RER) tên gọi tiền thân Map Maker Regional Trusted Moderator (RTM).
- Tháng 12/2011: Cộng đồng GMM Việt Nam gửi lên Google danh sách 15 khu vực đề nghị cập nhật dữ liệu ảnh vệ tinh chi tiết và đã được Google chấp nhận.
- Đến ngày 26/12/2011: Việt Nam chính thức có tới 12 RER.
Thông tin về Google Map Maker và hệ sinh thái Google Map
Google Map Maker đã có mặt tại 188 Quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 60 ngôn ngữ. Tại Việt Nam, kể từ năm 2011, Google Map Maker đã phát triển vượt bậc, thu hút rất nhiều thành viên tham gia số hóa bản đồ cho Google. Tiêu biểu như thành viên TuấnCanon hiện đứng top 3 thế giới trong việc đóng góp trên Google Map Maker (hiện tại thành viên này đã đóng góp cho Google Map Maker 52985 bài chỉnh sửa, 21314 bài đánh giá, thành viên này cũng đã đóng góp cho Google Map gần 16.000 km đường).
Như vậy, bằng chính sách "mở" của mình, Google đã tận dụng được sức mạnh của cộng đồng người dùng, kết quả là sau hơn một năm, hiện tại bản đồ Google ở các thành phố lớn tại Việt Nam đã đạt mức chấp nhận được và đủ sức cạnh tranh với các ứng dụng thương mại như Vietmap, imap... các bản đồ này còn đặc biệt thể hiện ưu thế khi đạt tốc độ cập nhật "thời gian thực", tức là đường xuất hiện tới đâu, ngay lập tức bản đồ được vẽ tới đó, điều mà các bản đồ số thương mại ở Việt Nam luôn chậm trễ.
Ngoài chức năng bản đồ, Google Map còn là cả một hệ sinh thái với các ứng dụng được liên kết khá mật thiết với nhau. Một số ứng dụng hữu ích được nhiều người ở Việt Nam sử dụng gồm có:
- Google Map: Bản đồ số, dịch vụ chính được cung cấp cho nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm cả dịch vụ định vị vệ tinh GPS.
- Google Map Maker: Ứng dụng trên nền web, cho phép người dùng tham gia số hoá bản đồ Google.
- Google Earth: Phần mềm mô phỏng trái đất dạng 3D, cho phép hiển thị thông tin về bản đồ, đường xá, xây dựng chế độ 3D mô phỏng nhà cửa, đường phố... được Google mua về từ năm 2004. Gần đây ứng dụng này được Google bổn sung thêm rất nhiều tính năng khác màtt iêu biểu là mô phỏng Mặt Trăng, Không gian và Đại dương,... cho phép thám hiểm các khu vực mà người bình thường gần như không có cơ hội đặt chân đến.
- SketchUp: Phần mềm vẽ tay giúp lập các mô hình 3D và người dùng có thể đưua các mô hình này vào trong Google Map để mô phỏng thế giới thực.
- Panoramio: Cộng đồng người dùng chia sẻ ảnh có đánh dấu vị trí, ảnh sẽ được thể hiện trênn ản đồ của Google như một thư viện ảnh theo địa điểm.
Người được sử dụng miễn phí những dữ liệu gì từ Google Map?
Ngoài các chức năng dễ thấy như dữ liệu được cung cấp thông qua các phần mềm như bản đồ số có chức năng tìm đường, định vị vệ tinh, tạo bản đồ cá nhân, chia sẻ ảnh... người sử dụng có thể tải về các dữ liệu vô cùng giá trị từ cơ sở dữ liệu bản đồ số của Google, đó là các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao tại nhiều khu vực mà bình thường không thể tiếp cận như cách khu rừng sâu (nghiên cứu về bảo vệ môi trường), các ảnh chụp vệ tinh đường tuyến biên giới với địa hình hiểm trở (nghiên cứu về an ninh, quốc phòng), các lớp phủ dữ liệu về địa hình tại các khu vực hiểm trở mà công tác trắc đạc của Việt Nam hiện chưa làm được (có thể sử dụng làm bình đồ với số liệu chính xác cao, phục vụ công tác thiết kế đường, tính toán lưu lượng nước, dự báo lũ lụt...).
Ngoài ra với Google Map Maker, người sử dụng còn có thể tạo các thư viện bản đồ riêng nhằm phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau cho tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng của mình như bản đồ các khu vực thiên tai, động đất, lũ lụt, cháy rừng; bản đồ các tuyến xe buýt, tắc đường... hoặc thậm chí là bản đồ các khu vực hay hoạt động của tội phạm hình sự nhằm cảnh báo mọi người.
Bình luận
cho mình hỏi tính năng chỉ đường (Get direction) ở VN đang bị sao vậy?
Tính năng này bị lỗi kể từ ngày 12/05/2012 bạn à. Có thể Google đang nâng cấp dịch vụ nên xảy ra lỗi này. Tuy nhiên lỗi này không bị ở khu vực Map Maker. Ban thử chờ một vài ngày xem sao.