Việt Nam có tỉ lệ sử dụng phần mềm máy tính lậu năm 2011 là 81% trong khi năm 2010 là 83%. Tổng giá trị thương mại của những phần mềm này là 395 triệu USD.
Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách về Phòng chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA), đánh giá: "Năm 2003, mức độ vi phạm tại Việt Nam lên tới 92%, đứng số một thế giới còn hiện xếp thứ 22. Kết quả này là bằng chứng về sự nỗ lực của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc giảm tỉ lệ xuống ngang bằng với khu vực và thế giới là 60% và 42%".
Tổng giá trị thương mại toàn cầu của các phần mềm máy tính bị vi phạm đã tăng từ 58,8 tỉ USD năm 2010 lên 63,4 tỉ USD năm 2011. Con số này được BSA đưa ra trong cuộc họp báo sáng ngày 17/5 tại Hà Nội.
36% số người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia khảo sát của BSA thừa nhận đã sử dụng phần mềm bất hợp pháp "mọi lúc", "phần lớn thời gian" hay "thỉnh thoảng" trong khi khoảng 27% khác khẳng định "ít khi sử dụng". Người vi phạm chủ yếu là nam giới, trong đó 32% ở độ tuổi 18-24.
Dù được hậu thuẫn và bảo vệ về quyền và sở hữu trí tuệ, trên thực tế, nhiều nước chưa có nhiều biện pháp ngăn cản hành vi trái phép. Do đó, chỉ khoảng 20% nói rằng nguy cơ bị bắt là lí do khiến họ không dùng phần mềm lậu.
Báo cáo lần này là nghiên cứu thường niên thứ 9 về vi phạm bản quyền phần mềm của BSA và IDC. Phương pháp nghiên cứu là thu thập 182 đầu vào dữ liệu riêng và đánh giá xu hướng máy tính và phần mềm ở 116 thị trường, cũng như tiến hành khảo sát 15.000 người sử dụng ở 33 nước (thuộc nhóm chiếm 82% thị trường máy tính cá nhân toàn cầu).
Theo VnExpress
Bình luận