Ảnh: Gizmodo.

Doanh thu từ nhạc số của các hãng đĩa trong năm 2007 đã tăng hơn 40% so với năm 2006, đạt con số kỷ lục 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận truyền thống từ việc bán đĩa CD vẫn đang tụt dốc không phanh.

Theo Hiệp hội thu âm Mỹ, sự tăng tưởng của doanh thu nhạc số hợp pháp "chỉ là con kiến" nếu đem so sánh với hàng tỷ USD tổn thất từ vấn nạn sao chép nhạc lậu.

"Tỷ lệ ca khúc download trái phép so với số ca khúc bán được là thực sự áp đảo (20:1)".

Chính vì thế, những nỗ lực mới đây của các nước trong việc triệt hạ nhạc "lậu" là rất đáng biểu dương. Lấy thí dụ, tân Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy vừa đề xuất một chiến dịch truy quét những người cố tình vi phạm luật bản quyền.

Ông thậm chí còn kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Pháp tự động ngắt mạng của những khách hàng tải nhạc/phim trái phép.

"Kế hoạch này là cột mốc đáng kể nhất trong nỗ lực tiêu diệt nạn sao chép nội dung trên mạng Internet", Chủ tịch RIAA tuyên bố.

Tụt dốc không phanh

Doanh thu từ đĩa CD đã liên tục giảm hơn 10% trong hai năm 2005, 2006 và nhiều khả năng còn giảm mạnh hơn trong năm 2007. Doanh thu từ nhạc số tuy có cải thiện, song hoàn toàn không bù đắp được cho sự suy giảm bên thị trường CD.

Bên cạnh đó, bản thân doanh thu nhạc số cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng chững lại. Từ mốc 380 triệu USD năm 2004, thị trường nhạc số đã tăng trưởng hơn gấp 3 trong năm 2005.

Nhưng đến năm 2006, tỷ lệ tăng trưởng chỉ còn gần gấp đôi và đến năm 2007 dừng lại ở con số khá khiêm tốn là 40%.

Hiện nay, nhạc số chiếm khoảng 15% thị phần âm nhạc toàn cầu, với khoảng 500 site bán nhạc hợp pháp đang hoạt động. Đứng đầu về doanh thu vẫn là quầy nhạc số iTunes của Apple.

Nhật Bản vẫn tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thị trường nhạc số, nhờ vào tỷ lệ người dùng tải nhạc về ĐTDĐ cực đông. Nữ ca sĩ Utada Hikaru đã bán được hơn 7 triệu lượt download dành cho single "Flavor of Life" của mình, dù ban đầu đây chỉ là một ca khúc nhạc chuông.

(Theo Trọng Cầm-VNN/AP)



Bình luận

  • TTCN (0)