Số phận netbook cùng với chip xử lí Atom tới đây sẽ ra sao, có chịu rời cuộc chơi để nhường sân cho làn sóng mới ultrabook và máy tính bảng?
Sau giai đoạn bùng nổ vào các năm 2008 – 2009, netbook trở nên mờ nhạt kể từ khi iPad ra đời vào tháng 4/2010 mở đầu cho trào lưu máy tính bảng. Bản thân netbook trước những nhược điểm khó phủ nhận như cấu hình yếu, màn hình nhỏ, thời lượng pin ngắn… đã không thể chiếm được lòng tin của người dùng dù có mức giá rẻ. Nhiều nhà sản xuất giờ đây không còn mặn mà với dòng máy này nữa. Về phía Intel, với vai trò là người giương cao lá cờ của cuộc chơi netbook, hẳn sẽ không chịu ngồi yên. Vậy số phận netbook tới đây sẽ ra sao, liệu trong năm 2012 này có chịu rời cuộc chơi để nhường lại sân trọn vẹn cho ultrabook và máy tính bảng (MTB)?
MTB & ultrabook ép sân
Trong năm 2008, ASUS tung ra mẫu EEE PC – chiếc MTXT nhỏ bé với màn hình 7 inch và mức giá cực rẻ. Chỉ vài tháng sau đó, bản thân chiếc máy này và vô vàn các biến thể khác đã đạt được thành công vượt bậc trong vai trò một mẫu máy tính cá nhân phụ - chỉ nhắm vào giải quyết các tác vụ cơ bản như duyệt web, soạn văn bản, xem hình ảnh... Tuy vậy, tới thời điểm gần đây, dòng máy này đã chịu sức ép cực lớn từ các dòng máy tính bảng và “đàn em” ultrabook vốn cũng do chính Intel hậu thuẫn. Bản thân MTB ngoài việc nhắm vào cùng nhiệm vụ giải quyết các nhu cầu cơ bản của người dùng còn được thiết kế để trở thành một công cụ làm việc cao cấp – ngược lại với netbook thường bị coi là món đồ chơi giá rẻ.
Chính những đặc điểm này cùng sự giảm sút doanh số đã khiến các nhà sản xuất có hướng chuyển đổi. Việc Samsung thông báo tới các đối tác rằng có thể sẽ ngừng tiếp thị nhóm netbook trong vài tháng tới không khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong tương lai, nhiều khả năng Samsung sẽ tập trung vào ultrabook để trám lỗ hổng do netbook để lại. Bên cạnh đó, xu hướng hiện tại cho thấy chắc chắn MTB sẽ thống trị thị trường với màn hình 10 inch. Trên đó sẽ là sân chơi của ultrabook 11 inch tới 13 inch. Cao hơn nữa, thị trường máy tính từ 15 inch trở lên sẽ vẫn nằm trong tay các dòng MTXT truyền thống – dù nhiều nguồn tin cho rằng Apple đang chuẩn bị ra mắt mẫu máy “siêu Macbook Air” cỡ lớn 15 inch.
Các nhà sản xuất bỏ cuộc chơi
Các thế hệ chip ARM ngày càng nhanh và mạnh hơn là một trong những tác nhân chính khiến các chip Atom trong netbook bị lép vế. Từ chỗ chỉ là chip trong thiết bị nhỏ như điện thoại thông minh, ARM đã lấn sân mạnh sang mảng sản phẩm máy tính bảng, máy tính gia dụng cỡ nhỏ và thậm chí là một vài dòng máy chủ tiết kiệm điện. Cùng với việc Windows 8 chính thức hỗ trợ ARM song song với x86, chắc chắn các dòng netbook với ARM cũng sẽ xuất hiện trên thị trường. Câu hỏi đặt ra khi đó là: những chiếc máy này sẽ là MTB với bàn phím vật lí hay netbook với màn hình cảm ứng?
Không phải duy nhất Samsung muốn bỏ netbook. Mới đây, Dell đã có một quyết định rút các mẫu netbook của Dell ra khỏi thị trường. Từ 2008, các dòng máy Dell Mini với màn hình 7 inch và 10 inch vẫn là lựa chọn cạnh tranh tốt với các đối thủ Samsung, Asus, Acer… vốn đều là những tay chơi lớn. Tuy nhiên netbook của Dell đã thất trận dưới sức ép của MTB, cộng với làn sóng của thế hệ ultrabook có thiết kế mỏng nhẹ mà hiệu năng vận hành trên cấu hình BXL Core i5/i7 tốt hơn hẳn so với Atom.
Intel cũng đã nhận thấy tình hình bi đát sẽ đến với Atom nếu không nhanh chóng đưa ra giải pháp cứu vãn. Trong khi chưa rõ thế hệ Atom mới có khả năng cạnh tranh thế nào đối với chip ARM trên MTB, việc mất thị phần netbook sẽ là điều chẳng tốt lành. Trong giai đoạn sắp tới, việc Dell đưa ra lựa chọn nào cho người dùng trong tầm giá của netbook (từ 400-500 USD) sẽ được nhiều người quan tâm. Hiện tại, Dell đang cố gắng sử dụng mẫu Inspiron 11z siêu nhẹ và Alienware M11x để trám chỗ trống, nhưng có khả năng trong giai đoạn tới, hãng sẽ đưa ra MTB giá rẻ để giải quyết vấn đề.
Kịch bản nào cho netbook?
Thực tế, Intel không hề bỏ rơi netbook cũng như BXL Atom của mình. Ngay trong dịp giáng sinh năm rồi, hãng đã công bố kế hoạch của nền tảng Atom mới mang tên mã Cedar Trail (thuộc nhóm nền tảng Saltwell). Mặc dù thị trường netbook liên tục xuống dốc nhưng hãng vẫn tin rằng tình hình sẽ khác trong 2012 – một phần lớn nhờ Cedar Trail 32nm. Bản kế hoạch này cũng hé lộ nhiều thay đổi về kiến trúc netbook truyền thống. Trong đó, điểm đặc biệt nhất là sự hiện diện của màn hình cảm ứng.
Phân khúc netbook mới sẽ có giá bán lẻ trung bình từ 399 USD trở lên – thấp hơn nhiều so với ultrabook (vốn được ấn định dưới 1000 USD) và Intel cho biết chúng sẽ hỗ trợ cảm ứng và thiết kế bên ngoài hoàn toàn mới – cho phép xoay lại màn hình để chuyển đổi thành MTB khi cần. Thực tế, giải pháp máy tính siêu di động dựa trên kiến trúc x86 khá hấp dẫn so với ARM – đặc biệt là với những người dùng cần tới các ứng dụng tương thích x86 và một bàn phím vật lí.
Đáng kể hơn, Cedar Trail cũng được nhắm giải quyết các điểm yếu của Atom cũ như khả năng đồ hoạ tốt hơn nhờ GMA 3600 với DirectX 10.1. Đồ hoạ mới cũng hỗ trợ Bluray 2.0, đủ khả năng trình chiếu phim 1080p, mở rộng thêm màn hình ngoài qua HDMI hay DisplayPort. Các tính năng khác như Intel Wireless Music, Intel Wireless Display, PC Sync, FastBoot cũng sẽ được bổ sung trong Cedar Trail.
Bên cạnh đó, khung giá 199-299 USD sẽ được áp cho nhóm netbook tầm trung mới. Intel tuyên bố rằng chip N2600 sẽ cho phép tạo ra các mẫu máy không sử dụng quạt. Hơn thế, nhờ mức TDP chỉ 3,5W, các nhà sản xuất hệ thống có thể tạo ra sản phẩm nhẹ và mỏng hơn đáng kể nhờ cắt giảm được thể tích pin và tản nhiệt trong khi vẫn đảm bảo thời gian sử dụng pin lí thuyết đạt trên 10g (theo Intel công bố). Nếu như chiến lược giá được đảm bảo, netbook mới với giá tối thiểu 199 USD sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.
Theo PCWorld VN
Bình luận
Chuẩn bị mua 1 cái netbook mà chưa biết chọn cái nào
netbook dùng nhỏ quá, chỉ những người tay nhỏ mới hợp, mình con zai ai chơi netbook làm gì nhỉ